Xóa bỏ tâm lí dè dặt của Báo Đảng địa phương

Có thể khẳng định rằng, giá trị thương hiệu của Giải báo chí Quốc gia hàng năm đã luôn luôn hấp dẫn và cổ súy các nhà báo trên mọi miền đất nước tham gia dự Giải báo chí Quốc gia. Thực tế cho thấy, việc có tác phẩm dự thi đoạt Giải báo chí Quốc gia luôn là niềm vinh dự và tự hào của các cơ quan báo chí trong cả nước, nhất là đối với các cơ quan báo, đài địa phương.

Nhà báo Trần Huy Thanh - Tổng biên tập Báo Đồng Nai phát biểu tham luận tại Tọa đàm. Ảnh: Cường Phạm

Trong nhiều năm gần đây, Báo Đồng Nai luôn là một trong số ít báo Đảng địa phương liên tiếp đoạt nhiều Giải báo chí Quốc gia danh giá. Đây  là  niềm tự hào, sự động viên to lớn đối với Báo Đồng Nai và là kết quả của cả một quá trình nỗ lực, phấn đấu hết mình.  Khi còn mang tên Giải báo chí toàn quốc, Báo Đồng Nai từng đoạt 1 giải nhất (năm 1994), 1 giải A (năm 2000), 1 giải B (năm 2001), 1 giải C (năm 1997) và 2 giải khuyến khích (năm 2002 và 2005); khi đổi thành Giải báo chí Quốc gia, Báo Đồng Nai cũng đoạt 1 giải B, 2 giải C và 7 giải khuyến khích…; riêng Giải năm 2015 mới đây, đoạt 1giải B và 1 giải khuyến khích.

Có được kết quả này, chúng tôi nghĩ rằng có nhiều nguyên nhân song có 3 nguyên nhân cơ bản: trước hết là chúng tôi luôn tự tin vào khả năng làm báo chuyên nghiệp, không tự ti mình là tờ báo địa phương; thứ hai, bản thân mỗi phóng viên, biên tập viên phải có sự nhanh nhạy, nắm bắt được đề tài, vấn đề thời sự nóng, đừng tham những đề tài “đao to, búa lớn” và thứ ba, phóng viên từng bước bắt kịp được xu thế làm báo hiện đại, phản ánh nhiều khía cạnh, đi sâu giải quyết thấu đáo nhiều vấn đề....

Như chúng ta đã biết, Đồng Nai là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nơi đây có hơn 30 khu công nghiệp, hàng năm đón nhận hàng triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; số lượng người nhập cư đổ về làm công nhân rất lớn. Đời sống kinh tế phát triển kéo theo không ít phức tạp về tình hình an ninh trật tự và những vấn đề khác rất đáng quan tâm, là đề tài sôi động cho báo chí khai thác. Đồng Nai cũng là địa phương nằm sát với thị trường báo chí sôi động nhất của cả nước là TP. Hồ Chí Minh. Đây vừa là cơ hội để chúng tôi giao lưu, học hỏi nhưng cũng là khó khăn nếu lãnh đạo tờ báo và bản thân đội ngũ phóng viên không biết khai thác tốt lợi thế của mình. Hiện nay tại Đồng Nai, hầu hết các cơ quan báo chí lớn, có số lượng phát hành cao đều có cơ quan đại diện thường trú với đội ngũ phóng viên trực chiến đông đảo.

Trong môi trường đó, phóng viên Báo Đồng Nai ở đâu?

Chúng tôi hoàn toàn tự tin có thể nói rằng, phóng viên Báo Đồng Nai luôn tự tin khi làm ở Báo Đồng Nai. Không ít phóng viên của tờ báo được đồng nghiệp ở các cơ quan báo chí lớn như Tuổi trẻ, Thanh niên, Thông tấn xã Việt Nam… đánh giá cao về khả năng làm báo nhanh nhạy, tư duy tốt và sẵn sàng lăn xả vào các sự kiện lớn, vấn đề nóng mà người dân quan tâm. Phóng viên Báo Đồng Nai có khả năng tác nghiệp ở nước ngoài, trong các sự kiện lớn của cả nước… Chúng tôi không tự ti rằng mình là tờ báo địa phương và chỉ phản ánh thông tin trên địa bàn mình. Chúng tôi luôn chuẩn bị cho phóng viên tâm thế tự tin rằng mình công tác tại Báo Đồng Nai nhưng khả năng tác nghiệp, khả năng làm báo không thua kém bất kỳ tờ báo nào!

