Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp nhận gần 300 hiện vật của nhà giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung

22:05 20/11/2023 - Văn hóa xã hội
Chiều 20/11, tại Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức sự kiện “Người lái đò hạnh phúc” tri ân các nhà giáo và tiếp nhận nhiều hiện vật của nhà giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung.

Nhà giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung phát biểu tại buổi lễ.

Nhà giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung, sinh năm 1939 tại Đức Thọ, Hà Tĩnh. Năm 1961, sau khi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Vinh, bà về giảng dạy tại Trường cấp III Hải Hậu (Nam Định). Sau đó, bà chuyển về giảng dạy tại Trường cấp III Nguyễn Trãi và Trường cấp III Đoàn Kết (Hà Nội) cho đến lúc nghỉ hưu (năm 1993).

Tại buổi lễ, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã vinh dự tiếp nhận gần 300 tài liệu hiện vật bao gồm hình ảnh, hiện vật, một số ấn phẩm tiêu biểu và đặc biệt là bộ sưu tập hơn 200 lá thư chứa đựng tình cảm vợ chồng, tình cảm gia đình và tình thầy trò vô cùng trân quý của nhà giáo, nhà văn, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ Dung.

Lãnh đạo Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam trao giấy chứng nhận cho nhà giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung.

Những hiện vật là minh chứng ghi dấu cho sự nỗ lực của bà vượt qua khó khăn để cống hiến hết mình với "sự nghiệp trồng người" cũng như gặt hái thành công cả trên lĩnh vực báo chí, sáng tác thơ, sáng tác truyện.

Nhà giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung cho biết, đây là lần đầu tiên bà công bố và trao tặng những hiện vật này cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam với mong muốn bảo tàng sẽ lưu giữ những tài liệu quý giá này và giới thiệu rộng rãi tới công chúng thông qua các cuộc triển lãm và hoạt động giáo dục, truyền thông.

Các đại biểu tham quan khu trưng bày hiện vật. 

Phát biểu tại buổi lễ, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết bày tỏ sự trân trọng, biết ơn sâu sắc đối với đóng góp của nhà giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung cho sự phát triển của bảo tàng. “Bên cạnh những chủ đề về lịch sử, văn hóa, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam còn mong muốn mỗi hiện vật khi dừng chân tại đây sẽ kể những câu chuyện thú vị và mang tới góc nhìn đa chiều về người phụ nữ và với những kỷ vật vô giá của cô Mỹ Dung trao tặng lần này chắc chắn sẽ lan tỏa tinh thần, sự nhiệt huyết trong công việc, nỗ lực vượt qua khó khăn trong cuộc sống tới công chúng qua những hoạt động chuyên môn của bảo tàng trong tương lai”, bà Tuyết nhấn mạnh.

Những lá thư thấm đượm tình cảm cô trò... được nhà giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Nói về sự nghiệp của mình, nhà giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung cho rằng, nghiệp giáo, nghiệp viết báo, nghiệp làm thơ, viết văn khép lại với nhau thành một hình tròn đầy đặn và được gắn kết bởi nghĩa thầy trò.

“Chính học trò cũ của tôi ở Cấp III Hải Hậu và Cấp III Đoàn Kết đã giúp tôi có cơ hội tiếp cận với những nhân vật tên tuổi mà tôi kính trọng để viết nên chân dung của những người tài trí đất Việt. Học trò cũng đã giúp tôi làm một cuộc triển lãm - tôi coi đó là một tấm lòng lớn về truyền thống tôn sư, trọng đạo không những dành cho tôi mà còn dành cho tất cả những thầy cô giáo đã và đang đứng trên bục giảng” bà Dung tâm sự.

Rất đông học trò đã đến chúc mừng nhà giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung.

Với 50 năm sự nghiệp cầm bút, nhà giáo, nhà văn, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ Dung đã cho ra đời hàng trăm bài báo, hàng chục tác phẩm thơ, 7 truyện ký và 4 cuốn tiểu thuyết. Với niềm yêu nghề viết, nhà giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung chọn viết rất nhiều về người tài và những sự kiện lớn của đất nước. Trong mỗi bài viết đó, là nỗi niềm tri ân, ngưỡng mộ, kính phục của bà tới những con người tài hoa của đất nước. Bà mong muốn công chúng, bạn đọc biết đến tài trí và những cống hiến của họ.

                                                                                   Huyền Minh

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.
Bình luận, cũng như phỏng vấn, có thể vừa là phương pháp vừa là thể loại báo chí. Theo Từ điển bách khoa Việt Nam (Trung tâm Từ điển bách khoa Việt Nam, 1995) thì: “Bình luận (thông tin) là sự phân tích, đánh giá một vấn đề (chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, kỹ thuật...) trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, phổ biến, thuyết phục người nghe, người đọc... Bình luận chủ yếu vận dụng trí tuệ và tư duy logic để phân tích, đánh giá. Bình luận là vũ khí của báo chí nói riêng và các phương tiện thông tin đại chúng khác khi thực hiện các chức năng thông tin, tuyên truyền”.
Bộ Công thương đánh giá cao sự phối hợp và vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí, góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách đồng thời phổ biến kịp thời kiến thức, điển hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến người dân, doanh nghiệp, cơ quan, công sở trên khắp cả nước.
Phải “công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”. Thông điệp trong bài phát biểu quan trọng "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng ta mới đây thu hút sự quan tâm, đồng tình của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top