
Báo chí và mạng xã hội nhìn từ cuộc chiến chống khủng bố
-
Cuộc chiến chống khủng bố đang trở thành chủ đề được dư luận và báo chí các nước đặc biệt quan tâm. Ngày 5/12 vừa qua, lần đầu tiên kể từ năm 1920, tờ The New York Times (Mỹ) đã phá vỡ thông lệ, đăng bài xã luận với tựa đề “Bệnh dịch Súng ống” (The Gun Epidemic) ngay trên trang nhất lên án chủ nghĩa khủng bố. Có thể thấy, trong bất cứ hoàn cảnh nào báo chí truyền thông có vai trò rất quan trọng trong xã hội, nếu sử dụng “đúng” sẽ tạo được dư luận tốt, ngược lại trở thành “giáo trình gây án”, gây hậu quả nghiêm trọng.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Khủng bố – mối đe dọa toàn cầu
Vụ tấn công khủng bố ở Paris (Pháp) xảy ra chưa đầy 1 tháng, trong tuần đầu của tháng 12, liên tiếp xuất hiện 3 vụ khủng bố chấn động toàn cầu: Ngày 2/12, vụ tấn công bằng súng xảy ra ở California (Mỹ) khiến 14 người thiệt mạng; Ngày 5/12, 3 vụ đánh bom liều chết đã xảy ra trên đảo Koulfoua nằm bên phần Hồ Chad của Cộng hòa Chad khiến ít nhất 30 người chết và 130 người bị thương; Tối ngày 5/12 xảy ra vụ khủng bố bằng súng tại ga tàu điện ngầm Leytonstone của London (Anh), khiến 3 người bị thương. Clip mới nhất của lực lượng vũ trang “Nhà nước Hồi giáo” IS đã đưa ra lời đe dọa: “Chiến dịch trả thù đã bắt đầu, máu sẽ đổ, nước Pháp chỉ là một sự khởi đầu mà thôi”. Noel sắp tới, bóng ma tấn công khủng bố đang bao trùm toàn cầu.
Xét về hình thức biểu hiện của các cuộc tấn công khủng bố có thể thấy, phần lớn là hình thức tấn công “những con sói cô độc”, đằng sau luôn có mối liên hệ với IS, hành vi khủng bố đang từ “tự phát” chuyển sang “tự giác”. Các cuộc tấn công khủng bố thời gian gần đây xuất hiện một số đặc điểm mới, một là kẻ tấn công không lấy việc bắt cóc con tin làm mục tiêu hàng đầu, không cho chính phủ các nước thời gian đàm phán, trực tiếp ra tay với người dân vô tội; Hai là từ địa điểm tấn công, không chỉ bó hẹp trong một số quốc gia nhất định; Từ công cụ gây án, không còn bó hẹp trong bom, thuốc nổ, từ dùng dao đến gây nổ cho máy bay, mục tiêu là gây sự hoảng loạn trong dư luận. Hiện tại, hoạt động chống khủng bố trên toàn cầu phải đối mặt với 5 khó khăn lớn: Số lượng gia nhập lực lượng chủ nghĩa khủng bố nước ngoài tăng mạnh, tạo thành mối đe dọa nghiêm trọng. Hiện tại có khoảng 25.000 phần tử là thành viên của nhóm “Phần tử chủ nghĩa khủng bố nước ngoài” thuộc hơn 100 nước thành viên Liên hợp quốc vào lãnh thổ Iraq, Afghanistan, Yemen và Libya tham gia các hoạt động chống chính phủ và hoạt động bạo lực khủng bố cực đoan liên quan tới tổ chức al-Qaeda hoặc tác chiến cho tổ chức này; Chủ nghĩa khủng bố mạng, các phần tử khủng bố thông qua mạng Internet và các mạng xã hội phát tán trào lưu cực đoan; Phần tử khủng bố “con sói cô độc” len lỏi khắp nơi trên thế giới, phát động các cuộc tấn công liều chết, chính phủ các nước rất khó kiểm soát; Chủ nghĩa khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia ngày càng có mối liên hệ mật thiết với nhau. Tổ chức khủng bố thông qua buôn lậu vũ khí, thuốc phiện, di dân trái phép, buôn bán văn vật, kiểm soát dầu mỏ và nhiều hình thức phạm tội khác… để có nguồn kinh phí hoạt động; Phong trào chủ nghĩa cực đoan ngày càng tác động mạnh đến công chúng các nước, đặc biệt là ảnh hưởng tới đối tượng phụ nữ, thanh niên, thậm chí là trẻ em.