Vì sao chúng tôi lại có sự tự tin ấy?

Rất đơn giản bởi mỗi phóng viên ở Báo Đồng Nai đều được trang bị cho mình khả năng làm báo chuyên nghiệp. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên được tuyển dụng hầu hết đều tốt nghiệp ở những cái nôi đào tạo báo chí lớn, như Học viện báo chí và tuyên truyền Hà Nội; Đại học khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh… Sau khi được tuyển dụng, đội ngũ này thường xuyên được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở các lớp do Hội nhà báo Việt Nam hay các cơ quan truyền thông lớn của cả nước mở. Bên cạnh đó, hàng tuần, chúng tôi duy trì được các cuộc họp chuyên môn để cùng thảo luận về những việc đã làm được và chưa làm được để rút kinh nghiệm cho tuần làm việc mới tốt hơn. Những vấn đề hay trên địa bàn tỉnh được báo chí Trung ương và TP. Hồ Chí Minh khái thác tốt cũng được đưa ra bàn bạc, mổ xẻ để từ đó định hướng phóng viên có những cách tiếp cận mới mẻ, hiệu quả hơn.

Đó cũng là cách mà chúng tôi rèn luyện cho phóng viên từng bước tiếp cận với phong cách làm báo chuyên nghiệp với khả năng nắm bắt thông tin tốt; cách khai thác đề tài hiệu quả và xây dựng được phong cách kỹ năng làm báo hiện đại và ngày càng chuyên nghiệp. Chúng tôi luôn tạo điều kiện tốt nhất để phóng viên được sáng tạo, khuyến khích phóng viên ứng dụng các thiết bị làm báo hiện đại vào quá trình tác nghiệp…

Để có những tác phẩm báo chí xuất sắc, bản thân phóng viên phải không ngừng nỗ lực, học hỏi, trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh chính trị cũng như đạo đức nghề nghiệp. Không chỉ nhanh nhạy trong việc nắm bắt đề tài, phóng viên cần hết sức sáng tạo trong cách thể hiện để tác phẩm đảm bảo các yếu tố như chính trị, khoa học, giáo dục.   Mặt khác, khi chọn lựa các tác phẩm báo chí tham gia Giải, Ban biên tập chúng tôi đều có định hướng, gợi mở một số đề tài và khuyến khích các phóng viên hoặc nhóm phóng viên có kinh nghiệm về lĩnh vực, đề tài được phân công, có năng lực tiếp cận, xử lý thông tin và thể hiện bài viết một cách sinh động thu hút người đọc để có những loạt bài “nặng ký” tham gia Giải báo chí Quốc gia. Các đề tài được chọn lựa phải là những vấn đề mang tầm quốc gia hoặc có tính đặc thù, có tính điển hình nhưng vẫn là vấn đề có tính thời sự chung của cả nước. Hai tác phẩm của Báo Đồng Nai đoạt giải vừa qua là những ví dụ cụ thể:

