Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Bảo tàng Đồng quê: Nơi gặp gỡ của văn hóa và lịch sử - Bài cuối: Đau đáu tâm can… “ngày về hưu”

18:19 22/05/2024 - Văn hóa xã hội
Điều gì ẩn chứa trong hai con người bình dị “Nhà giáo, Thiếu tướng” để có thể tạo dựng một bảo tàng mang sức vóc của cả vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng từ xa xưa? Tình yêu và trách nhiệm! Hay giản đơn như vị tướng đường biên bộc bạch: “Tôi là người nhà quê, quê tôi ở đây (Giao Thịnh), tôi xuất thân là nông dân, tổ tiên tôi là nông dân cho đến đời tôi, tôi yêu quê hương tôi, tôi muốn lưu giữ lại những kỷ niệm về quê hương một thời đã sống mà nay đã mai một dần, không giữ thì tất cả sẽ đi vào dĩ vãng”. 

Hơn một thập niên bằng tấm lòng và trí tuệ, công trình Bảo tàng Đồng quê mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc đã trở thành tên gọi rất đỗi thân thương;  trở thành điểm đến trên bản đồ du lịch; thành tiếng lòng, điểm hẹn đặc biệt của những người yêu lịch sử, văn hóa. Còn người chèo lái con thuyền văn hóa “Đồng quê” vẫn đau đáu tâm can lo cho tương lai lâu dài của bảo tàng.

Ngôi nhà địa chủ được phục dựng trong khuôn viên bảo tàng.

1. Xây đã khó, duy trì hoạt động, giữ gìn bảo tàng còn là bài toán kỳ công giải. Mười mấy năm qua, không thể kể hết biết bao tâm sức của ông bà giáo đã dồn cho bảo tàng.

Từ khu văn hóa truyền thống mà lập thành Bảo tàng Đồng quê, mối nhân duyên một phần gắn với báo chí. Bởi trong quá trình xây dựng trước đây, nhiều phóng viên, nhà báo biết đến về thăm viết bài lấy tên là Bảo tàng Đồng quê. Gợi mở ấy đã bắt đầu cho một hành trình chính thức mang tên gọi “Bảo tàng Đồng quê” nơi lưu giữ hồn quê, lưu giữ trưng bày, trải nghiệm những di sản văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể về đồng quê Bắc Bộ, đặc biệt là vùng phía Nam châu thổ sông Hồng.

Bộ sưu tập đèn các loại trong hàng ngàn hiện vật được trưng bày tại bảo tàng.

Sáu năm đầu, Bảo tàng Đồng quê phục vụ hoàn toàn miễn phí. Từ năm thứ 7 (năm 2017) bảo tàng mới thu một chút phí bảo đảm vệ sinh, bảo vệ với mức 5.000 đồng một người, học sinh cơ bản miễn phí. Khoản thu nhỏ nhoi ấy không thấm vào đâu so với chi phí hoạt động của một bộ máy đã tối giản tối đa. Dẫu vậy, bảo tàng vẫn tự chủ với sự cố gắng cao bằng nhiều biện pháp, bảo đảm công việc và thu nhập hằng tháng ổn định cho 10 nhân viên. Để có kinh phí trả lương nhân viên, giám đốc đã đầu tư nghiên cứu, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, biến chúng trở thành một nguồn thu chính cho bảo tàng.

Với mô hình sáng tạo đặc biệt này, du khách đến với Bảo tàng Đồng quê không chỉ tham quan, nghiên cứu về di sản văn hóa vật thể mà còn có thể tham gia trải nghiệm di sản văn hóa phi vật thể. Hiện trong thư viện của Bảo tàng Đồng quê có trên 300 cuốn sách nấu ăn của những đầu bếp nổi tiếng như: bà Vân Đài, bà Quốc Việt, bà Phan Long, ông Nguyễn Tuân, Vũ Bằng... Cán bộ, nhân viên của bảo tàng vừa nghiên cứu những tác phẩm nổi tiếng đó, kết hợp với kinh nghiệm truyền thống của gia đình, của địa phương vừa gìn giữ, vừa phát huy giá trị văn hóa ẩm thực đồng quê như sản xuất nước mắm, nước tương, mắm tôm, miến dong, làm bánh gai, bánh khúc, rượu nếp quê, cơm quê,... Sản phẩm của bảo tàng đều làm từ những cây trồng vật nuôi của địa phương, một phần đang được nuôi trồng ngay tại bảo tàng.

Vị giám đốc “không lương” trải lòng: “Chúng tôi tự trồng rau, thả cá, nuôi gà, nuôi lợn để cung cấp thực phẩm sạch, chế biến món ăn dân dã cho du khách tham quan, đồng thời để du khách cảm nhận sự chân thực hơn cuộc sống vất vả của người nông dân xưa và nay. Mảng ẩm thực vừa giúp cho du khách được thưởng thức hương vị tự nhiên của đồng quê, vừa giúp cho bảo tàng có một phần kinh phí để hoạt động. Hiện nay, nhu cầu trải nghiệm ẩm thực đồng quê ngày càng tăng, ước tính, mỗi năm, bảo tàng tiêu thụ khoảng trên 30 tấn lúa của nông dân địa phương”.

