Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Báo chí truyền thông về biển, đảo, biên giới và những vấn đề nóng vùng Tây Nam Bộ

Hơn 100 đại biểu đã tham dự “Hội thảo tuyên truyền về biển, đảo và biên giới vùng Tây Nam Bộ” do Hội Nhà báo Việt Nam và Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp tổ chức ngày 29/9 tại Cần Thơ. Đây là một trong những hoạt động quan trọng trong việc thực hiện nội dung hợp tác giữa Hội Nhà báo Việt Nam với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ.

Đồng chí Nguyễn Quốc Việt, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phát biểu tại Hội thảo tuyên truyền về biển, đảo và biên giới vùng Tây Nam Bộ được tổ chức tại Cần Thơ, ngày 29/9/2016. Ảnh: PV

Ý nghĩa chiến lược

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Quốc Việt, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đánh giá cao sáng kiến và những nỗ lực hợp tác của Hội Nhà báo Việt Nam, đặc biệt có sự tham gia tích cực của Tạp chí Người Làm Báo trong việc tổ chức sự kiện quan trọng này.

Hội thảo tổ chức tại Cần Thơ là cơ hội để các cấp chính quyền, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, cơ quan báo, đài, các nhà báo thảo luận, phân tích tình hình quốc phòng, an ninh biển, đảo và biên giới lãnh thổ khu vực Tây Nam Bộ; vấn đề phát triển kinh tế biển; tình hình Campuchia và biên giới Campuchia - Tây Nam Bộ; vai trò của báo chí với vấn đề tuyên truyền biển, đảo, biên giới lãnh thổ và những vấn đề đang đặt ra đối với Tây Nam Bộ.

Từ đó, đề xuất giải pháp thiết thực, góp phần khẳng định mạnh mẽ quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

Đại tá Nguyễn Duy Tỷ, Phó Tư Lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân cho biết, thời gian qua, tình hình quốc phòng, an ninh trên vùng biển Tây Nam cơ bản ổn định, kinh tế - xã hội phát triển khá.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề nổi cộm như:

 Những diễn biến chính trị phức tạp của các nước trong khu vực đã khiến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên vùng biển Tây Nam ngày càng nóng lên;

 Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại trên biển vẫn còn diễn ra;

 Hiện tượng khai thác thủy sản bằng xung điện, thuốc nổ và các phương pháp đánh bắt khác gây hủy hoại môi trường biển còn phổ biến;

 Tranh chấp ngư trường diễn biến phức tạp, tập trung nhiều ở vùng biển ven bờ, ven các đảo của nước ta và vùng biển giáp ranh với Campuchia;

 Tình trạng tàu cá ngư dân các nước vi phạm vùng biển của nhau để đánh bắt hải sản trái phép, nhất là tàu đánh cá Việt Nam vi phạm tăng;

 Tình hình an ninh chính trị trên địa bàn đảo Phú Quốc thời gian qua có thời điểm diễn biến tương đối phức tạp.

Trước tình hình đó, cần phải đổi mới hình thức và nội dung trong tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước khi hoạt động đánh bắt trên biển; Tuyên truyền sâu rộng Luật biển, hiệp định vùng nước lịch sử và các quy định, nghị định liên quan đến hoạt động nghề cá...

Phân tích mối quan hệ hợp tác vùng biên giới trên bộ giữa Việt Nam - Campuchia, đồng chí Lê Tuấn Khanh, Vụ trưởng Vụ Lào - Campuchia, Ban Đối ngoại Trung ương cho rằng, thời gian qua, nhiều hoạt động giao lưu giữa các địa phương chung biên giới giữa Việt Nam và Campuchia diễn ra sôi động trên tất cả các lĩnh vực.

Báo chí đã tích cực tuyên truyền cho người dân ở khu vực hiểu rõ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ chủ quyền quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội, phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nam Bộ, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Bàn về vấn đề nóng ở Tây Nam Bộ hiện nay

Một trong những vấn đề nóng hiện nay ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là vấn đề biến đổi khí hậu. Nước biển dâng tác động đến toàn bộ hệ sinh thái, cơ cấu canh tác nông nghiệp, kết cấu hạ tầng và các hoạt động xã hội - văn hóa khác nhau. Những tác động do biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét như hiện tượng triều cường tăng cao gây ngập úng nhiều nơi; xâm nhập mặn ngày càng sâu hơn vào đất liền thu hẹp dần diện tích canh tác, giảm năng suất và sản lượng nông sản của vùng.

Điển hình là vào giữa tháng 3/2016 vừa qua, hiện tượng xâm nhập mặn xảy ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân ở khu vực này trong thời gian khá dài. Cụ thể, do sự tác động của hạn hán, xâm nhập mặn đã khiến năng suất diện tích sản xuất nông nghiệp, thủy sản bị giảm mạnh, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân nơi đây.

Hội thảo cũng phân tích và làm rõ hơn vai trò của báo chí trong việc tuyên truyền những vấn đề về văn hóa và dân tộc ở khu vực. Theo thống kê, đồng bào Khmer Nam Bộ hiện có khoảng 1,3 triệu người (chiếm gần 7% dân số trong vùng), sống tập trung ở các tỉnh vùng Tây Nam Bộ, một bộ phận sống ở các tỉnh vùng Đông Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh. Thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống người dân trong vùng đồng bào Khmer ở Tây Nam Bộ có sự chuyển biến tích cực về kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo,...

