
Báo chí với Doanh nghiệp trong Cách mạng Công nghiệp 4.0
-
Bất kỳ một quốc gia nào đều coi doanh nghiệp là nòng cốt để phát triển kinh tế, xã
hội. Việc xây dựng và phát triển doanh nghiệp được coi là nhiệm vụ hàng đầu ở mỗi quốc
gia. Phát triển doanh nghiệp không thể tách rời báo chí truyền thông. Vì thế báo chí và
doanh nghiệp cần xây dựng mối quan hệ tương tác, hỗ trợ để cùng phát triển kinh tế, xã
hội, đặc biệt trong thời đại công nghệ số 4.0.
Cái gốc của thương hiệu doanh nghiệp là xây dựng lòng tin với khách hàng
Cải tạo “môi trường sinh thái” cho doanh nghiệp hoạt động
Trong thời đại công nghệ số 4.0, doanh nghiệp muốn phát triển, không thể phủ nhận vai trò của truyền thông báo chí. Doanh nghiệp cần báo chí để nắm bắt kịp thời những chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, giúp doanh nghiệp hiểu rõ, thực hiện đúng các đường lối, cơ chế, pháp luật một cách đúng đắn.
Những năm gần đây, báo chí luôn nhanh chóng cập nhật những khó khăn vướng mắc và giải pháp tháo gỡ cho các doanh nghiệp như: hướng dẫn thực hiện giãn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn...
Đồng thời, báo chí và cộng đồng doanh nhân cùng tham gia giám sát việc thực hiện các chính sách của Chính phủ, đặc biệt trong cải cách thủ tục hành chính. Thời gian qua, báo chí đã góp phần tích cực phản ánh các thủ tục hành chính gây khó khăn cho các doanh nghiệp thực hiện việc vận hành phát triển.
Ông Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong cho biết, “cách đây 3 năm, con gà cõng 14 thứ thuế, hạt thóc “cõng” 36 thứ phí. Báo chí đã phản ánh những giấy phép “vô lý” trong chính sách của nước ta. Đến năm 2018, Chính phủ đã cắt giảm 50% thủ tục hành chính “cồng kềnh” để thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển. Và trong năm 2018 danh sách công bố tỷ phú thế giới, Việt Nam có 5 tỷ phú xếp loại trong danh sách đó”.
Nếu báo chí tụt hậu thì không thể theo kịp thực tiễn phát triển doanh nghiệp
Thông tin thị trường các nước cho doanh nghiệp luôn là điểm nóng, thị trường luôn quyết định đến sự tồn vong hay suy thịnh của doanh nghiệp, vì thế doanh nghiệp luôn bám sát báo chí nhận thông tin kịp thời về thị trường trong và ngoài nước. Như thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, châu Mỹ... thị trường có kim ngạch nhập khẩu lớn với Việt Nam. Nhưng từ trước đến nay, doanh nghiệp Việt Nam đều coi các thị trường trên là thị trường “khó tính”, vì thế báo chí đã tìm đến các chuyên gia để tìm hiểu thị trường các nước “khó tính” và đưa ra một số lời khuyên cho các doanh nghiệp Việt Nam tự tin tiếp cận như: thị trường dệt may, thép, gỗ, thuỷ sản... Trong hoạt động kinh doanh, không cho phép các doanh nghiệp lơ là thị trường.
Bài viết “Có nên kỳ vọng giá ô tô giảm sâu?” trên báo điện tử Dân trí phân tích thị trường với những mẫu xe giảm giá cao từ 15 - 50 triệu/xe như; mẫu xe Vios, Outlander, Terra, EcoSport. Các chuyên gia cũng phân tích việc giảm giá ô tô là tín hiệu tích cực không chỉ với người tiêu dùng mà còn là điều đáng mừng đối với cả ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, bởi khi dung lượng thị trường đủ lớn sẽ là cơ sở thúc đẩy phát triển được công nghiệp phụ trợ, giảm giá thành. |
Thông tin về thị trường trên báo chí đôi khi còn là chiến lược hoạch định chính sách, kế hoạch kinh doanh cho các doanh nghiệp; như bài “Được miễn thuế, xe Nga sẽ ồ ạt vào Việt Nam?” (ngày 24/3/2019 trên báo điện tử dantri.com.vn). Bài viết cung cấp thông tin của Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ, Bộ, ngành liên quan sửa đổi Quyết định tăng hạn ngạch nhập khẩu các dòng xe Nga và linh kiện lắp ráp xe Nga vào Việt Nam. Quyết định này thông qua, khoảng hơn 4.000 chiếc xe hơi nguyên chiếc của Nga và 16.000 bộ linh kiện ô tô của Nga sẽ ào vào Việt Nam. Đây là một thông tin quan trọng giúp các doanh nghiệp lắp ráp và sản xuất ô tô trong nước có kế hoạch cho mình trong thời gian tới.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng nhận định, giá ô tô tại Việt Nam chỉ có thể được điều chỉnh giảm khi xảy ra kịch bản “cung” lớn hơn “cầu” hoặc ít nhất không có tình trạng khan hiếm xe. Chỉ khi ấy, các doanh nghiệp mới buộc phải giảm giá xe để cạnh tranh. Khi “cầu” còn lớn hơn “cung” thì không có lý gì khiến các hãng xe phải giảm giá bán”.
Trên thương trường hiện nay, việc nắm bắt được thông tin là vô cùng quan trọng
Thông tin về thị trường không những giúp các doanh nghiệp nắm bắt, phân tích thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, báo chí còn là kênh hướng dẫn doanh nghiệp Việt Nam có giải pháp đối phó, thậm chí chủ động bảo vệ mình trong trường hợp bị kiện phá giá. |
