
Sinh viên học song bằng:
Chỉ cần nỗ lực không ngừng, thất bại sẽ gục ngã sau lưng
-
Trong khi con số cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp ngày càng tăng lên mức báo động, nhiều sinh viên hiện nay đã quyết định theo học hệ đào tạo song song hai văn bằng như một cách giải quyết nguy cơ không xin được việc làm sau khi ra trường.
Khát vọng vươn lên đổi đời
Vội vàng ăn trưa sau ca sáng của ngành học 1, Hoàng Như Quỳnh, sinh viên năm cuối trường HVBCTT lại đến lớp học của chuyên ngành ca chiều để theo học một chuyên ngành khác. Vốn sinh ra trong một gia đình nghèo, cô gái nhỏ nhắn quê Nam Định này luôn tâm niệm phải có một công việc ổn định sau khi tốt nghiệp. Ngay từ khi còn là sinh viên năm 3, Quỳnh đã nhận thấy cơ hội có việc làm sau khi ra trường với tấm bằng chính trị là quá ít ỏi, cô đã quyết định theo học một chuyên ngành đa phương tiện để nuôi ước mơ thay đổi cuộc đời.
Không chỉ riêng Quỳnh, nhiều sinh viên hiện nay được cho là có những sự chọn khá khôn ngoan khi biết tranh thủ học song bằng ngay từ khi còn học đại học. Theo suy nghĩ của nhiều người, đây vừa là khoảng thời gian thuận lợi nhất cho việc tiếp thu một lượng kiến thức nền tảng lớn, vừa tạo cho mình có cơ hội được cọ xát, học hỏi từ nhiều môi trường học tập khác nhau. Từ đó, giúp cho cơ hội có một công việc như ý để bám trụ lại thành phố lớn Hà Nội trở nên rộng mở hơn rất nhiều với sinh viên tỉnh lẻ.
Học song bằng là giải pháp tình thế của nhiều sinh viên hiện nay (Ảnh minh họa)
Cũng trong hoàn cảnh nghèo khó như Quỳnh, Hà Thị Phương là người dân tộc thiểu số. Do nắm được thông tin hằng năm tỉnh sẽ tiếp nhận một số lượng sinh viên thi công chức vào các công sở và trường học, cô sinh viên đang theo học chuyên ngành Việt Nam học lập tức đăng kí học thêm chuyên ngành Sư phạm Mầm non với mong muốn không phải chịu cảnh “ôm bằng đại học về xếp xó” như nhiều anh chị đi trước.
Theo học chuyên ngành sư phạm về Lý luận chính trị được 2 năm, Thu Hường (ĐH sư phạm Hà Nội) thừa nhận cô rất tâm huyết với chuyên ngành mình đã chọn. Tuy nhiên, nhận thấy nguy cơ thất nghiệp quá lớn khi đầu ra của Hường chỉ có thể giảng dạy tại các trường cao đẳng – một nơi rất khó chen chân cho những sinh viên xuất thân từ nông dân. Bởi vậy, dù vẫn rất đam mê với sư phạm chính trị, cô đã quyết định học thêm một chuyên ngành Sư phạm Tiểu học để không phải lo lắng quá nhiều về chuyện lại về quê "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" với đồng ruộng.
Muôn vàn khó khăn
Với những sinh viên nghèo, việc theo học hệ đào tạo song song hai văn bằng được xem như một thử thách lớn của cuộc đời. Không chỉ phải bỏ thời gian nhiều hơn bạn bè, họ còn phải làm việc thật chăm chỉ và vất vả để trang trải cho cuộc sống của mình.
Gia đình không có điều kiện chu cấp đầy đủ như các bạn ngay từ khi còn học chuyên ngành 1, Hà Thị Phương đã luôn phải tranh thủ thời gian để cân đối giữa việc học và đi làm thêm ngoài giờ. Cuộc sống bươn chải từ sớm với những công việc như trông trẻ nhỏ, giúp việc nhà, đi gia sư hay thậm chí là cả học hộ, công việc nào cũng đầy vất vả nhưng cô gái nhỏ bé đến từ Tuyên Quang luôn nỗ lực để có thể hoàn thành được chương trình vừa có lượng kiến thức khổng lồ, vừa tốn nhiều công sức và thời gian của mình.
Kì nghỉ hè bắt đầu cũng là lúc Thu Hường bước vào giai đoạn khó khăn nhất trong quãng đời sinh viên của mình. Để có tiền chuẩn bị cho việc theo học cả hai bằng trong năm học mới, cô đã quyết định không về nhà nghỉ mà ở lại Hà Nội làm thêm. Sống tập thể chật chội và phức tạp, bữa cơm lúc đói lúc no vì về quá muộn nên không thể ăn đúng bữa. Khó khăn là vậy như Hường không bỏ cuộc. Với cô, chỉ cần thoát khỏi cuộc sống khó khăn nơi đồng ruộng để bố mẹ và bản thân có thể sống một cuộc sống mới tốt hơn thì những khó khăn đã, đang và sẽ trải qua không có gì đáng nói.
Gặp nhiều trở ngại trong quá trình học song bằng là điều không tránh khỏi (Ảnh minh họa)
Không chỉ gặp khó khăn trong vấn đề học phí, nhiều sinh viên còn gặp phải không ít rào cản với lịch học hai ngành chồng chéo.
Minh Thu (sinh viên ĐH Văn Hóa) nhiều lần đã gặp phải cảnh dở khóc dở cười khi lịch làm bài tập nhóm của cả hai chuyên ngành theo học trùng nhau, thậm chí việc thực tập cũng không mấy suôn sẻ khi lịch làm việc của cô luôn khác các bạn trong nhóm. Không chịu khuất phục trước những khó khăn, cô nàng được mệnh danh là “siêu nhân” này luôn hoàn thành tốt tất cả công việc được giao với tâm niệm: “Chỉ cần nỗ lực không ngừng, thất bại sẽ gục ngã sau lưng”.
Chung một hoàn cảnh khốn khó khi từ quê nghèo đến thành phố học tập, nhiều sinh viên học song song hai văn bằng đang căng mình đối diện với những thử thách lớn cả về vật chất và tinh thần mà không phải ai cũng có thể hiểu hết. Với khát vọng vươn lên và ý chí quyết tâm muốn thay đổi cuộc sống, họ thật sự xứng đáng là tấm gương vượt khó đáng được học tập.
Ngọc Huyền

63 tác phẩm xuất sắc đoạt Giải báo chí Thông tấn xã Việt Nam 2016

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn doanh nghiệp Hong Kong (Trung Quốc)

Hoàn thiện kế hoạch giao vốn chương trình mục tiêu quốc gia

Xử lý vấn đề tồn tại của Công ty cổ phần Thể dục thể thao Việt Nam
