Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Cảm xúc nơi đảo xa

22:33 12/07/2016 - Văn hóa xã hội
Đối với những người làm báo, được tác nghiệp tại quần đảo Trường Sa là một niềm khát khao, không dễ gì có được. mỗi chuyến đi không chỉ là trải nghiệm nơi đầu sóng, ngọn gió với đầy ắp kỷ niệm khó phai mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng của người làm báo...

Đoàn công tác chia tay cán bộ, chiến sỹ đảo Đá Thị, tỉnh KhánhHòa. Ảnh:Vĩnh Thành

Nhà báo Nguyễn Thị Kim Cúc, Nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV):
Xúc động run người khi chạm tay vào cột mốc chủ quyền Tổ quốc

Đã 21 năm trôi qua, kể từ tháng 3/1995 - song, những kỷ niệm về chuyến công tác ra các đảo ở Trường Sa - vẫn vẹn nguyên trong ký ức của tôi. Thật khó quên những cuộc gặp gỡ đầy tình cảm với những chia sẻ chân thành của những cán bộ chiến sĩ trên các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Đá Giữa, Đá Thị và Trường Sa Lớn. Những cuộc gặp ấy, những câu chuyện ấy đọng lại trong tôi bao ấm áp, cho tôi hiểu thêm về cuộc sống của các anh.

Năm tôi ra Trường Sa, cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ ở đây còn nhiều khó khăn: thiếu nước ngọt, thiếu rau xanh, thiếu văn công và các hoạt động nghệ thuật. Nhưng, ở nơi đầu sóng ngọn gió, hàng ngày, thậm chí hàng giờ, những người lính canh biển luôn trong tư thế sẵn sàng. Không có sự yếu lòng trước những thử thách của cuộc sống.

Trong đoàn nhà báo ra Trường Sa năm ấy có 3 nữ nhà báo: Thu Uyên (VTV), Thu Thủy (TTXVN) và tôi. Có thể nói, ba chị em chúng tôi đã được sống những ngày thật vui bên những người lính trẻ trung đầy tình cảm. Ngày đầu tiên đến đảo Song Tử Tây là một ngày biển động. Khi thấy trong đoàn có 3 nhà báo nữ, nhiều chiến sĩ đã ào ra mép nước với những nụ cười tươi chào đón, giúp chúng tôi chuyển đồ dùng, máy móc lên đảo. Ba chị em luôn nhận được sự chăm sóc đặc biệt từ những người lính.

Chứng kiến cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ trên các đảo - nhất là ở các đảo chìm - tôi thấy mình mạnh mẽ hơn, yêu thương hơn, trân trọng và tự hào nhiều hơn về những người lính đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Tình yêu Trường Sa, tình yêu với những người lính đảo - không phai mờ trong tôi.

Nhà báo Nguyễn Đình quân, Thường trú Báo Tiền phong tại Khánh Hòa:
Càng đi, càng hiểu Trường Sa

Cuối tháng 4/1996, lần đầu tiên tôi được ra Trường Sa. Trên đảo Trường Sa, thủ phủ của huyện đảo chỉ có một số cây xanh ở khu vực trung tâm đảo, các khu vực khác là những căn nhà lợp tôn trên nền cát san hô, trắng nhức mắt dưới cái nắng chang chang. Đảo Trường Sa Đông lúc đó, hầu như không một bóng cây. Ở các đảo chìm Đá Tây, Đá Lát, Đá Đông, khi đó đã có nhà lâu bền, trông như những chiếc lô cốt lớn, bên cạnh vẫn còn nhà cao chân dựng từ năm 1988, dùng để trồng rau... Điều kiện sống của những người làm nhiệm vụ ở Trường Sa còn có quá nhiều thiếu thốn, gian khổ, đến mức khắc nghiệt.

Mấy năm gần đây, tôi đã được ra Trường Sa 4 lần nữa. Có chuyến, trong một tháng chúng tôi đi gần 1.200 hải lý, tới 17 đảo trong số 21 đảo nổi, đảo chìm Việt Nam đang đóng giữ ở quần đảo Trường Sa. Có nhiều thời gian tiếp xúc với lính đảo, với những nhân viên các trạm hải đăng và trạm khí tượng thủy văn ở Trường Sa, hòa trong sinh hoạt đời thường của họ, càng hiểu họ hơn. Sau mỗi chuyến đi Trường Sa, hiểu biết của tôi về Trường Sa, về những vấn đề trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc được mở rộng hơn. Hiểu những vấn đề của Trường Sa hơn, càng thấy rằng, viết về Trường Sa, về chủ quyền biển đảo cần có sự đầu tư nghiêm túc, sâu sắc, không được hời hợt, viết theo cảm tính.
 

Nhà báo Phong Nguyên, Thường trú Báo Nhân Dân tại Khánh Hòa:

Nhớ lắm Trường Sa ơi...
Ra tới vùng biển Trường Sa, tàu chúng tôi gặp rất nhiều tàu đánh cá của ngư dân ta. Những lá cờ đỏ sao vàng phấp phới trên biển khiến nhiều người thật sự xúc động. Biển của ta đây mà!
Bây giờ, tôi được đi ra những miền biển đảo của Tổ quốc trên một con tàu lớn, hiện đại như thế này. Chợt nghĩ, ngày xưa, ông cha mình cũng với hải trình ấy, nhưng đi với chỉ những ghe bầu, những thuyền buồm bé nhỏ cộng với... kinh nghiệm dân gian. Đi tàu, mỗi giờ chạy hàng chục hải lý, mà đường vẫn cứ dài hun hút, vẫn cứ xa diệu vợi.

Cứ vài năm ra trở lại, Trường Sa như thay áo mới. Ấy là những chiếc áo xanh dịu mát không chỉ của những cây phong ba, bão táp, bàng vuông... mà còn có cả cây ăn trái như xoài, chuối, đu đủ... Cây xanh trên chiến hào. Cây xanh trên bãi cát. Người chăm chút cho cây. Cây che chắn cho người.

Tôi luôn có một cảm xúc thật khó tả khi dự những buổi lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì chủ quyền biển đảo Tổ quốc tại khu vực các đảo Cô Lin, Lên Đao, Gạc Ma. Biển ngời ngợi xanh. Gió thật nhẹ, đưa những vòng hương khói bay xa. Giai điệu Hồn tử sĩ cất lên. Không gian chừng như chùng lại. Mà nghe xót đau, day dứt. Tôi thấy nhiều người rút khăn tay lau nước mắt. Nước mắt cho đồng đội. Nước mắt hòa cùng nước biển; hòa cùng dòng máu anh em... Từng người, từng người một nâng niu thả xuống biển những trầm hương, hoa quả...

Biển đón nhận hết thảy. Nhưng tất cả sao cứ mãi lấn quấn quanh tàu, như không muốn rời xa? Vong linh những người đồng đội như muốn nhắn gửi một điều gì đó với hôm nay?

Con tàu kéo ba hồi còi dài, rền vang lồng lộng; như một lời chào tiễn biệt, đầy quyến luyến; và như một lời hứa quyết tâm gìn giữ cho bằng được mảnh đất thiêng liêng này./.

Thanh Bình
Tạp chí Người Làm Báo số 387 - Tháng 5/2016

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top