Ngày 6/12, trong giờ vàng tối chủ nhật, Tổng thống Mỹ B.Obama đã phát biểu bài diễn thuyết đặc biệt về chống khủng bố thông qua truyền hình. Ông B.Obama nói: “Chúng ta biết sự trỗi dậy của IS có mối liên quan tới hàng loạt biện pháp của Mỹ vài năm gần đây”.
Chủ nghĩa khủng bố đang lợi dụng mạng xã hội để lộng hành
Khi chủ nghĩa khủng bố gặp mạng xã hội sẽ nảy sinh phản ứng hóa học như thế nào? Tờ The Kansas City Star của Mỹ ra ngày 6/12 đưa tin, hung thủ gây ra các vụ tấn công bằng súng ở Mỹ nhiều năm gần đây có một đặc điểm chung: Thông qua mạng xã hội tiếp nhận thông tin khủng bố hoặc tuyên truyền hành vi tội lỗi. Hiện nay, có khoảng hơn 300 tài khoản ID trên mạng xã hội tại Mỹ chuyên phát tán các thông tin khủng bố.
Tháng 8/2015, cựu phóng viên Đài truyền hình CBS Vester Lee Flanagan II đã bắn chết 2 đồng nghiệp cũ ngay tại hiện trường truyền hình trực tiếp, hung thủ đã quay lại toàn bộ quá trình giết người của mình và đăng tải clip lên mạng xã hội facebook. Hai tháng sau, hung thủ Chris Harper Mercer 26 tuổi ở bang Oregan đã cướp đi 9 mạng người trong vụ tấn công bằng súng tại trường học. Nguồn tin cho biết, trước khi gây án, hung thủ này đã từng “ngưỡng mộ” quá trình Vester Lee Flanagan II truyền hình trực tiếp vụ giết người, nói như thế có thể thu hút sự chú ý của dư luận.
Ngày 3/6/2015, ông Jeffrey Feltman – Phó Tổng thư ký phụ trách các vấn đề chính trị của Liên hợp quốc tham gia một hội nghị đặc biệt liên quan đến “Vai trò truy quét chủ nghĩa khủng bố của truyền thông” do liên minh các nước Arab đề xướng và tổ chức tại trụ sở New York đã chỉ ra rằng, theo báo cáo của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, từ giữa năm 2014 đến cuối tháng 3/2015, số vụ tấn công khủng bố trên phạm vi toàn cầu tăng 70%; các tổ chức khủng bố mới nổi đang hoành hành như “Đảng Thanh niên” (Al-Shabaab) của Somali, tổ chứckhủng bố Boko Haram ở Nigieria và “Nhà nước Hồi giáo” IS đang thông qua mạng xã hội để tuyên truyền các tư tưởng cực đoan hoặc chiêu mộ nhân viên, đe dọa nghiêm trọng đến nền hòa bình và an ninh quốc tế. Cộng đồng quốc tế cần đề ra chiến lược truyền thông toàn cầu, đoàn kết các lực lượng xã hội, phá vỡ kênh truyền bá thông tin cực đoan.
Ông Jeffrey Feltman cho biết: “Các phần tử bạo lực cực đoan phát tán những thông tin lừa đảo mang tính dụ dỗ trên Twitter, Youtube và các trang mạng xã hội khác, những thông tin này có sức hút lớn với những thanh niên thích tìm kiếm sự mạo hiểm và kích thích. Hiện tại có gần 50.000 user trên mạng Twitter công khai ủng hộ hoạt động của tổ chức cực đoan “Nhà nước Hồi giáo” IS. Trung bình mỗi user có 1.000 fan theo dõi. Những trang mạng xã hội này tạo không gian, môi trường cho những thanh niên này trút bày sự bất mãn đối với xã hội, đồng thời cũng khiến họ chịu ảnh hưởng của các tư tưởng cực đoan, tin rằng chỉ có thông qua bạo lực và phá hoại mới có thể tạo ra thế giới công bằng và bình đẳng hơn.