 Ẩm thực vừa giúp cho du khách được thưởng thức hương vị tự nhiên của đồng quê, vừa giúp cho bảo tàng có một phần kinh phí để hoạt động.

Bên cạnh đó, bảo tàng cũng chủ động tăng cường kết nối du lịch với Vườn quốc gia Xuân Thủy, nhà lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh,… khách tham quan đến Giao Thủy có thể thăm nhà lưu niệm Tổng Bí thư Trường Chinh, chùa Keo Hành Thiện, thăm Bảo tàng Đồng quê, Vườn quốc gia Xuân Thủy, rồi nghỉ tại bãi tắm Quất Lâm hoặc có thể dạo quanh đồng muối Bạch Long, làng nghề Giao Xuân, Giao Hải. Khi tới Bảo tàng Đồng quê du khách có thể giao lưu bạn bè, tổ chức hội nghị hội thảo, thưởng thức hương vị đồng quê.

Để có được một bảo tàng sừng sững giữa làng quê thanh bình, để ngày ngày từng đoàn du khách viếng thăm, để mỗi chúng ta có thể thỏa sức du lịch về miền ký ức là biết bao nỗ lực, công sức vun vén dựng xây. Tấm lòng ông bà giáo với bảo tàng là tấm lòng của người con với truyền thống cha ông, là tình yêu quê hương đất nước đậm sâu, tinh thần nhân văn đẹp đẽ. Ông bà giáo đã làm nên một bảo tàng sống với cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Bảo tàng sống mang tên Đồng quê không phải bởi công nghệ 3D, 4D hiện đại mà bởi chính những con người đang làm sống dậy từng hiện vật, từng thứ quà quê mang hồn cốt ông cha.

Thân thương góc bếp một thời

Trong không gian bảo tàng được tính bằng mét vuông ấy, có một mạch đập luôn nóng hổi nối liền hai thế giới, thế giới của cha ông và hiện tại. Sự sáng tạo, hy sinh thầm lặng của người gây dựng bảo tàng như sợi dây kết nối đặc biệt để ta mường tượng, để ta hình dung, để ta xúc động, tự hào về khí phách ông cha, về tinh thần lao động, ý chí quật cường của một thời cha ông đi mở lối. Giữa một nông thôn hiện đại vẫn có một nông thôn giản đơn, bình dị vỗ về.

2. Tâm nguyện ngày “về hưu”... Những lời gan ruột của vị tướng đường biên khiến người đối diện lay động tâm can: “Chúng tôi tuổi đã cao, đều đã qua ngưỡng tuổi “thất thập cổ lai hy” thuộc lớp người xưa nay hiếm. Rất mong gìn giữ Bảo tàng Đồng quê lâu dài, nhưng sức khỏe giảm dần. Khi không có điều kiện quản lý, chúng tôi đã thống nhất sẽ hiến tặng Bảo tàng Đồng quê cho quê hương. Khi nào không quản lý được thì bảo tàng giao lại hoàn toàn cho địa phương. Chỉ có tâm nguyện và yêu cầu để nguyên tại chỗ và củng cố bổ sung thêm. Mong rằng Bảo tàng Đồng quê mãi mãi trường tồn cùng với sự phát triển của quê hương đất nước”.

Lão tướng “thất thập cổ lai hy” Hoàng Kiền trực tiếp "làm thợ" lợp lại mái nhà rạ trưng bày tại Bảo tàng Đồng quê.

Có cả trăm mối lo, nghìn mối nghĩ. Trong hành trình mười mấy năm qua, ở Bảo tàng Đồng quê, tinh thần cố gắng luôn là thứ thường trực được lên giây cót. Cố gắng xây dựng đội ngũ nhân viên để có thể tự quản lý bảo tàng; cố gắng tự đảm bảo lương cho nhau, có phần tích lũy để sửa chữa công trình khi hư hỏng đặc biệt qua các trận bão và có khoản đưa vào quỹ bảo hiểm.

Chỉ người trong cuộc mới thấm lắm công phu, nhọc nhằn. Đơn cử, việc bảo quản, tu bổ khó khăn nhất là các ngôi nhà mái rạ. Chống chọi với bão tố, chất lợp, thợ lợp nhà đang hiếm và mất dần. Bốn ngôi nhà rạ, tuổi từ 80 đến 120 năm nguyên bản, có ngôi nhà đã xuyên qua 3 thế kỷ, đã hơn chục lần lợp lại. Ngày xưa là như vậy, vì gốc cây lúa vàng óng, cứng chắc. Bây giờ giống mới, lại toàn phân hóa học, không có phân bắc, phân chuồng, phân xanh, lại ngắn ngày nên rệu rã lắm, cũng yếu ớt như gà công nghiệp, mới lợp ba năm mà đã mủn, thối rữa mấy chỗ rồi. Nhìn mà lòng thêm lo lắng ngao ngán biết nhường nào… Nghe lão tướng đã ở độ “thất thập cổ lai hy” lo lắng mà thấy nao lòng…

Việc phòng chống bão cho ngôi nhà bần nông, trung nông “đời chót” ở đồng bằng Bắc Bộ luôn là nỗi lo thường trực.

