Luật Báo chí không chỉ dành riêng cho người làm báo

18:20 16/07/2016 - Pháp luật
Nói về những điểm mới của Luật Báo chí 2016, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nhấn mạnh luật không chỉ dành riêng cho những người làm báo mà cho mọi công dân Việt Nam, áp dụng cho mọi hoạt động liên quan đến báo chí.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh vấn đề này tại hội nghị toàn quốc quán triệt thực hiện Luật Báo chí 2016 và triển khai góp ý sửa đổi, bổ sung quy định đạo đức người làm báo Việt Nam đã được tổ chức sáng 14/7 tại Hà Nội.

Bộ trưởng nhấn mạnh điểm mới của Luật Báo chí 2016 là mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng: Luật quy định về quyền tự do báo chí; quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, tổ chức và hoạt động báo chí...

Đặc biệt, Luật Báo chí 2016 áp dụng với mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và liên quan đến hoạt động báo chí tại Việt Nam.

“Điều này đồng nghĩa với việc kể cả người nước ngoài tham gia hoạt động báo chí tại Việt Nam cũng chịu sự điều chỉnh của Luật Báo chí”, Bộ trưởng cho biết.

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, Luật Báo chí 2016 cũng quy định rõ hơn về quyền sáng tạo tác phẩm báo chí, quyền được cung cấp thông tin, phản hồi, tiếp cận, khiếu nại trên báo chí.

"Có các quy định về việc Nhà nước bảo hộ các quyền này nhưng cũng bảo đảm các quyền này không bị lợi dụng. Đặc biệt, Nhà nước không kiểm duyệt báo chí trước khi đăng phát", ông Trương Minh Tuấn nói.

Luật cũng quy định rõ hơn các quyền tác nghiệp của báo chí và nhà báo, về trách nhiệm cung cấp thông tin của các cơ quan Nhà nước, trách nhiệm bảo vệ nguồn tin của nhà báo, các tiêu chuẩn cấp thẻ nhà báo...

Luật hóa đạo đức nghề nghiệp người làm báo

Đánh giá cao những kết quả mà hệ thống báo chí trong những năm qua đã đạt được nhưng Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân dân, nhà báo Thuận Hữu cũng cho hay, hiện nay một số tờ báo còn có tình trạng đăng/phát tin bài giật gân câu khách, kích dục, thiếu văn hóa, thiếu tính giáo dục.

Trong khi đó, tình trạng nhà báo lạm quyền và cửa quyền ngày càng gia tăng, thiếu tính nhân văn. Có nhà báo lợi dụng danh nghĩa nhà báo và cơ quan báo chí, lợi dụng vị trí, công việc của mình để trục lợi cá nhân, trái với đạo đức nghề nghiệp và pháp luật.

Cùng quan điểm trên, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khi nói về các điểm bổ sung của Luật Báo chí 2016 cho hay vấn đề đạo đức nghề nghiệp người làm báo đã được luật hóa.

Đây cũng là điểm mới và Hội Nhà báo có nhiệm vụ triển khai quy định đạo đức nghề nghiệp, nhà báo có nghĩa vụ tuân thủ và sẽ bị thu hồi thẻ nếu vi phạm quy định đạo đức nghề báo.

"Chuẩn mực quan trọng nhất của nhà báo là sự liêm chính, liêm khiết và chính trực. Sự nhũng nhiễu của báo chí với doanh nghiệp khiến doanh nghiệp vừa ghét, vừa sợ nhà báo. Điều này làm khổ những người làm báo chân chính", Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh.

Do vậy, về việc lấy ý kiến về quy định đạo đức nghề nghiệp nhà báo lần này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn mong các ý kiến đóng góp sẽ tập trung vào việc chống lại sự xung đột lợi ích và chống các hành vi lạm dụng nghề nghiệp.

Ngoài ra, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng nhấn mạnh việc nhà báo phải tìm được sự thật, cân nhắc sự kiện đưa lên mặt báo, hoạt động báo chí độc lập, không bị chi phối khi viết bài; nếu báo chí sai thì có trách nhiệm giải trình…

Luật Báo chí 2016 gồm 6 chương, 61 điều, trong đó có 31 điều mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung; xác định đầy đủ quyền và nghĩa vụ của cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí, của nhà báo, hội viên, đặc biệt là việc chế tài, luật hóa những điều được phép và những điều cấm của Luật Báo chí; xử phạt sai phạm…

Việc học tập và quán triệt Luật Báo chí 2016 sẽ được tổ chức sâu rộng trên cả nước cho đến khi Luật chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2017.

Nguồn: Cổng thông tin Chính phủ

 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 13/1/2025, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển khoa học, công nghệ; quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại hội nghị. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:
Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi nội dung số các tạp chí của Việt Nam có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phổ biến tri thức, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trên không gian mạng. Đồng thời, góp phần “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”(1) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top