Nhiệm vụ thứ hai của báo chí mà doanh nghiệp cần, đó là tạo môi trường kinh doanh minh bạch; kiến tạo môi trường là điều mà doanh nghiệp luôn mong chờ vào báo chí. Ông Lê Trực Tuyến, Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải phóng nhấn mạnh: “Báo chí luôn tạo điều kiện để có môi trường trong sạch cho các doanh nghiệp hoạt động. Tìm các giải pháp để khi nước ta hội nhập, mở của thương mại thì bản thân các doanh nghiệp trong nước không thua ngay trên sân nhà”.
Một điều quan trọng mà các doanh nghiệp dựa vào báo chí đó chính là đưa sản phẩm đến người tiêu dùng và quan trọng hơn là làm thương hiệu cho sản phẩm, cho doanh nghiệp vươn ra thế giới. Ông Nguyễn Hữu Hiền, Đại diện Tập đoàn Hoàng Gia chia sẻ tại diễn đàn “Báo chí cầu nối doanh nghiệp và Chính phủ” trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2019, “doanh nghiệp rất mong được hợp tác cùng báo chí để đưa thương hiệu đi lên. Trước đây, một doanh nghiệp muốn làm thương hiệu phải mất khoảng 40 năm, nhưng đến nay qua truyền thông, qua công nghệ 4.0 chỉ trong một thời gian ngắn thương hiệu đã phủ rộng”.
Báo chí dùng nhiều bài viết chỉ cho doanh nghiệp cái gốc của thương hiệu là xây dựng lòng tin với khách hàng. Đạo đức của kinh doanh không phải chỉ nằm trong việc đưa ra một sản phẩm, nó cần phải mang đầy đủ ý nghĩa trong từng chiến lược, chiến thuật, hay trong bất kỳ một động thái nào liên quan đến doanh nghiệp. Vì thế, khi xây dựng một thương hiệu, doanh nghiệp cần phải nhấn mạnh đến chất lượng, uy tín, dịch vụ, kênh phân phối...
Muốn mở rộng thị trường ngoài việc hiểu Luật, uy tín sản phẩm thì không thể bỏ qua văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp được coi là tài sản vô hình, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp phụ thuộc vào mỗi doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp coi trọng tính văn hóa riêng, bản sắc riêng. Các doanh nghiệp đều ý thức được việc xây dựng văn hóa quyết định tới thành công doanh nghiệp.
Để tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, báo chí phải đổi mới
Để báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp
Duy trì và phát triển mối quan hệ với truyền thông báo chí là một trong những nhiệm vụ quan trọng được đặt ra trong mỗi doanh nghiệp nhằm quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ, đồng thời giúp doanh nghiệp ngăn chặn, giảm thiểu những thông tin bất lợi cho hoạt động kinh doanh.
Báo chí là công cụ hữu hiệu để xử lý khủng khoảng truyền thông cho doanh nghiệp. Chỉ cần một dòng tin trên báo chí cũng có thể đẩy doanh nghiệp đến khủng khoảng, vì thế doanh nghiệp không thể tách rời báo chí. |
Khi doanh nghiệp bị rơi vào khủng khoảng truyền thông, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp giảm sút về uy tín, mất niềm tin, thì phương pháp giải trình dài dòng, cảm tính, bức xúc chỉ làm cho tình hình càng trở nên tồi tệ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, một số tờ báo đang “câu like” bằng hình thức đưa nhiều tin, bài phản biện xã hội. Trong số đó, không phủ nhận thông tin về doanh nghiệp trên báo chí còn một số sai sót khiến doanh nghiệp lao đao.
Hiện nay, không ít nhà báo còn yếu và thiếu nhận thức cả về lý luận, và thực tiễn xây dựng phát triển kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Vì thế, khi tiếp cận và phân tích các sự kiện kinh tế chưa linh hoạt, dẫn đến bất lợi cho doanh nghiệp. Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho rằng: “Các cơ quan báo chí cần đào tạo đội ngũ chuyên gia viết về kinh tế để làm tốt vai trò của mình, tìm hiểu kỹ hơn, sâu hơn các cam kết, hiệp định mà Việt Nam tham gia; các xu hướng mới về thương mại, đầu tư, dịch chuyển công nghệ như: cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số...”.
Để tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, báo chí phải đổi mới. Nếu báo chí tụt hậu thì không thể theo kịp thực tiễn phát triển doanh nghiệp, thị trường và các mối quan hệ kinh tế trên thế giới. Đồng thời, tránh để tình trạng báo chí hiểu không hết về chính sách kinh tế gây ra tác hại cho doanh nghiệp.
Do đó, nhà báo phải cùng các chuyên gia, doanh nghiệp, phản ánh đầy đủ, toàn diện về các vấn đề của doanh nghiệp để khi đưa phải đúng, có cái nhìn khách quan và toàn diện./.
Hải Anh

63 tác phẩm xuất sắc đoạt Giải báo chí Thông tấn xã Việt Nam 2016

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn doanh nghiệp Hong Kong (Trung Quốc)

Hoàn thiện kế hoạch giao vốn chương trình mục tiêu quốc gia

Xử lý vấn đề tồn tại của Công ty cổ phần Thể dục thể thao Việt Nam