Rồi giải pháp cũng được tìm ra, bốn ngôi nhà mái rạ kèo tre được lợp mới bằng bổi đảm bảo độ bền được hai mươi năm, cứ hai năm tu sửa lại một lần. Vấn đề quan trọng nhất bây giờ là việc phòng, chống giông bão cho ngôi nhà bần nông “đời chót” ở đồng bằng Bắc Bộ. Nỗi lo này tạm gác thì nỗi lo khác lại chất chồng.

Có về Bảo tàng Đồng quê chống bão mới thấy nỗi lo lắng gian nan của những người lập ra công trình văn hóa này. Mười mấy năm mười mấy mùa bão nổi. Bảo tàng nằm ở vùng biển huyện Giao Thủy (Nam Định) cách bờ biển khoảng 5km nên bị ảnh hưởng rất lớn từ các cơn bão. Viết trong cuốn “Bảo tàng Đồng quê”, Thiếu tướng Hoàng Kiền đã mô tả cơn bão số 1 (2016): “… gió cấp 10, giật cấp 12,13 mưa to suốt đêm đã gây thiệt hại lớn cho bảo tàng, nhà bị tốc mái mặc dù đã chằng chống chuẩn bị chống bão. Giám đốc Ngô Thị Khiếu suốt đêm không ngủ được, lo lắng đến nghẹn thở... cây cối đổ rạp tả tơi, bốn ngôi nhà rạ bung hết nóc,... quang cảnh như bãi chiến trường sau trận bom”.

Mười lăm năm gần chục cơn bão lớn nhỏ đi qua gây ra nhiều thiệt hại cho bảo tàng. Mưa rừng, bão biển. Đau đáu tâm can người gây dựng bảo tàng. Ông bà giáo giữ những ngôi nhà ấy chẳng phải cho riêng mình, mà chung cho lịch sử, cho mọi người. Đó là những ngôi nhà chung của người dân đồng bằng Bắc Bộ, có thể còn ở phạm vi rộng hơn, cấp độ cao hơn.

Du khách tham quan những mô hình nhà nông thôn Bắc Bộ qua các thời kỳ.

Bảo tàng Đồng quê hiện hữu là sự trân trọng tự hào với quá khứ, phát huy bổ sung hiện tại, mở ra tương lai. Bảo tàng của ông bà giáo là bảo tàng của tình yêu, trách nhiệm, là tấm lòng thương mến từng hiện vật. Như cách ông bà gây dựng bảo tàng, chỉ khi hiện vật đã có nhiều đến mức chất đầy ở gầm cầu thang, ở tầng bốn ngôi nhà trên Hà Nội, hai gian nhà ở quê, bảo tàng mới ra đời; như cách bà giáo làm: “Muốn làm bảo tàng phải hiểu hiện vật. Không hiểu hiện vật, mà phải là hiện vật gốc, không thể làm được. Bởi khi làm bảo tàng rồi, mình phải nghĩ cách làm sao cho nó bền vững mãi mãi, trong việc nó tự nuôi với đội ngũ nhân viên vừa bảo vệ, vừa chăm sóc cây trồng, trong việc càng ngày càng thu thập thêm và giữ gìn hiện vật”.

Vừa qua, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương về thăm Bảo tàng Đồng quê đã rất vui mừng, động viên can bộ, nhân viên bảo tàng tiếp tục phát huy tinh thần gìn giữ truyền thống văn hóa, lịch sử cha ông lưu truyền cho con cháu.

Hơn mười năm hoạt động, quãng thời gian tuy chưa dài, nhưng rất nhiều khó khăn đã vượt qua. Hơn mười năm vừa xây dựng, vừa phục vụ khách tham quan, vừa bổ sung công trình, bổ sung hiện vật, Bảo tàng Đồng quê dần đi vào ổn định. Chặng đường tiếp theo, sẽ còn nhiều mối lo trong vạn mối lo của ông bà giáo với sự phát triển của bảo tàng. Thành toàn cho tâm nguyện của ông bà, cho một Bảo tàng Đồng quê phát triển lâu dài, là một địa chỉ văn hóa thu hút khách trong nước và quốc tế rất cần có sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, các cấp, bộ, ngành.

Hãy còn đó nhiều nỗi niềm đau đáu tâm can. Xuân, Hạ, Thu, Đông bốn mùa vẫn không ngừng vận động. Xin mượn câu thơ của Thiếu tướng Hoàng Kiền để kết lại cho những tâm tư còn để ngỏ: "Mười năm chục trận bão về/Nóc bung, mái tốc bốn bề rạ bay/Gió gầm mưa xối cột lay/Trắng đêm lầm lũi sở xoay chống chèo/Trải qua một thuở quê nghèo/Thương người dân đã gian neo dãi dầm” (Bảo tàng Đồng quê, năm 2022).

Nam Giao

 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Theo thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần lúc 13 giờ 38 phút, ngày 19-7-2024, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Hưởng thọ 80 tuổi. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết: “Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân” của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top