
Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí trong môi trường số và quy hoạch báo chí
Ngày 29/11, tại Hải Phòng, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Những yêu cầu đặt ra đối với công tác bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí trong môi trường số và quy hoạch báo chí”.
Quang cảnh hội thảo
Dự hội thảo có nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; PGS,TS. Đinh Thị Thuý Hằng – Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ; nhà báo Nguyễn Hoà Văn – Giám đốc Cổng thông tin điện tử Hội Nhà báo Việt Nam cùng hơn 50 nhà báo là giảng viên thỉnh giảng tại Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ, các phóng viên thông tấn báo chí tại Trung ương và tại Hải Phòng dự đưa tin.
Ban Chủ trì hội thảo
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS,TS. Đinh Thị Thuý Hằng – Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ đã nêu những yêu cầu đặt ra đối với công tác bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí trong môi trường số và quy hoạch báo chí hiện nay. Trong 4-5 năm trở lại đây, mỗi năm Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức hơn 100 khóa học với các chủ đề khác nhau, cho các loại hình báo chí khác nhau và ở các địa điểm trên cả nước. Như vậy, mỗi năm Trung tâm cần có hơn 100 lượt giảng viên là các nhà báo có kinh nghiệm đang làm việc tại các cơ quan báo chí, và các cơ sở đào tạo báo chí tham gia giảng dạy. Sự tồn tại của Trung tâm chính là nhờ đội ngũ các nhà báo - giảng viên kiêm nhiệm tâm huyết, sẵn sàng chia sẻ với sự mong muốn được đóng góp vì một nền báo chí chuyên nghiệp và chất lượng để phục vụ công chúng.
Tại hội thảo, nhà báo Bùi Tiến Dũng - Báo Tuổi trẻ nhấn mạnh vấn đề đạo đức nghề nghiệp của nhà báo trong giai đoạn hiện nay, các nhà báo nhiều kinh nghiệm có thể truyền cho các nhà báo trẻ thấu hiểu đồng cảm sứ mệnh nghề báo. Anh cho rằng cách thức đưa tin hiện nay không chỉ tường thuật mà còn hướng đến làm báo chí phân tích, báo chí giải pháp. Bên cạnh đó, đào tạo báo chí cần hướng đến chuyên đề kỹ năng phân tích tư duy cho nhà báo, không chỉ là kỹ năng nghề nghiệp như hiện nay.
Nhà báo Vũ Quang phát biểu
Nhà báo Vũ Quang - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ truyền hình Đài Truyền hình Việt Nam chia sẻ, đạo đức nghề báo ở VTV đã dịch từ quy chuẩn làm việc của CNN, họ quy định vô cùng chi tiết, đạo đức báo chí tốt phải có kiến thức nền, kiến thức chuyên ngành. Về công tác của giảng viên báo chí, nhà báo Vũ Quang chia sẻ giảng viên cần chú ý ngôn ngữ cơ thể là một phần quan trong làm khóa học đạt được kết quả cao. Đó chính là những kỹ năng của một giảng viên. Giảng viên cần chú ý tiếp xúc và giao tiếp bằng mắt với tất cả học viên; Quan tâm đến mọi học viên, không bỏ qua ai và bất cứ điều gì trong suốt khóa học; Sử dụng ngôn ngữ cơ thể và sự biểu đạt của gương mặt, Sử dụng âm lượng thích hợp; Di chuyển linh hoạt trong suốt khóa học.
Nhà báo Ngọc Chân nói về làm nghề và dạy nghề trong đó vấn đề cần phát triển mạnh mẽ hơn báo mạng điện tử hiện nay để thu hút công chúng online tốt hơn. Ông cũng góp ý ứng dụng livestream trong giảng dạy giúp học viên có thể học tập bất cứ lúc nào.
Nhà báo Thu Hà phát biểu
Nhà báo Thu Hà - TBT Báo Le Courrier du Vietnam cho rằng giảng viên báo chí cũng giống như đầu bếp, điều quan trọng là giảng viên phải biết cung cấp cho người học cái người ta cần. Nhà báo Thu Hà nhấn mạnh đến năng lực giảng viên, họ phải biết quan tâm đến trình độ học viên. Nhà báo đề xuất việc tương tác giữa học viên và giảng viên cần cao hơn. Sự chia sẻ giữa học viên và giảng viên giúp cho việc dạy và học đạt hiệu quả cao hơn. Phong cách làm việc của thế giới là làm việc theo ekip, làm việc theo nhóm. Nhà báo có quan điểm về cẩm nang về đạo đức trong thời đại 4.0, có thời gian sẽ chia sẻ. Các bài giảng về đạo đức rất có ý nghĩa trong giai đoạn hiện nay. Trung tâm cũng nên tổ chức những khoá tập huấn cho các giảng viên để từ đó chính các giảng viên có thể trao đổi kinh nghiệm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho nhau.
