Báo chí truyền thông thời Covid-19

09/08/2021, 10:21

Báo chí truyền thông thời Covid-19 - Cùng với những nhọc nhằn của hệ thống y tế và chính quyền từ trung ương đến địa phương, giới báo chí luôn đồng hành với cuộc chiến chống dịch Covid-19. Tự ý thức và giao nhận nhiều trọng trách, nhiệm vụ, cả hệ thống báo chí đồng lòng trong công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đặc biệt gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Người làm báo tác nghiệp trong điều kiện đặc biệt của dịch Covid-19_Ảnh: Hồ Như

Sẵn sàng trên tuyến đầu

Truyền thông, thông tin về phòng chống dịch bệnh Covid-19 gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội là một trong những chiến lược mũi nhọn của Nhà nước và các cơ quan liên ngành với công tác chống dịch và vực dậy nền kinh tế nhạy cảm trước mỗi làn sóng dịch bệnh mới.

Nhìn lại một chặng đường để tiếp tục phát huy tinh thần, trách nhiệm, có thể thấy báo chí đóng vai trò quan trọng, không thể thiếu và tách rời trong công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Một mặt, đồng hành với tuyến đầu là những y bác sỹ, chiến sỹ công an nhân dân, bộ đội… phóng viên, nhà báo cũng lăn xả hết mình tại các điểm “nóng” để tường thuật tình hình, ghi nhận thế sự nhằm mang đến những cái nhìn toàn cảnh cùng với câu chuyện cảm động ở phía sau. Những thông tin ấy không chỉ giúp nhân dân cả nước cập nhật tình hình mà còn nâng cao ý thức, kết nối sự đồng lòng trong toàn dân đối với chiến lược phòng, chống dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, báo chí là những kênh thông tin hữu hiệu trong việc tuyên truyền về những quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Nhanh chóng và thuận lợi, báo chí truyền thông như những “chuyên cơ siêu tốc” lan tỏa kịp thời những sách lược, hoạch định vĩ mô, những chỉ thị, nghị quyết, công điện, khuyến cáo,… từ Trung ương, địa phương, các bộ, ngành, nhà báo Nguyễn Văn Hạnh – phóng viên thường trú Báo Quân đội Nhân dân tại Khánh Hòa phát biểu tại Hội thảo Báo chí tỉnh Khánh Hòa lần thứ VIII/2021 diễn ra ngày 24/12/2021.

Nhà báo Đoàn Minh Long - Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa cho biết, Hội thảo "Báo chí với công tác truyền thông về phòng, chống dịch Covid-19 gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội" nhằm nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho hội viên, nhà báo, đồng thời khẳng định vai trò của báo chí trong công tác thông tin, tuyên truyền, nhằm đưa hoạt động kinh tế - xã hội trở về trạng thái “bình thường mới”, thực hiện Nghị quyết số 128/NQCP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Cùng với đó, suốt thời gian qua, báo chí cũng đã không ngừng đấu tranh với các vấn đề liên quan đến lỗ hổng trong quản lý giá thuốc, sinh phẩm, vật tư và thiết bị y tế. Đó không chỉ là chủ đề “nóng” thường nhật, mà đặt trong bối cảnh cuộc chiến sinh-tử của cả nước với dịch bệnh.

Ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa và bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa tặng quà cho du khách Nga đến tỉnh sau 2 năm gián đoạn vì dịch Covid-19_Ảnh: PV

Vì mục tiêu kép

Báo chí đã trở thành người bạn đồng hành cùng doanh nghiệp. Mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp trở nên mật thiết hơn ngay trong đại dịch. Đồng cảm cùng những khó khăn của các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh, báo chí phản ánh thực tế bằng góc nhìn khách quan, để cùng các cấp chính quyền đưa ra phương hướng hỗ trợ thiết thực nhất.

Bên cạnh đó, những mô hình hoạt động thành công giữa đại dịch được tuyên truyền, những kỳ vọng cho tương lai được thắp sáng và cả nền kinh tế có thể sáng bừng trên mỗi trang báo. Tất cả đã tạo nên động lực cho các doanh nghiệp cất lên tiếng nói, kết nối hoạt động và thổi bùng tinh thần lạc quan cùng vượt qua đại dịch.

Dù điều kiện làm việc đôi lúc gặp hiểm nguy, song người làm báo vẫn sẵn sàng tác nghiệp mỗi khi có thông tin mà người dân cần lắng nghe. Tin bài mỗi ngày, mỗi tuần tăng theo cấp số nhân với nhiều thể loại, phản ánh toàn cảnh diễn biến dịch bệnh. Trách nhiệm xã hội của người làm báo thể hiện trong mỗi bản tin cho đến cả dòng chảy câu chuyện. Nó được thúc đẩy không chỉ bởi trách nhiệm làm việc mà còn cả trách nhiệm với xã hội, mang thông tin kịp thời và đúng đắn đến với nhân dân. Giữa vô vàn sự kiện và góc nhìn, lựa chọn thông tin nào, đưa tin ở thời lượng và cấp độ như thế nào, dưới hình thức nào và lựa chọn thời điểm để thông tin trở nên hữu ích, thể hiện được sự nhạy bén, trách nhiệm của người làm báo.

Trong điều kiện các nền tảng truyền thông số, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, người làm báo cũng đang tận dụng công nghệ để thu thập thông tin, xử lý nguồn tin và truyền tải tin tức nhanh chóng, khách quan cũng như đặc biệt chính xác. Mối quan hệ giữa báo chí và các nền tảng mạng xã hội rất phức tạp. Nhưng tựu chung lại, báo chí đã góp phần thiết lập trật tự thông tin, nắn dòng thông tin sai lệch, phê phán, phản bác các loại “vi rút tin giả”.

Công cuộc hồi phục và phát triển kinh tế - xã hội vẫn đang tiếp diễn, công tác phòng, chống dịch Covid-19 vẫn kéo dài với nhiều khó khăn, thử thách. Người làm báo với cây bút của mình sẽ luôn sẵn sàng đồng hành cùng đất nước và dân tộc, truyền thông hiệu quả chiến lược vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Kỳ vọng một năm mới 2022 sẽ tỏa sáng!

KHÁNH TRINH