
Bỏ hộ khẩu, chứng minh nhân dân: Thay thế bằng giấy tờ gì, khi nào?
Giấy tờ nào thay thế Sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân bị bãi bỏ theo Nghị quyết 112 của Chính phủ?
Nghị quyết 112 đồng ý bỏ Sổ hộ khẩu, Chứng minh nhân dân (CMND) trong quản lý dân cư để thống nhất việc quản lý bằng mã số định danh cá nhân.
Theo đó, Bộ Công an được giao hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến sổ hộ khẩu, CMND để trình cấp có thẩm quyền (là Chính phủ nếu là nghị định hoặc Quốc hội nếu là bộ luật, luật) ban hành để tiến tới bỏ hẳn việc cấp Sổ hộ khẩu và CMND.
Theo Nghị quyết 112, các thủ tục cấp mới, cấp đổi và cấp lại CMND (9số) đang được thực hiện ở cấp tỉnh và cấp huyện sẽ được bãi bỏ.
Vì vậy, các nhóm thủ tục hành chính về cấp và quản lý CMND quy định tại Nghị định số 05/1999/NĐ-CP, Nghị định 170/2007/NĐ-CP của chính phủ, Thông tư số 04/1999/TT-BCA, Thông tư số 18/2014/TT-BCA, Quyết định số 998/2001/QĐ-BCA của Bộ Công an đều được bãi bỏ.
Tới đây, khi Nghị định 112 được thực hiện, người dân từ đủ 14 tuổi trở lên sẽ không phải dùng CMND nữa, mà sẽ chỉ còn căn cước công dân. Trong đó, số thẻ căn cước cũng đồng thời là số định danh cá nhân.
Liên quan đến việc bỏ Chứng minh nhân dân, Sổ hộ khẩu và thay vào đó là căn cước công dân, Chính phủ đã thông qua việc bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú và thay vào đó là hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân.
Cụ thể, Chính phủ đã thông qua việc bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là “Sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại Luật Cư trú và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú.
Như vậy, các giấy tờ chứng minh về mối quan hệ gia đình, giấy khai sinh với trẻ em đăng ký thường trú sẽ được bãi bỏ.
Đồng thời, Chính phủ cũng đã thông qua việc bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là “Sổ tạm trú” và thay vào đó là hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại Luật Cư trú và Luật.
Khi nào chính thức bỏ hộ khẩu, CMND?
Nghị quyết 112 có hiệu lực từ ngày ký 30/10/2017, nhưng việc chính thức bỏ sổ hộ khẩu CMND phải chờ đến năm 2020, thời điểm mà theo kế hoạch sẽ xây dựng xong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo Đề án Dữ liệu công dân, đến năm 2020 thông tin công dân sẽ được cập nhật – tức là lúc đó Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng xong.
Theo lộ trình, đến hết năm 2020, thông tin cơ bản của tất cả công dân sẽ được nhập, cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và mỗi công dân đều có số định danh cá nhân. Nhờ có cơ sở dữ liệu quốc gia này, các cơ quan hành chính nhà nước tại các cấp chính quyền mới có thể khai thác, sử dụng trực tuyến để giải quyết muôn vàn thủ tục hành chính cho công dân. Và chỉ sau đó mới có thể chính thức bỏ sổ hộ khẩu, CMND.
Tuy nhiên, đây chỉ là lộ trình, kế hoạch đặt ra còn trên thực tế đến hết năm 2020 có xây dựng xong "cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư" hay không chưa có câu trả lời chắc chắn.
Theo VNF

63 tác phẩm xuất sắc đoạt Giải báo chí Thông tấn xã Việt Nam 2016

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn doanh nghiệp Hong Kong (Trung Quốc)

Hoàn thiện kế hoạch giao vốn chương trình mục tiêu quốc gia

Xử lý vấn đề tồn tại của Công ty cổ phần Thể dục thể thao Việt Nam