Nhà báo Bạch Dương – VTV chia sẻ về công tác làm nghề truyền hình. Chị chia sẻ nhiều trường hợp nhà báo đi học bồi dưỡng nghiệp vụ nhưng chưa được lãnh đạo đồng tình ủng hộ. Dẫn chứng đến nội dung bài viết về xây dựng Đảng ở các báo Đảng địa phương hiện nay, nhiều phóng viên gặp khó khăn khi phỏng vấn cán bộ địa phương, từ đó không thể có những tuyến bài chất lượng. Do đó, nhà báo Bạch Dương đề xuất không chỉ tổ chức các khoá học cho các phóng viên, nhà báo mà còn tổ chức cho cả các nhà lãnh đạo, quản lý báo chí tại địa phương để qua đó giúp họ hiểu những khó khăn của phóng viên hiện nay
Nhà báo Bắc Văn - Vụ Trưởng, Phóng viên Cao cấp Báo Nhân Dân đồng tình với nhà báo Bạch Dương sự khó khăn của phóng viên khi viết về lĩnh vực xây dựng Đảng và tổ chức cán bộ. Ông góp ý các phóng viên, nhà báo cần khám phá sự thật cuộc sống thế nào, từ đó đưa ra giải pháp để cùng mọi người giải quyết vấn đề.
Nhà báo Nguyễn Hoà Văn phát biểu
Nhà báo Nguyễn Hoà Văn chia sẻ một số trường hợp nhà báo mang danh nhà báo nhưng không phải nhà báo, chính họ làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh những nhà báo chân chính hiện nay. Ông cũng nói thêm về thực trạng công chúng đón nhận tin giả từ mạng xã hội ngày càng nhiều. Ông nhấn mạnh dù môi trường số có phát triển thế nào thì kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo mới là quyết định.
Nhà báo Nguyễn Anh Tú - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Hải Phòng trình bày tham luận về việc kịp thời bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ phóng viên để báo chí chính thống thể hiện vai trò đỊnh hướng, dẫn dắt thông tin từ mạng xã hội
Nhà báo Lê Xuân Trung - Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ đặt câu hỏi làm thế nào để nâng chất lượng báo mạng. Vấn đề trang bị kỹ năng nhà báo chuyển từ báo in sang làm báo điện tử, phải chạy đua với tin tức, tin nóng. Ông nêu thực trạng một số cơ quan báo chí chưa có quy trình chuyên nghiệp trong toà soạn điện tử. Quan trọng nhất là nhà báo phải sống được bằng nghề để họ yên tâm cạnh tranh thông tin trong môi trường số. Nhà báo Lê Xuân Trung cũng nhà báo phải "giỏi một, biết nhiều". Ông cũng đề xuất giải pháp tăng view bằng tin nóng – giữ view bằng tin xanh.
Nhà báo Nguyễn Vĩnh Quyên - Phó Tổng Giám đốc Truyền hình Quốc hội nhấn mạnh cần tổ chức khoá học cho các phóng viên mới vào nghề, không chỉ khoá học cho các phóng viên có kinh nghiệm để từ đó các phóng viên mới vào nghề sẽ không bị bỡ ngỡ nghề nghiệp.
Nhà báo Phan Văn Tú - Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP. HCM cho biết các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (VJTC) đa phần thiên về cung cấp kỹ năng. Vì thế, hoạt động thực hành, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm rất được chú trọng. Tùy theo mục tiêu bồi dưỡng của từng khóa, mục tiêu từng buổi học cụ thể, những yêu cầu thực hành có các cấp độ, quy mô khác nhau. Đó có thể là bài tập chụp một bức ảnh, viết một kịch bản đồ họa thông tin dành cho từng cá nhân. Đó cũng có thể là bài tập sản xuất một phóng sự truyền hình, một tác phẩm long-form cho báo trực tuyến, một chương trình đối thoại cho phát thanh... Nhiều bài tập thực hành có quy mô lớn, phải làm việc theo nhóm, phải đi thực tế, cần có thiết bị và có kênh truyền tải sản phẩm. Môi trường thực hành cần được giả lập như môi trường của cơ quan báo chí. Và những sản phẩm thực hành cần phải được phản hồi tích cực thì mục tiêu khoá học mới đạt hiệu quả cao.