Câu chuyện mới đây, trong lúc, người tiêu dùng cả nước băn khoăn, lo lắng về tình trạng các chủ cây xăng sử dụng công nghệ điện tử để ăn chặn xăng dầu của khách hàng một cách tinh vi, Ban biên tập Báo Đồng Nai yêu cầu phóng viên đầu tư công sức đeo bám đề tài này. Ngay khi Đoàn kiểm tra của Sở KH-CN Đồng Nai đồng loạt ra quân, phát hiện hàng loạt cây xăng dầu trong tỉnh sử dụng công nghệ điện tử để gian lận xăng dầu của khách hàng thì phóng viên Báo Đồng Nai đã có loạt bài 4 kỳ “Nhà khoa học với “cuộc chiến” chống gian lận xăng dầu” đăng trên báo điện tử vạch trần các thủ đoạn gian lận xăng dầu của các chủ cây xăng, qua đó đã thu hút sự quan tâm của người đọc trong và ngoài tỉnh (loạt bài này đã đoạt Giải B thể loại XI báo điện tử (không có giải A) Giải báo chí Quốc gia năm 2015).  Câu chuyện tiếp theo liên quan đến thu hút đầu tư nước ngoài, sau một thời kỳ dài chạy theo thành tích giữa các địa phương về thu hút đầu tư, dẫn đến có nhiều dự án đầu tư nước ngoài đã đưa công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường vào nước ta. Cả nước đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng thu hút đầu tư một cách ồ ạt, không chọn lọc. Bám sát tình hình thời sự cả nước và của địa phương, trên Báo Đồng Nai đã có loạt bài “Thu hút đầu tư nước ngoài- Hết thời “ai vào cũng gật”, phản ánh tháo độ dứt khoát của Đồng Nai trong những năm gần đây là từ chối các dự án thâm dụng lao động, có khả năng gây ô nhiễm môi trường, công nghệ không tiên tiến (loạt bài này đoạt giải khyến khích thể loại III Giải báo chí Quốc gia 2015)

Có thể thấy rõ ở những tác phẩm đoạt giải này là cách chọn đề tài khá phù hợp với những vấn đề đang đặt ra của địa phương nhưng cũng là của cả nước. Đây đều là những vấn đề mới, hay, được tiếp cận ở góc độ mới, lạ, có sự thu hút lớn đối với bạn đọc. Trong đó, không ít vấn đề đã được phóng viên Báo Đồng Nai đeo bám, có sự đầu tư để xây dựng các loạt bài tuyên truyền, tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, hàng năm, sau khi Giải báo chí Quốc gia được công bố, dù đoạt giải thưởng hay không, Ban biên tập Báo Đồng Nai đều kịp thời rút kinh nghiệm trong biên tập, phóng viên về tác phẩm đã dự thi để tiếp tục có sự lựa chọn đề tài, thực hiện loạt bài mới cho cuộc thi Giải báo chí Quốc gia năm sau. Nhờ kịp thời rút kinh nghiệm qua các cuộc thi đồng thời khen thưởng các phóng viên có tác phẩm lọt vào vòng chung khảo và đoạt giải nên Báo Đồng Nai luôn có những tác phẩm dự thi ngày càng chất lượng hơn và đoạt giải thưởng cao hơn…

Là một tờ Báo Đảng bộ địa phương vùng trọng điểm phía Nam, chúng tôi vẫn luôn tin tưởng và kỳ vọng vào các tác phẩm đoạt Giải báo chí Quốc gia sẽ luôn thổi luồng sinh khí hào hứng trong giới báo chí cả nước về tư duy đề tài, phương pháp tác nghiệp, đầu tư công sức để có những tác phẩm ngày càng chất lượng cao và những tác phẩm này thực sự xứng đáng là những tác phẩm báo chí tiêu biểu…

Nhà báo Trần Huy Thanh

Tổng biên tập Báo Đồng Nai

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.
Bình luận, cũng như phỏng vấn, có thể vừa là phương pháp vừa là thể loại báo chí. Theo Từ điển bách khoa Việt Nam (Trung tâm Từ điển bách khoa Việt Nam, 1995) thì: “Bình luận (thông tin) là sự phân tích, đánh giá một vấn đề (chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, kỹ thuật...) trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, phổ biến, thuyết phục người nghe, người đọc... Bình luận chủ yếu vận dụng trí tuệ và tư duy logic để phân tích, đánh giá. Bình luận là vũ khí của báo chí nói riêng và các phương tiện thông tin đại chúng khác khi thực hiện các chức năng thông tin, tuyên truyền”.
Bộ Công thương đánh giá cao sự phối hợp và vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí, góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách đồng thời phổ biến kịp thời kiến thức, điển hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến người dân, doanh nghiệp, cơ quan, công sở trên khắp cả nước.
Phải “công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”. Thông điệp trong bài phát biểu quan trọng "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng ta mới đây thu hút sự quan tâm, đồng tình của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top