Thành công đó có đóng góp không nhỏ của các cơ quan báo chí truyền thông. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân lịch sử để lại, một số không nhỏ cán bộ ở cơ sở vẫn chưa có nhận thức rõ ràng, đúng đắn về quốc gia dân tộc. Đây là rào cản vô hình, song lại có sự tác động, chi phối không nhỏ đến vấn đề đoàn kết dân tộc trong cộng đồng người Khmer ở Nam Bộ.

Hiện nay, các thế lực thù địch vẫn đang lợi dụng vấn đề lịch sử, lãnh thổ để kích động hận thù, chia rẽ dân tộc. Bên cạnh đó, tình hình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Khmer Nam Bộ vẫn còn nhiều yếu kém, đôi lúc việc thực hiện chính sách dân tộc ở địa phương còn để xảy ra sai phạm... tất cả những điều đó tạo ra sự mặc cảm, thiếu lòng tin của một bộ phận đồng bào Khmer đối với chính sách dân tộc của Đảng.

Đây là một trong những nguy cơ tiềm ẩn đe dọa đến sự ổn định chính trị - xã hội ở Tây Nam Bộ. Hơn lúc nào hết, báo chí truyền thông cần tích cực và đổi mới hình thức tuyên truyền, nâng cao hiệu quả truyền thông, góp phần giữ ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực này.

Đi tìm giải pháp

Kết luận Hội thảo, nhà báo Nguyễn Bé, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, những người làm báo phải nỗ lực nhiều hơn, đồng thời tìm ra các phương thức tuyên truyền để đấu tranh hiệu quả hơn, đưa các kết quả nghiên cứu, các khuyến nghị chính sách đi vào cuộc sống. Đồng thời, các cơ quan báo chí cần coi trọng đấu tranh phản bác thông tin, quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch, cơ hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong thời gian tới, các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về kết quả công tác quản lý biên giới; thông tin chính xác, có tính thuyết phục về hệ thống cột mốc phân giới đất liền Việt Nam - Campuchia, giúp các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước cũng như bạn bè quốc tế hiểu đúng chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Ngoài ra, báo chí cũng cần tích cực tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học, kỹ thuật và các kinh nghiệm hay để ứng dụng vào việc nuôi trồng, đánh bắt, khai thác nguồn lợi thủy, hải sản; phổ biến kiến thức về tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; thông tin và dự báo thời tiết, phòng chống thảm họa thiên tai, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; phát triển khoa học - công nghệ biển.

Hơn lúc nào hết, chúng ta rất cần nâng cao vai trò của báo chí trong việc tuyên truyền về ảnh hưởng và giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra ở Đồng bằng sông Cửu Long. Để làm tốt vấn đề này, các cơ quan báo chí tích cực, chủ động, hợp tác trao đổi thông tin với các cơ quan chức năng, tìm kiếm giải pháp đưa ra những dự báo về biến đổi khí hậu từ đó đề xuất giải pháp khắc phục ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, giúp chính quyền và người dân biết, kịp thời chủ động thích ứng, hạn chế thấp nhất tác hại do biến đổi khí hậu gây ra.

Điều quan trọng hơn, lãnh đạo các cơ quan báo chí cần xây dựng chiến lược truyền thông bài bản, tổ chức các tuyến bài phản biện về chương trình, dự án liên quan đến việc ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai. Đồng thời, thường xuyên cử phóng viên tham gia các lớp tập huấn, giúp nâng cao trình độ cũng như kỹ năng cho phóng viên, nắm rõ những kiến thức về biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, các cơ quan báo chí cũng cần tạo ra các diễn đàn truyền thông - báo chí về biến đổi khí hậu - là “cầu nối” để các cơ quan quản lý Nhà nước chủ động phối hợp với các chuyên gia, người dân chia sẻ những thông tin mới nhất, chính thống nhất về tình hình, các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu trong nước, khu vực và thế giới.

Mặt khác, các cơ quan báo chí cần phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, giới thiệu và cung cấp những mô hình sản xuất, kinh doanh tiên tiến của các nước trên thế giới tới người dân trong vùng. Qua báo chí, giúp người dân tiếp cận công nghệ mới, từ đó thay đổi thói quen sản xuất lạc hậu, giảm thiệt hại tối đa do biến đổi khí hậu gây ra.

Chủ đề về biển, đảo, biên giới lãnh thổ rất rộng lớn, nhiều khía cạnh ngày càng phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh đấu tranh thông tin quốc tế hiện nay. Sự chính xác, kịp thời và sắc sảo, thuyết phục, kể cả trong việc sử dụng những thuật ngữ chuyên môn là hết sức cần thiết. Báo chí truyền thông cần làm chủ dòng thông tin chủ lưu, định hướng tốt dư luận xã hội trước những vấn đề nóng xảy ra ở khu vực trong thời gian tới./.

Thành Huy Long

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top