Tại Việt Nam, cuối tháng 11 vừa qua, Bộ Công an vừa tiến hành truy tìm ra ba học sinh ở Bình Định, Đắk Lắk và Bà Rịa – Vũng Tàu đã sử dụng mạng xã hội Facebook, mạo danh thành viên tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) để đe dọa, kích động khủng bố. Ba học sinh này đã trực tiếp thực hiện hành vi chiếm dụng trái phép tài khoản facebook “Timz Zhunusov”, thay đổi ảnh đại diện (avatar) bằng hình ảnh một thành viên IS và đăng nội dung kích động, đe dọa tấn công khủng bố bằng tiếng Arab (sử dụng Google Translate để dịch từ tiếng Việt). Đây là vấn đề rất đáng được quan tâm.
Vai trò của báo chí khi đưa tin về khủng bố
Mục đích và tôn chỉ hoạt động của báo chí là vạch trần sự thật, tích cực đưa tin về các sự kiện trong đời sống xã hội. Nhưng khi sự tự do này đe dọa đến an ninh xã hội và sự an toàn về tính mạng của dân chúng, thì nó cần được nằm trong khuôn khổ. Đặc biệt khi xảy ra các vụ khủng bố, báo chí cần nhận thức một cách rõ ràng, tỉnh táo về sự khác biệt giữa sự kiện khủng bố và sự kiện tin tức thông thường, sự kiện khủng bố làm đảo lộn nghiêm trọng trật tự xã hội, gây thiệt hại nặng nề về người và của cho xã hội và dân chúng – đặc biệt là đương sự trong sự kiện. Chính vì lẽ đó, khi đưa tin về vấn đề này, báo chí cần chú ý một số điểm sau:
“Giảm van áp lực” khi sự kiện khủng bố mới xảy ra
Bản thân sự kiện khủng bố đã là một tai nạn nghiêm trọng đối với xã hội, bầu không khí trong dư luận vốn đã cực kỳ căng thẳng, báo chí với vai trò là “cỗ máy” điều hòa bầu không khí xã hội, không thể đẩy cục diện vào tình trạng căng thẳng hơn. Song song với việc phản ánh sự thật, báo chí cần quan tâm đến suy nghĩ, tâm trạng của người dân, giúp họ bình tĩnh trở lại và có cái nhìn sáng suốt về vấn đề. Báo chí không nên trực tiếp đưa cận cảnh những hình ảnh chết chóc, không quay trực diện người bị nạn… Đồng thời, khi đưa tin, không nên cố tình thổi phồng, thêu dệt sự thật, không nên vì câu view mà cố tình dùng những từ ngữ bạo lực. Đưa tin “giảm van áp lực”: Một là, giúp cho người dân bớt đi sự hoảng loạn, bất an, đây là lương tri xã hội mà báo chí với vai trò là một tổ chức xã hội cần phải có; Hai là, không để phần tử khủng bố lợi dụng, vì mục đích mà các phần tử khủng bố gây ra sự kiện khủng bố là gây sự hoảng loạn trong xã hội, làm rúng động xã hội, nếu cố tình thêu dệt, đưa tin dồn dập, vô hình trung, báo chí lại trở thành công cụ tuyên truyền cho các phần tử khủng bố, biến thành “giáo trình gây án”, gây hậu quả nghiêm trọng.
Bài học xương máu từ vụ khủng bố bắt cóc con tin trường học Beslan tại Cộng hòa Ossetia thuộc Nga năm 2004 cho chúng ta thấy được điều này. Ngày 9/1/2004, 32 tay súng của phong trào ly khai Chechnya với vũ khí hạng nặng đã đột nhập vào trường và nổ súng. Những kẻ khủng bố bắt 1.100 con tin vào phòng thể dục. Giới truyền thông của Nga đã tranh nhau tường thuật trực tiếp về sự kiện này, đồng thời phanh phui thân phận của một số con tin, đưa tin chi tiết về hoạt động bố trí lực lượng của cảnh sát Nga, và các phần tử khủng bố có mặt tại trường học Beslan đã theo dõi được toàn bộ những bản tin này. Cuối cùng, những bản tin đó đã khiến quá trình giải cứu con tin rơi vào tình trạng bị động, gây ra thảm kịch 326 người dân vô tội – trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em thiệt mạng. Sau sự kiện này, dư luận xã hội cũng đã thảo luận rất nhiều về vai trò của báo chí trong hoạt động chống khủng bố. Đây cũng là bài học xương máu cho báo chí khi đưa tin về các sự kiện đặc biệt này.
