Cảm xúc về Giải Báo chí về Đồng bằng sông Cửu Long năm 2019

22/04/2020, 23:29

Giải Báo chí về Đồng bằng sông Cửu Long năm 2019 vừa diễn ra Lễ trao giải tại TP. Rạch Giá (Kiên Giang). Tạp chí Người Làm Báo ghi lại một số cảm xúc của một số tác giả đoạt giải năm nay.

Nhà báo Cúc Phương (áo dài đỏ), Báo Đồng Tháp, Tác giả đoạt Giải Nhất

NHÀ BÁO CÚC PHƯƠNG (BÁO ĐỒNG THÁP)
TÁC GIẢ ĐOẠT GIẢI NHẤT

Với những người làm báo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Giải Báo chí về Đồng bằng sông Cửu Long là giải rất uy tín, một dịp để đội ngũ phóng viên, nhà báo đầu tư, thể hiện những tác phẩm báo chí hay, tốt, đúng định hướng và tạo hiệu ứng xã hội tích cực. Giải còn là động lực để những người làm báo viết vì đam mê, vì trách nhiệm, vì tấm lòng đối với vùng đất, con người miền Tây hào sảng, chất phác, chân tình.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là một trong những nội dung rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, đó là nguồn cảm hứng để tôi quyết định chọn đề tài này. Động lực để thực hiện điều đó chính là sự thay đổi tư duy và cách điều hành lãnh đạo, chỉ đạo rất tích cực của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Tháp trong thời gian qua. Là nhà báo, chúng tôi muốn giới thiệu điều này đến với tất cả mọi người trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung.

Chúng tôi mất 2 tháng để chọn đề tài, thực hiện tác phẩm, xây dựng đề cương, liên kết các sự kiện, chi tiết, hình ảnh, với sự ủng hộ, động viên của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, người đã sắp xếp công việc để trả lời phỏng vấn. UBND tỉnh, các sở, ngành đã đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi tác nghiệp trong nhiều sự kiện lớn. Ngoài ra, rất nhiều đồng nghiệp khác cũng đã góp ý, cùng chăm chút cho tác phẩm.

Được Ban Tổ chức và mọi người ghi nhận tác phẩm là một điều rất vui, và vui hơn nữa nếu những người làm báo Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước cùng viết những tác phẩm hay, tạo hiệu ứng lan tỏa về quê hương và con người Đồng Tháp.

Nhà báo Thúy Vi (nữ áo trắng) - Tác giả đoạt Giải Nhì thuộc đơn vị Báo Kiên Giang

NHÀ BÁO THÚY VI (BÁO KIÊN GIANG)
TÁC GIẢ ĐOẠT GIẢI NHÌ

Qua 4 mùa giải được tổ chức, Giải Báo chí về ĐBSCL thực sự trở thành sân chơi ý nghĩa, bổ ích cho đội ngũ những người làm báo trong khu vực. Nội dung của Giải đề ra phong phú, như: Phản ánh những thành tựu kinh tế - xã hội và những vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển khu vực ĐBSCL về biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, hội nhập kinh tế, đào tạo nguồn nhân lực...; nông nghiệp, nông dân, nông thôn; gương người tốt, việc tốt... Từ đó, gợi mở, tạo nguồn cảm hứng đề tài, đòi hỏi những người làm báo suy nghĩ, quan sát nhiều hơn, có sự trăn trở tìm tòi những đề tài mới, góc nhìn mới nhằm phản ánh sâu sắc, kịp thời, chính xác, toàn diện tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, đời sống, tâm tư của người dân ĐBSCL; đồng thời, mang đến cho độc giả những tác phẩm báo chí chất lượng hơn.

Tỉnh Kiên Giang hiện có trên 60 ngành, nghề nông thôn tập trung ở các huyện, thành phố. Những tháng đầu năm 2019, những hộ dân làm nghề truyền thống trên địa bàn các huyện Gò Quao, Tân Hiệp, Giồng Riềng phấn khởi khi nghề làm bánh phồng, nghề chằm nón lá và nghề vót đũa tre được công nhận là nghề truyền thống. Từ thông tin này, tôi quyết định chọn thực hiện đề tài “Đa sắc nghề truyền thống ở Kiên Giang” để giới thiệu đến độc giả “bức tranh” sinh động, nét đẹp văn hóa cũng như tôn vinh nghề truyền thống và những người dành trọn thanh xuân gắn bó với nghề.

Quá trình tác nghiệp, tôi có dịp được gặp nhiều hộ dân, người dân, trong đó có hộ đồng bào Khmer, nghe bà con kể nhiều về niềm vui, nỗi niềm về nghề. Dù trải qua thăng trầm theo thời gian, nhưng người dân vẫn nhiệt huyết giữ nghề và làm nghề, hiện sản phẩm tiêu thụ khá ổn định, mang lại thu nhập đáng kể cho bà con. Tôi hy vọng qua bài biết của mình, tâm tư, nguyện vọng của những người làm nghề truyền thống được truyền tải đến ngành chức năng, từ đó tiếp tục dành sự quan tâm và có những giải pháp “dài hơi” để phát triển nghề truyền thống trước những khó khăn, thử thách, nhất là trong thời kỳ hội nhập như hiện nay.

Nam Dương