Câu chuyện xung quanh cầu phát thanh ở Vị Xuyên

22/04/2020, 23:29

Câu chuyện xung quanh cầu phát thanh ở Vị Xuyên - Sự anh dũng, quả cảm, lòng yêu nước của một dân tộc đôi khi không phải được đong đếm bằng những tấm huy chương, bằng khen, con số... mà có khi là những khoảng lặng ở hàng trăm nghĩa trang liệt sĩ khắp mọi miền Tổ quốc. Bởi ở đó, là những số phận, những câu chuyện về sự hàn gắn, thứ tha, những giọt nước mắt yêu thương cứ tuôn chảy không ngừng. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng cuộc chiến với nỗi đau của chính mình vẫn luôn còn, trong mỗi chúng ta hôm nay...

Phóng viên VOV tìm hiểu về cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc thực hiện cầu phát thanh trực tiếp tại nghĩa trang Vị Xuyên (Hà Giang). Ảnh: PV

Hành trình tìm về cuộc chiến 30 năm trước

Chúng tôi được lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam cử lên phía Bắc mà cụ thể là huyện Vị Xuyên của tỉnh Hà Giang, nơi diễn ra những trận chiến ác liệt nhất trong suốt 10 năm của chiến tranh biên giới phía Bắc. Cánh phóng viên chúng tôi có nhiệm vụ tìm hiểu về cuộc chiến tranh ấy để làm tư liệu viết bài và thực hiện cầu phát thanh trực tiếp tại nghĩa trang huyện Vị Xuyên, nơi lưu giữ phần mộ của 3.000 liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới.

Chúng tôi đã cùng đọc hàng trăm trang tư liệu, thông qua Ban liên lạc Sư đoàn 356 để tìm các cựu binh, nghe họ kể chuyện trong suốt hành trình 10 năm chiến đấu. Đa phần họ đều có cuộc sống khác sau khi rời quân ngũ. Sư đoàn 356 đã bị “giải thể” và được gọi là “Sư đoàn hóa đá”. Các cựu binh của Sư đoàn trở về quê hương, người cày cấy đồng áng, người lưu lạc mưu sinh. Đa phần có cuộc sống không mấy dễ dàng gì... Nhưng mỗi khi nghe về hai chữ Vị Xuyên, ánh mắt lại rực sáng, long lanh những hoài niệm...

Cuộc tìm kiếm nhân chứng của chúng tôi cuối cùng cũng có kết quả. Đó là một cựu binh của sư đoàn 356, người đã trực tiếp tham gia trong chiến dịch MB 84 (chiến dịch ác liệt nhất trong 10 năm của cuộc chiến biên giới phía Bắc. Chỉ riêng ngày 12/7/1984 đã có hơn 600 chiến sĩ của sư đoàn 356 hi sinh tại đây). Ông là Hà Hữu Thân, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 149 hiện đang ở Yên Bái. Sau khi nghe trao đổi về nội dung cầu phát thanh 27/7, ông Thân đồng ý trở lại nghĩa trang Vị Xuyên vào ngày đó và sẽ kể câu chuyện của mình tại đây, trong nghĩa trang Vị Xuyên, dù trước đó 2 ngày ông vừa từ đây trở về.

Đài hương điểm cao 468 thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên. Ảnh: PV

Vị Xuyên những ngày tháng 7

Chúng tôi lên đường đến Vị Xuyên, Hà Giang sớm hơn dự kiến khoảng 3 ngày. Với những nhà báo trẻ chưa một lần biết đến sự khốc liệt của chiến tranh, chúng tôi mang trong mình sự thôi thúc phải đến tận nơi ấy. Đón chúng tôi là một cựu binh khác của Sư đoàn 356, ông Lê Mai. Cựu binh Lê Mai là lính công binh, chuyên đào hầm trú ẩn cho đồng đội trong suốt những năm tháng đó. Ông tự lái xe máy đưa chúng tôi lên đài hương 468, chỉ về những điểm cao ác liệt năm xưa. Qua lời kể của ông cùng chuyến đi thực địa men theo các con đường mòn xung quanh núi ở các cao điểm như 771, 468, 685, 300, 400... cuộc chiến năm xưa đã hiện dần lên, chân thực và rõ ràng.