Thực hiện tốt vai trò “người định hướng dư luận” trong quá trình giải quyết sự kiện khủng bố
Do người bị hại trong các sự kiện khủng bố hầu hết là người dân bình thường, khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố sẽ làm rúng động toàn xã hội, hình thành dư luận mạng trên quy mô lớn; Tốc độ truyền chóng mặt của mạng Internet sẽ khiến sự kiện khủng bố càng chấn động hơn. Đứng trước cục diện hỗn loạn này, chỉ có thông qua báo chí mới có thể định hướng một cách hiệu quả cho công chúng.
Khi xảy ra sự kiện khủng bố, báo chí cần đưa tin một cách khách quan, bình tĩnh, không thổi phồng, không phóng đại. Báo chí cần tập trung lên án hành vi của các phần tử khủng bố, vạch trần những thông tin liên quan đến tổ chức khủng bố và phần tử khủng bố, đây là thời cơ thích hợp để hình thành mặt trận chống khủng bố trong toàn dân. Động viên người dân đoàn kết, hỗ trợ những người bị hại, nâng cao sự gắn kết trong quần chúng nhân dân. Ở thời điểm nhạy cảm này, các phương tiện truyền thông không nên đưa ra những suy luận võ đoán về tính chất của sự kiện, mà cần dịch chuyển sự chú ý của công chúng, để người dân nhanh chóng bình tĩnh trở lại, khắc phục tâm lý sợ hãi, hoảng loạn.
Làm tốt vai trò “máy hút bụi” trong dư luận sau khi sự kiện khủng bố xảy ra
Sự kiện khủng bố không giống với các sự kiện tin tức đơn thuần, các vụ khủng bố ảnh hưởng tới dư luận xã hội cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Do đó, báo chí cần theo dõi, giám sát trường kỳ về dư luận mạng. Khi sự kiện khủng bố đã xảy ra một thời gian, vẫn cần định hướng tích cực, xóa bỏ những ảnh hưởng tiêu cực. Một số phần tử xấu hoặc thế lực phản động sẽ tiếp tục mượn sự kiện để công kích chính phủ, chỉ trích chế độ xã hội. Lúc này, báo chí cần sử dụng những ngôn luận chính thống lấn át những quan điểm sai trái, không khách quan.
Đối với sự kiện nhạy cảm như sự kiện khủng bố, dân chúng sẽ quan tâm lâu dài đến các bản tin, sau khi sự kiện xảy ra, người dân đặc biệt muốn biết lập trường và hình thức xử lý của chính phủ, xã hội đối với sự kiện. Lúc này, báo chí vừa phải tiếp tục bám sát sự kiện, vừa giải thích để người dân hiểu được một số quan điểm khó lý giải. Đưa tin về những câu chuyện cảm động, tình hình cứu trợ, nêu cao tinh thần chính nghĩa của dân tộc…
Trong thời đại bùng nổ thông tin, tìm hiểu, thu thập tin tức trên các phương tiện truyền thông đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân, truyền thông đã ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc sống của mỗi thành viên trong xã hội. Báo chí cần phát huy sự ảnh hưởng của mình trong dân chúng và độ phổ cập của thông tin, hỗ trợ hình thành mặt trận chống khủng bố toàn dân. Trong tác nghiệp, báo chí cần đưa tin một cách khách quan, để người dân nhận thức được đầy đủ diện mạo thật của các phần tử khủng bố chống lại loài người.
Thành Huy Long

Liệt sĩ Trần Kim Xuyến và sự “dấn thân” của một nhà báo cách mạng

Người phóng viên dũng cảm, nhanh nhạy của Thông tấn xã giải phóng

Một số kỷ niệm sâu sắc về Bộ trưởng Mai Chí Thọ với công tác báo chí, tuyên truyền

Kẻ sát hại Che Guevara 54 năm trước qua đời

Hai lần gặp Trịnh Công Sơn
