Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Bình Phước - Tình đất, tình người

Trước khi tham gia Đoàn Hội Nhà báo tỉnh Bến Tre đi thực tế, giao lưu học tập kinh nghiệm tại tỉnh Bình Phước, tôi phải chuẩn bị cả tuần lên mạng tìm hiểu về vùng đất Bình Phước có địa danh nào cần đến.

Những cánh rừng cao su nổi tiếng tại Bình Phước. Ảnh: TL

Những cánh rừng cao su nổi tiếng tại Bình Phước. Ảnh: TL

Nào là thác Mơ, núi Bà Rá, Ban Chỉ huy quân sự miền, Nhà giao tế Lộc Ninh, Kho xăng Lộc Hòa, xã Phú Riềng nơi ra đời Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên vùng Đông Nam Bộ...

Xe lăn bánh khi bóng đêm còn ẩn dật trong những ánh đèn đường pha lẫn ánh sáng bảng hiệu, chói lòa những ánh đèn ô tô. Cầu Rạch Miễu ẩn hiện những sợi dây văng khi ánh đèn ô tô lướt qua. Trong đầu cứ xoay quanh Bình Phước chắc trù phú, đất rộng người thưa.

Năm 2000-2001, lãnh đạo tỉnh Bến Tre đã đưa dân lên vùng kinh tế mới Easup lập nghiệp. Hiện nay có hơn 1000 hộ dân Bến Tre sinh sống trên đất Bình Phước.

Xe qua khỏi những khu công nghiệp, địa phận Bình Dương, vùng đất Bình Phước hiển hiện trong mắt tôi những cánh rừng cao su bạt ngàn, những vườn điều vươn cành xanh tốt, mặc dù những năm gần đây mủ cao su bị rớt giá, người ta đã đốn bỏ chuyển đổi sang trồng cây khác nhưng trong mắt tôi vẫn là “bạt ngàn cao su”.

11 giờ 30, Đoàn đến thị xã Đồng Xoài. Chúng tôi được các bạn cán bộ Hội Nhà báo tỉnh Bình Phước đón tiếp tại Đài Phát thanh – Truyền hình Bình phước.

Ông Phạm Minh Hoàng, Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Bình Phước giới thiệu sơ nét về Bình Phước. Là một tỉnh tỉnh ở phía Tây của vùng Đông Nam Bộ, phía Đông giáp tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai. Phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và Campuchia. Phía Nam giáp tỉnh Bình Dương. Phía Bắc giáp tỉnh Đắc Nông cà Campuchia.

Tỉnh lỵ là thành phố Đồng Xoài, 02 thị xã là Bình Long, Phước Long, 7 huyện là Đồng Phú, Lộc Ninh, Bù Đăng, Bù Đốp, Bù Gia Mập, Chơn Thành, Hớn Quảng. Hiện nay Bình Phước có trên 40 dân tộc sinh sống, nhiều nhất là dân tộc S’Tiêng chiếm gần 10% tổng dân số của tỉnh (đứng thứ hai sau dân tộc Kinh chiếm 80%) và gần 96% dân số người S’tiêng trong toàn quốc, còn lại là Tày, Nùng, Khơme, Hoa,…

Sóc Bom Bo là địa danh thuộc tỉnh Bình Phước. Ảnh: TL

Sóc Bom Bo – Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng.

Đoàn Bến Tre háo hức vì ai cũng là lần đầu tiên đến. Hầu hết chúng ta cũng từng biết Sóc Bom Bo qua bài hát “Tiếng chày trên Sóc Bom Bo” của nhạc sĩ Xuân Hồng. Hình ảnh những người dân đồng bào S’tiêng ngày đêm giã gạo bên bếp lửa hồng bập bùng. Sóc Bom Bo hình thành từ những năm kháng chiến chống Mỹ. Thời kỳ này, người dân S’tiêng của Sóc Bom Bo đã đóng góp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến trường kỳ dai dẳng. Sóc Bom Bo đã huy động lực lượng già trẻ, gái, trai đồng lòng ngày đêm giã gạo nuôi quân.

Nhà trưng bày là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa đặc sắc truyền thống của dân tộc S’tiêng trên địa bàn tỉnh và điểm du lịch, giáo dục thế hệ trẻ gìn giữ, bảo tồn văn hóa của dân tộc. Nhà trưng bày không những trưng bày các hiện vật truyền thống của dân tộc S’tiêng mà còn trưng bày các tranh, ảnh về hoạt động của người dân Sóc Bom Bo thời kháng chiến.

Sau khi tham quan hình ảnh, hiện vật về tập quán, nét sinh hoạt của đồng bào dân tộc S’tiêng xưa tại nhà trưng bày, men theo con đường mang tên cố nhạc sĩ Xuân Hồng, lên đến đỉnh đồi, chúng tôi được chiêm ngưỡng hệ thống nhà dài của người S’tiêng.

Nhà dài có chiều dài gần 30m, nền đất, mái tranh, mái dài và thấp, vách bằng tre nứa, có hai cửa ra vào ở hai đầu. Căn nhà dài là nơi sinh sống của đại gia đình ông, bà, cha, mẹ, con, cháu. Trong nhà có một gian gác để chứa thực phẩm như lúa, ngô,…, có một bếp lửa đặt giữa nhà và một vài chóe rượu đặt trong một góc nhà. Tại đây, có các bức tượng tái hiện cảnh nam, nữ S’tiêng cùng bộ đội giã gạo nuôi quân và lễ hội đâm trâu của đồng bào. Bức tranh thật sống động trong không khí vui tươi, đoàn kết.