Buổi sáng hôm đó trời bỗng xanh và trong một cách kỳ lạ, mặc dù trước đó trời mưa liên tiếp gần như cả tháng. Đúng 7h, trước khi cầu trực tiếp trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam 1 tiếng, cựu binh Hà Hữu Thân cùng vợ, các em và những người đồng đội của ông đã có mặt tại nghĩa trang Vị Xuyên.

Đúng giờ, đầu cầu Hà Nội bắt đầu nối máy, giữa tiếng chuông cầu nguyện ngân, ông Thân kể lại cho thính giả nghe về câu chuyện của đời mình đầy xúc động. Đó là vào những năm 1980, hai người lính Lê Nam Hòa và Hà Hữu Thân thân thiết với nhau khi ở cùng một đơn vị tại Lào Cai. Năm 1984, cuộc chiến ngày càng ác liệt, cả hai được điều về Trung đoàn 149, Sư đoàn 356. Ông Thân là Đại đội trưởng, còn ông Hòa là Đại đội phó Đại đội 1, Tiểu đoàn 7. Hai người thường kể cho nhau nghe về gia đình, về những ước mơ của tuổi trẻ. Đặc biệt, ông Hòa hay tâm sự với ông Thân về hoàn cảnh người vợ trẻ của mình là bà Nguyễn Thị Minh Nga cùng đứa con trai mới 7 tháng tuổi đang ở quê trong nỗi nhớ mong da diết.

Ông Thân còn nhớ rõ, trước đêm diễn ra trận đánh ác liệt ngày 12/7/1984, dưới gốc đa làng Lò (huyện Vị Xuyên), ông Hòa bảo rằng: “Ngày mai bước vào cuộc chiến, không biết rồi sẽ ra sao. Nhưng chúng mình hứa với nhau là ai còn sống sẽ chăm lo cho gia đình người kia nhé!”. Ông Thân đồng ý. Và như một định mệnh, người lính tên Hòa đã hi sinh trong trận đánh vào cao điểm 685, còn ông Thân chỉ bị thương và đưa về tuyến dưới. Sau này nhớ lại lời hứa dưới gốc đa với bạn, ông Thân đã tìm về gia đình ông Hòa, lúc đầu với mục đích giúp đỡ vợ bạn. Nhưng sau đó dần dần, chính ông đã có cảm tình với người y tá Nguyễn Thị Minh Nga và xin phép gia đình nối nghĩa với bà. Cứ thế, hai người nương tựa vào nhau, cùng chăm lo con cái và gia đình. Ông Thân xin được nhận là con nuôi của gia đình liệt sĩ Hòa để chăm lo cho gia đình bạn. Trong căn nhà nhỏ của hai ông bà tại Phú Thọ, ông Thân tự tay lập bàn thờ đồng đội khói nhang thờ cúng. Và cứ đến ngày 12/7, ngày giỗ trận hàng năm, hai vợ chồng ông lại về Vị Xuyên, thắp hương cho liệt sĩ Hòa cũng như nhiều đồng đội của mình.

Câu chuyện giản dị là vậy nhưng ngay lúc đó, những người đồng đội của hai ông không ai kìm được nước mắt. Họ vừa khóc vừa cất cao bài hát “Về đây đồng đội ơi...” của nhạc sĩ Trương Quý Hải (cũng là người lính của biên giới Vị Xuyên năm xưa). Chúng tôi, những người làm báo trào dâng cảm xúc, để cho tiếng hát của các cựu binh hòa vào làn sóng của Đài tiếng nói gửi tới các thính giả...

Kết thúc cuộc nối cầu phát thanh, chúng tôi nhận được rất nhiều tin nhắn, điện thoại của thính giả, bạn bè và đồng nghiệp. Họ nói rằng họ rất xúc động khi được nghe câu chuyện về hai người lính ấy. Rằng đây là cầu phát thanh đã lấy đi của họ nhiều nước mắt nhất từ trước tới nay. Với nhiều người, đây là lần đầu tiên họ biết về một cuộc chiến mang tên biên giới phía Bắc./.

Mai Lan