Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Cách mạng Tháng Tám qua hồi ức của người trong cuộc

Hơn 70 năm đã trôi qua, nhưng ký ức hào hùng vẫn còn vẹn nguyên trong lòng những con người đã từng trải qua thời khắc lịch sử đó.

Thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có sự đóng góp to lớn của cán bộ Việt Minh thành Hoàng Diệu trong việc giác ngộ, vận động, tập hợp quần chúng đứng lên giành chính quyền, tạo thế và lực cho cách mạng, uy hiếp quân địch và chính quyền tay sai.

Hơn 70 năm đã trôi qua, nhưng ký ức hào hùng vẫn còn vẹn nguyên trong lòng những con người đã từng trải qua thời khắc lịch sử đó.

Ông Vũ Oanh. Ảnh: VOV

Ở tuổi ngoài 90, ông Vũ Oanh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng khóa VI, nguyên Trưởng đoàn đại biểu cách mạng Hà Nội đi dự “Quốc dân Đại hội” tại Tân Trào vẫn còn nhớ như in không khí của hơn 70 năm về trước.

Ông kể lại những hồi ức về Cách mạng Tháng Tám. Khi đó, Đảng chưa đứng ra công khai lãnh đạo, mới chỉ có 5.000 đảng viên, thông qua Mặt trận Việt Minh đã tập hợp trên 20 triệu đồng bào làm cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử. Chỉ 2 ngày trước khi Tổng khởi nghĩa, “Quốc dân Đại hội” đã nhiệt liệt tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng và cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam - Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Bác Hồ làm Chủ tịch.

Ông Vũ Oanh nói: “Đại hội Quốc dân Tân Trào là Đại hội của đoàn kết, đại đoàn kết cả dân tộc. Ngoài Hà Nội, các địa phương chỗ nào có phong trào cử đại biểu đến dự, trong đó có cả đại biểu nước ngoài. Bác Hồ quy tụ, đặt vấn đề đại đoàn kết để giành thắng lợi. Khẩu hiệu "Đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công” và phải dựa vào dân, phát huy sức dân để giành thắng lợi và có dân là có tất cả. Dân làm chủ cách mạng và dân đẩy cách mạng đi tới thắng lợi”.

Ngay sau “Quốc dân Đại hội”, tại Hà Nội, toàn dân đồng lòng xuống đường mít tinh ủng hộ cách mạng, ủng hộ Việt Minh. Từ đó tạo nên thời cơ chín muồi để tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ông Lê Đức Vân, khi đó phụ trách thanh vận Việt Minh thành Hoàng Diệu, phụ trách báo Hồn nước cho biết: mấy chục năm nay, ông và những người tham gia Cách mạng Tháng Tám đều chọn ngày 17/8 để kỷ niệm.

Ông kể, trước ngày 17/8, phong trào Việt Minh đã lớn mạnh rồi. Đã có nhiều hoạt động diễn thuyết công khai nơi đông người đả đảo Chính phủ bù nhìn, ủng hộ Việt Minh. Vì vậy, gần như người Hà Nội đã ngả sang ủng hộ Việt Minh. Những ngày đó, phong trào trừ gian, trừ mật thám cũng phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, để lấy lại tinh thần, Chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức mít tinh ngày 17/8 ở Nhà hát lớn.

Ông Lê Đức Vân nhớ lại: “Chúng tôi được lệnh của thành ủy là tất cả các hội viên tham gia mít tinh. Tham gia cuộc mít tinh đó không phải là dự mà đi phá cuộc mít tính đó, biến nó thành cuộc mít tinh của mình. Chúng tôi vận động “thanh niên cứu quốc” “phụ nữ cứu quốc”… mỗi người mang theo 1 lá cờ đỏ sao vàng và giao cho 1 tổ có nhiệm vụ lên chiếm diễn đàn, hô hào mọi người ủng hộ Việt Minh, tiến lên giành độc lập, tổng khởi nghĩa”.

Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại, nguyên Cục phó Cục tác chiến, Bộ Tổng tham mưu, người có mặt tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội vào ngày 17 và 19/8/1945, cho rằng: tư liệu về Cách mạng Tháng Tám rất nhiều, nhưng đến giờ nhiều người vẫn chưa hiểu rõ ý nghĩa lịch sử và thành công của Xứ ủy Hà Nội trong việc phá cuộc mít tinh ngày 17/8 của Chính phủ Trần Trọng Kim.

Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại nói: “Nếu khởi nghĩa non hay muộn đều sẽ không thành công. Lúc đó, tình hình Hà Nội “căng như sợi dây đàn”, dân đã không còn hy vọng gì vào Chính phủ bù nhìn của Trần Trọng Kim. Lúc đó họ đề nghị Việt Minh tham gia Chính phủ Trần Trọng Kim nhưng Việt Minh từ chối. Để lấy lại tinh thần, họ ra lệnh tất cả các công chức phải tham gia mít tinh ủng hộ Chính phủ Trần Trọng Kim. Tôi ở đó, mọi người thấy Chính phủ Trần Trọng Kim hỏng, phải theo Việt Minh cướp chính quyền”.

Nhớ lại ký ức ngày đó, ông Từ Ngọc Hoan, lúc đó mới 14 tuổi, là học sinh trường Trưng Vương, đội viên Việt Minh thành Hoàng Diệu, kể: Khi đó, đi đến đâu, mọi người đều hô vang “đả đảo bù nhìn”, “ủng hộ Việt Minh”, “Việt Nam độc lập”. Với cuộc mít tinh đó, người dân Hà Nội đã xuống đường ủng hộ Việt Minh. Thời cơ đã đến, ngay tối 17/8, Xứ ủy Hà Nội quyết định tổng khởi nghĩa. Đó là một quyết định sắc bén, sáng suốt của Xứ ủy Hà Nội. Khởi nghĩa ngày 19/8 diễn ra không sớm, không muộn và đã thành công.

Ông Từ Ngọc Hoan nói: “Đạt được thắng lợi trên, bản thân tôi nghĩ rằng đó là sự chỉ đạo kiên quyết, mềm dẻo của đồng chí Bí thư thành ủy, cùng với tinh thần dũng cảm, gan dạ của nam nữ thành Hoàng Diệu. Sau khi kết thúc, tôi tự thấy không biết trên thế giới có cuộc tấn công vào trại lính nào bắt sống 400 quân địch, thu được 1 kho vũ khí mà không phải dùng bạo lực, không phải nổ 1 phát súng nào”.

Cách mạng Tháng Tám thành công do đoàn kết được toàn dân, trong đó có đóng góp to lớn của cán bộ Việt Minh thành Hoàng Diệu. Bài học thành công của Cách mạng Tháng Tám là bên cạnh thời cơ, cần có Đảng tiên phong, quần chúng nhân dân tin tưởng đi theo cách mạng. Bài học đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời đại để vận dụng vào giai đoạn hiện nay, đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế sâu rộng./.

Nguồn: VOV

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top