Theo Anh Điếu Khươi – Bảo vệ kiêm hướng dẫn khu vực nhà dài: Người S’tiêng rất coi trọng sự yêu thương, gắn bó người thân trong gia đình, căn nhà dài được cất dài vừa để thuận tiện không gian cho tất cả những người trong gia đình cùng sống chung, mặc khác mang ý nghĩa là sự nối dài tình yêu thương, nối tiếp truyền thống gia đình. Giữa nhà đặt bếp lửa nhỏ vừa là dùng để nấu ăn vừa duy trì sự ấm cúng, quân quần bên nhau của gia đình.

Khu du lịch sinh thái Trảng cỏ Bù Lạch. Ảnh: TL

Dự án phim trường kết hợp khu du lịch sinh thái Trảng cỏ Bù Lạch

Trước khi đi, nhà báo Nguyễn Văn Việt – Trưởng Phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Bình Phước có chia sẻ: Bạn đi lên đó nhớ mang theo máy ảnh, chụp thật nhiều, đó là bãi cỏ tuyệt đẹp, xung quanh là rừng nhưng giữa trung tâm có một bãi cỏ tự nhiên mọc lên xanh rì, đẹp như bức tranh, mùa mưa hay nắng đều xanh đẹp, là nơi có cảnh quan thiên nhiên thật diệu kỳ.

Cách Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh) chỉ 20km nhưng xe chúng tôi bò lách những hầm hố, đá lỏm chỏm, vượt qua đoạn đường lắc lư, đường đi ngày càng dốc và nhỏ lại men theo triền đồi. Anh tài xế thuộc hàng tay lái “lụa” nhưng cũng có người lo lắng hỏi là liệu xe có đi được nữa không? Cố lên!.Cuối cùng thì xe cũng đến được “Trảng cỏ Bù Lạch”. Bước ra khỏi xe, sẽ thấy một bầu trời đầy cỏ hoang dại. Nhìn cỏ, rồi đi trên cỏ, nhà nhiếp ảnh Lê Minh Nhựt thốt lên Trảng cỏ Bù Lạch đẹp như cỏ đồi Cù ở Đà Lạt, nhưng cỏ ở đây rất hoang dã bởi tính tự nhiên.

Đoàn Bến Tre chúng tôi được Hội Nhà báo Bình Phước và Lãnh đạo Đài Phát thanh – Truyền hình Bình Phước tiếp cơm trưa tại khu này. Bàn cơm, được dọn ra trong mắt tôi món ăn nào cũng lạ, cũng ngon: Thịt “heo đồng bào” nướng, lá diếp xào, đọt mây nướng, đặt biệt là cơm lam.

Đây là món cơm lam tôi chỉ nghe qua sách vở, hôm nay được nhìn thấy tận mắt. Được “chị bếp” giải thích: Cơm lam này rất công phu, gạo nếp ngâm, vo thật kỹ. Lấy gạo nếp bỏ vào một chiếc ống tre nứa một đầu hở, sau đó dùng lá chuối bịt kín lại rồi đốt. Nhưng nấu cơm lam thực ra không chỉ đơn giản như vậy. Ống tre nứa dùng nấu cơm lam phải còn tươi để khi cơm chín, hạt cơm quyện thêm một chút vị ngọt và mùi đặc trưng của tre. Đốt lên một đống lửa, chờ thật đượm, sau đó đặt lên trên một chiếc kiềng và xếp các ống lam trên đó. Trong khi nấu phải xoay đi xoay lại những chiếc ống lam như khi nướng bắp. Khoảng một tiếng đồng hồ thì ăn được. Thực tế, theo kinh nghiệm của những người dân tộc thì khi nghe mùi thơm từ ống Lam bay ra là biết cơm chín hay chưa mà không cần mở nắp.

Khi cơm chín, chẻ bỏ lớp cháy đen bên ngoài ống cơm thật khéo léo cho đến khi bao bọc phần ruột cơm chỉ là một lớp lạt nứa mỏng. Xắt mỗi ống ra từng khúc ngắn vửa đặt trong đĩa. Khi ăn chỉ cần bóc bỏ lớp lạt nứa bên ngoài.

Nhà báo Ánh Nguyệt ngồi trầm trồ và bấm máy ảnh lia lịa để ghi những ống cơm lam làm kỷ niệm khi về Bến Tre khoe các bạn: “Công phu thật, ngon quá”.

13 giờ, chúng tôi phải chia tay Bình Phước theo lịch trình trong sự lưu luyến, nuối tiếc, những ấn tượng khó quên của người dân Bình Phước. Ông Phạm Văn Hoàng – Chủ tịch Hội Nhà báo Bình Phước nhắn nhủ: "Hiện nay đoạn đường lên đây còn khó khăn, vất vả. Mời đoàn 3 năm sau trở lại đây khu này hoàn thành, đường sá xây dựng hoàn chỉnh thì các bạn sẽ thấy nơi đây thật tuyệt. Hẹn gặp Đoàn Bến Tre 3 năm nữa nhé!"

Mặc dù thời gian rất ngắn để khám phá hết các địa danh nơi đây, những con người nơi đây nhưng chúng tôi cũng hiểu hết những con người sống trên đất Bình Phước, những mảnh đất Bình Phước đã bao bọc bao nhiêu người con Bến Tre, những tình cảm nồng ấm của cán bộ, lãnh đạo Hội Nhà báo, Đài Phát thanh – Truyền hình Bình Phước dành cho chúng tôi.

Thanh Nga

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top