Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí trong môi trường số

14:04 13/09/2023 - Diễn đàn
Ngày13/9/2023, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam và Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức hội thảo “Bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số”.

Nhà báo Trần Trọng Dũng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc tại hội thảo. 

Hội thảo nhằm nâng cao năng lực bảo vệ và khai thác bản quyền tác phẩm báo chí trong kỷ nguyên số cho các tòa soạn, các nhà báo; đồng thời, đóng góp vào quá trình hoàn thiện hành lang pháp lý về bản quyền.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Trần Trọng Dũng nhấn mạnh, bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số trở thành vấn đề cấp bách với mọi nhà báo, mọi cơ quan báo chí. Khi bảo vệ được quyền tác giả là đảm bảo rằng các nhà báo, các tác giả được công nhận và được trả nhuận bút xứng đáng cho lao động nghiệp vụ báo chí của họ. Điều này thúc đẩy sự sáng tạo và đầu tư cho hoạt động sáng tạo nội dung báo chí, tạo động lực cho các nhà báo và các cơ quan báo chí đầu tư vào các dự án phát triển nội dung, các dự án đổi mới sáng tạo báo chí. Bảo vệ bản quyền báo chí giúp ngăn chặn hiện tượng ăn cắp các chất liệu báo chí, giả mạo báo chí để lan truyền các thông tin sai lệch, xuyên tạc, tin giả mạo, thúc đẩy một nền báo chí với “hàng thật" và “hàng chất lượng cao". Bảo vệ bản quyền báo chí là điều kiện tiên quyết để bảo vệ nguồn tài chính của cơ quan báo chí cũng như thực thi hiệu quả các mô hình kinh doanh nội dung số, góp phần giải bài toán về kinh tế báo chí truyền thông ở các cơ quan báo chí hiện nay.

Chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu đòi hỏi các cơ quan báo chí phải thay đổi tư duy, đầu tư nguồn lực con người và công nghệ để thực hiện việc chuyển đổi số một cách linh hoạt và phù hợp thực tế. Việc ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ như trí tuệ nhân tạo, chuối khối, dữ liệu lớn… trong các sản phẩm báo chí đa nền tảng, báo chí dữ liệu, báo chí di động giúp tạo ra các sản phẩm báo chí số  phù hợp với nhu cầu của độc giả, thậm chí là những “tin tức biết tự tìm đến công chúng".

Quang cảnh hội thảo

Một trong những thách thức lớn đổi với chuyển đổi số báo chí là vấn nạn vi phạm bản quyền nội dung số, theo đó hiện tượng vi phạm quyền pháp lý được cấp cho người tạo ra hoặc sở hữu nội dung số để kiểm soát việc sao chép, phân phối và sử dụng nó trong môi trường số hóa đang diễn ra phổ biến với tốc độ cao, tính chất ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, phạm vi ngày càng rộng. Đây chính là rào cản lớn đối với chuyển đổi số báo chí ở các cơ quan báo chí hiện nay.

Tại hội thảo, Bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, thời gian qua, Cục đã tích cực trong việc trợ giúp các cơ quan báo chí đấu tranh với vấn nạn vi phạm bản quyền. Đặc biệt là sửa đổi Luật Báo chí, Cục đã tham mưu cho Bộ Thông tin và Truyền thông nội dung về hoạt động báo chí trên không gian số nhằm đáp ứng sự phát triển của báo chí trong tình hình mới. Trong đó bản quyền báo chí là điểm nhấn. Bên cạnh đó Cục cũng đang tham mưu với Bộ xây dựng quy trình chuẩn nhằm trợ giúp báo chí đấu tranh với vi phạm bản quyền. 

Bà Phương Thảo cho biết thêm, các cơ quan báo chí nếu phát hiện ra vi phạm bản quyền có thể trực tiếp thông báo tới Cục Báo chí hoặc Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục báo chí sẽ xử lý kịp thời, kể cả nền tảng xuyên biên giới như TikTok, Facebook …Ngoài ra, Trung tâm Lưu chiểu dữ liệu truyền thông số quốc gia của Cục đã có hai đề tài khoa học được nghiệm thu, đó là vận hành media hub để phối hợp với cơ quan báo chí đo, quét nội dung vi phạm bản quyền và hội đồng giúp xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí.  Các mô hình đang được chạy thử và có thể đưa vào triển khai diện rộng trong thời gian tới.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe 06 tham luận và trao đổi ý kiến cùa diễn giả, của các đại diện Cục Báo chí, Cục Bản quyền... về các giải pháp giúp bảo vệ bản quyền báo chí trên môi trường số đạt hiệu quả cao nhất; trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của giải pháp công nghệ và đề xuất nhiều kiến nghị nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ bản quyền.

Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam và lãnh đạo Hội Truyền thông số Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác về “Nâng cao năng lực, kiến thức thực thi pháp luật bản quyền, phổ biến kiến thức và đạo đức văn hóa cơ quan báo chí trong thực thi bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí”

Trong khuôn khổ hội thảo cũng diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam về “Nâng cao năng lực, kiến thức thực thi pháp luật bản quyền, phổ biến kiến thức và đạo đức văn hóa cơ quan báo chí trong thực thi bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí”.

PV

 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 14/9, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức lễ khai giảng năm học 2023 - 2024. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo.
Ngày 7/9, tại Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ tư, năm 2022 – 2023, đã chủ trì họp Hội đồng Sơ khảo Giải.
Ở nước ta, báo chí ra đời chậm so với báo chí phương Tây khoảng hơn 2,5 thế kỷ. Vào thời điểm những năm 90 của thế kỷ XX, những thế hệ nhà báo đầu tiên làm báo trong thời kỳ từ mấy thập niên cuối của thế kỷ XIX đến trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, hầu hết đã ra đi vào cõi vĩnh hằng, mang theo đi rất nhiều những điều thú vị, nhiều câu chuyện phong phú về một thời làm báo còn sơ khai, đầy bỡ ngỡ nhưng đó là sự mở đường rất đáng trân trọng, đặt nền móng rất quan trọng cho báo chí Việt Nam.
Báo chí Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong đời sống xã hội. Do đó, đạo đức nghề nghiệp báo chí cũng luôn được đề cao. Bởi, đạo đức nghề nghiệp là yếu tố thuộc giá trị của con người, mà nổi lên là tinh thần trách nhiệm, thái độ trung thực, khách quan, nghiêm túc đối với mọi thông tin và trong công việc. Đạo đức người làm báo không chỉ ảnh hưởng đến giới báo chí, mà còn ảnh hưởng đến xã hội nói chung. Tầm quan trọng của đạo đức người làm báo phải được tôn trọng và đề cao trong xã hội ngày nay, đặc biệt trong thời kỳ đất nước hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện, sâu rộng, có những thuận lợi, khó khăn, thời cơ, thách thức khác nhau đan xen, hòa quyện. Do vậy, cần ủng hộ và khuyến khích các nhà báo tuân thủ đạo đức nghề nghiệp để đảm bảo sản phẩm báo chí chất lượng và có trách nhiệm, vì lợi ích quốc gia - dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top