Nhà báo Tùng Lâm - Trưởng VP Đại diện Báo HàNộiMới tại TPHCM chia sẻ về ứng dụng app phân tích thông tin đã giúp các tỉnh thành phố thống kê tin tức về địa phương mình. Từ đó giúp lãnh đạo các địa phương nắm bắt tình hình báo chí để có hướng giải quyết phù hợp.
Nhà báo Nguyễn Xuân Đức - Trưởng Văn phòng đại diện Báo Thanh Niên tại Đông Nam Bộ dưới quan điểm của người làm nghề báo thực tiễn đã đặt hàng Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam thiết kế khoá học cho các phóng viên địa phương về xu hướng làm báo trong công nghiệp 4.0.
Nhà báo Nguyễn Ngân - VTV chia sẻ những suy nghĩ của một nhà báo trẻ đang làm giảng viên tại Trung tâm. Nhà báo Nguyễn Ngân cho rằng các nhà báo trẻ luôn sẵn sàng lắng nghe kinh nghiệm nghề nghiệp từ các nhà báo cao tuổi hơn. Các nhà báo trẻ luôn có tinh thần cầu thị để tiếp thu những kiến thức mới trong công việc làm báo hiện nay.
Phát biểu kết luận hội thảo, nhà báo Hồ Quang Lợi đánh giá cao những ý kiến phát biểu của các diễn giả. Khẳng định vai trò và nỗ lực của Trung tâm đã làm được trong 20 năm qua, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu phải đổi mới, phải cố gắng hơn nữa. Nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh về nội dung đào tạo bồi dưỡng, đó là phải tăng cường cập nhật cho các nhà báo những kỹ năng thời công nghệ 4.0, xây dựng toà soạn hội tụ, làm báo đa phương tiện, kỹ năng sử dụng công cụ làm báo mới, ứng dụng mạng xã hội. Không chỉ chạy theo lượng view mà còn phải phù hợp với trách nhiệm của các cơ quan báo chí. Công nghệ rất quan trọng nhưng kiến thức làm báo cơ bản là rất cần thiết
Trong hoàn cảnh mới, bồi dưỡng phương pháp tư duy làm báo mới, đáp ứng kịp thời yêu cầu công chúng, cách tiếp cận phù hợp với công chúng báo chí mới thể hiện được chức năng nhiệm vụ của nhà báo. Bên cạnh kỹ năng làm báo, cần bồi dưỡng nâng cao đạo đức nghề nghiệp người làm báo trong giai đoạn hiện nay. Những người làm báo đứng trên phương diện giảng viên là những tấm gương sáng cho các học viên là phóng viên nhà báo.
Ngoài ra là nhóm ý kiến về phương pháp đào tạo bồi dưỡng, bám sát nhu cầu thực tế của cơ quan báo chí trong cùng thời kỳ để có khoá học phù hợp, cần khảo sát trước. Đa dạng hoá hình thức các lớp học, tăng cường thời gian thực hành. Thường xuyên tổ chức các khoá học do giảng viên nước ngoài giảng dạy.
Nhóm vấn đề thứ 3 đối với các giảng viên, các ý kiến nhấn mạnh giảng viên cần nâng cao kiến thưc chung, hiểu biết, tăng cường khả năng thực hành cho học viên, nên sử dụng mạng xã hội để tương tác tốt hơn. Giảng viên cần đổi mới phương pháp giảng dạy, rèn luyện kỹ năng quản trị lớp, coi học viên là trung tâm, các bài giảng phù hợp.
Hội thảo kết thúc trong loạt vỗ tay của các đại biểu dự hội thảo.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Từ Hải

63 tác phẩm xuất sắc đoạt Giải báo chí Thông tấn xã Việt Nam 2016

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn doanh nghiệp Hong Kong (Trung Quốc)

Hoàn thiện kế hoạch giao vốn chương trình mục tiêu quốc gia

Xử lý vấn đề tồn tại của Công ty cổ phần Thể dục thể thao Việt Nam
