BSR bàn giải pháp nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu cho NMLD Dung Quất

Ngày 23/8, Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) đã tổ chức hội thảo trao đổi nghiệp vụ liên quan đến kinh doanh, vận chuyển dầu thô/nguyên liệu trung gian cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Tham dự Hội thảo, về phía BSR, ông Bùi Ngọc Dương, Tổng Giám đốc, các Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc NMLD Dung Quất cùng đại diện các Ban chức năng. Hội thảo còn có sự tham dự của các đối tác như Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), Công ty TNHH McQuilling Brokerage Partners Asia Pte Ltd (McQuilling), Công ty TNHH Novel Energy Pte Ltd (Novel), Công ty TNHH PV OIL Singapore, Công ty TNHH Quốc tế Dầu khí Cathay, Petraco, Freepoint Commodities Singapore, Enerlink và Tổng công ty Vận tải Dầu khí Việt Nam (PVTRANS).

Ông Nguyễn Việt Thắng, Phó Tổng Giám đốc BSR phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Việt Thắng, Phó Tổng Giám đốc BSR chia sẻ: “Tiếp nối thành công của những hội thảo trước, chúng tôi tin rằng các bên đã nhận được những giá trị hữu ích trong việc chia sẽ thông tin thị trường và nhu cầu giữa các bên.

Chúng tôi tin tưởng và vui mừng được thảo luận về các cơ hội, tiềm năng để tăng cường hợp tác giữa các đơn vị. Hội thảo về cung ứng dầu thô năm nay sẽ tiếp tục trao đổi, thảo luận về những vấn đề liên quan đến nhu cầu dầu thô và nguyên liệu trung gian của BSR; cập nhật về triển vọng của thị trường dầu thô, nguyên liệu trung gian và vận chuyển; chia sẻ kinh nghiệm, những ý tưởng mới trong hoạt động giao dịch, vận chuyển dầu thô và tác động của xu hướng chuyển dịch năng lượng đối với nhiên liệu hoá thạch.

Hội thảo sẽ là nơi để tất cả chúng ta cùng trao đổi thông tin, ý kiến và chia sẻ kinh nghiệm. Do đó, rất mong nhận được sự tham gia, trao đổi nhiệt tình của tất cả các đại biểu để hội thảo được thành công tốt đẹp”, ông Nguyễn Việt Thắng nhấn mạnh.

Đại diện của BSR cho biết, từ khi đi vào vận hành đến tháng 7/2024, BSR đã quản lý, vận hành NMLD Dung Quất an toàn, ổn định ở công suất tối ưu. NMLD Dung Quất đã nhập khoảng 1.260 chuyến dầu thô/nguyên liệu trung gian và chế biến khoảng 103 triệu tấn dầu thô, nguyên liệu trung gian. Nhà máy đã tiếp nhận, chế biến 33 loại dầu thô gồm 12 loại dầu thô Việt Nam như Sư Tử Đen, Tê Giác Trắng, Đại Hùng, Chim Sáo… và 21 loại dầu thô nhập khẩu như Azeri, WTI Midland, Bonny Lt, Forcados… góp phần đảm bảo nhu cầu dầu thô cho nhà máy vận hành an toàn, hiệu quả.

Toàn cảnh hội thảo.

Đối với nguồn dầu thô của Việt Nam, NMLD Dung Quất đã chế biến khoảng 59 triệu tấn dầu thô mỏ Bạch Hổ, 10 triệu tấn dầu thô của mỏ Sư Tử Đen, 10 triệu tấn dầu thô Tê Giác Trắng và một số mỏ dầu thô khác. NMLD Dung Quất cũng đã nhập khẩu 117 chuyến dầu thô từ nước ngoài với khoảng 12 triệu tấn “vàng đen” kể từ lô dầu thô nhập khẩu đầu tiên vào năm 2010 đến tháng 7/2024.

Tại hội thảo, đại diện các đơn vị, đối tác của BSR đã trình bày và trao đổi xoay quanh các chủ đề về nhu cầu dầu thô, nguyên liệu trung gian của BSR; triển vọng dầu thô ở Tây Phi, Địa Trung Hải; những rủi ro có thể tác động đến nguồn cung dầu thô năm 2025; tình hình thị trường đối với lĩnh vực vận chuyển dầu thô và công tác vận chuyển dầu thô của PVTrans.

Các đại biểu trao đổi tại hội thảo.

Giai đoạn 2025 - 2028, BSR đề ra mục tiêu vận hành NMLD Dung Quất an toàn, ổn định ở 108% - 116% công suất thiết kế. Theo đó, ước tính khối lượng dầu thô dự kiến cần khoảng 160.000 - 171.000 thùng/ngày (tương đương khoảng 4,8 - 5,3 triệu thùng/tháng).

Với cấu hình của nhà máy hiện tại, BSR cũng tích cực quan tâm, tìm kiếm và nhập khẩu các loại dầu thô có API từ 30 - 45 độ, hàm lượng lưu huỳnh ưu tiên không vượt quá 0,2% wt (weight) và tối đa không vượt quá 0,6% wt, không chứa tạp chất clorua hữu cơ, tramp amine và các tạp chất kim loại ở mức thấp.

Giai đoạn sau khi hoàn thành dự án nâng cấp mở rộng (NCMR) NMLD Dung Quất (sau năm 2028), nhà máy sẽ có công suất thiết kế là 171.000 thùng dầu thô/ngày (hiện tại là 148.000 thùng/ngày), do đó, nhu cầu dầu thô sẽ tăng so với nhu cầu hiện nay nhưng hàm lượng lưu huỳnh theo thiết kế đầu vào có thể tăng đáng kể lên 0,34 wt% so với 0,14% wt như hiện nay.

Qua đó, nhà máy có thể nhập các loại dầu thô có hàm lượng lưu huỳnh cao hơn tối đa không vượt quá 1,0% wt, ưu tiên thấp hơn 0,6%wt, tạo điều kiện để tiếp nhận nhiều loại dầu thô hơn và tỉ lệ dầu thô nhập khẩu sẽ tăng đáng kể so với hiện tại.

Ông Bùi Ngọc Dương,Tổng Giám đốc BSR phát biểu kết luận hội thảo.

Phát biểu kết thúc hội thảo, ông Bùi Ngọc Dương, Tổng Giám đốc BSR nhấn mạnh tầm quan trọng của những trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo. Tổng Giám đốc BSR mong muốn các đơn vị, đối tác sẽ tiếp tục hợp tác với BSR trong việc tìm kiếm, cung ứng các loại dầu thô cho nhà máy. Đối với công tác vận chuyển dầu thô, BSR mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp hiệu quả, kịp thời và sự hỗ trợ của các đối tác đối với BSR, đặc biệt trong các trường hợp cấp thiết.

Tổng Giám đốc BSR nhấn mạnh, chúng ta sẽ tiếp tục phối hợp và hợp tác chặt chẽ, thông qua nhiều hình thức để vượt qua những khó khăn, thách thức trong giai đoạn thị trường có những biến động như hiện nay.

Bảo Châu

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top