Báo chí “nắn dòng” thông tin sai lệch về Covid-19

22/04/2020, 23:29

Thời gian qua, lợi dụng mạng xã hội, một số người đăng tải thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh Covid-19, khiến dư luận hoang mang, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Do đó, trong bất cứ giai đoạn nào, báo chí luôn là người đi

Báo chí cần “nắn dòng” thông tin sai lệch về Covid-19

“Giặc” tin giả

Tin giả luôn là miếng “mồi” béo bở cho những kẻ có ý đồ trục lợi bất chính, bởi với sự phát tán nhanh của nó sẽ làm tăng số lượt tương tác, câu “like”, câu “view”. Trong giai đoạn đầu chống dịch Covid-19, một số nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng lớn tới công chúng đã có những phát ngôn, chia sẻ sai lệnh về dịch bệnh khiến nhiều người càng dễ dàng bị “đánh lừa” bởi tin giả.

Gần đây, vụ việc bệnh nhân thứ 17 dương tính với Covid-19, nhưng không khai báo trung thực lịch trình di chuyển khiến nhiều người có nguy cơ cao bị lây nhiễm. Nhiều tin đồn về việc cô gái này đã đến những tụ điểm đông người vui chơi trong khi biết mình từ vùng dịch trở về càng khiến dư luận thêm hoang mang, phẫn nộ. Hệ quả là nhiều người đổ xô đi tích trữ lương thực, thực phẩm, thậm chí “tháo chạy”, “trốn dịch” khỏi Hà Nội gây tâm lý hoảng loạn, lo sợ không đáng có. Trước sự xuất hiện ngày càng nhiều tin giả về bệnh nhân này, những người đứng đầu cơ quan công quyền của Hà Nội đã phải lên tiếng xác thực thông tin và yêu cầu làm rõ trách nhiệm đối với những kẻ tung tin đồn thất thiệt, ảnh hưởng đến tình hình an ninh xã hội của Thủ đô.

PGS,TS Trần Đắc Phu, Cố vấn của Trung tâm đáp ứng dịch khẩn cấp (Bộ Y tế) trả lời phỏng vấn báo chí về tình hình dịch bệnh Covid-19. Ảnh: TL

Trận tuyến của những người cầm bút

Với vai trò là những người tiên phong cung cấp thông tin và định hướng dư luận, mỗi nhà báo cần tự ý thức việc phản ánh những thông tin chính xác về diễn biến của dịch bệnh trong nước và thế giới một cách nhanh chóng đến bạn đọc, tránh tạo điều kiện cho tin giả có cơ hội xuất hiện, gây hoang mang dư luận. Đồng thời, việc tuyên truyền những tác hại của hành vi đăng tải hay chia sẻ những thông tin không đúng sự thật trong quá trình dịch bệnh đang diễn ra với ý đồ xấu sẽ bị nghiêm trị theo pháp luật. Đây cũng là một trong những giải pháp mà báo chí có thể sử dụng để ngăn chặn sự lan truyền nhanh chóng của tin giả trong bối cảnh cuộc chiến chống Covid-19 đang diễn ra quyết liệt hiện nay.

Ngoài ra, các cơ quan báo chí nên có những hướng dẫn cụ thể để người đọc phân biệt được những thông tin chính thống đăng tải trên các báo với những trang tin điện tử, tài khoản cá nhân cố tình tạo tin giả về tình hình dịch bệnh nhằm trục lợi bất chính.

Cùng với Luật An ninh mạng, Chỉ thị 05/CT-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành về việc yêu cầu kịp thời ngăn chặn, xử lý có hiệu quả những thông tin sai lệch, lợi dụng tình hình để gây hoang mang trong xã hội và khó khăn trong công tác phòng, chống dịch và Nghị định số 15/2020/NĐCP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, quy định phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc... đã góp phần xử lí những trường hợp cố tình vi phạm, gây hoang mang dư luận và xáo trộn tình hình an ninh, trật tự xã hội trong thời gian diễn ra dịch bệnh.

Cùng với đại dịch Covid-19 là đại dịch tin giả trên mạng xã hội

Trước tình hình đó, Tạp chí Người Làm Báo ghi lại những ý kiến của các nhà báo, luật sư và bạn đọc xung quanh vấn đề này

LUẬT SƯ DIỆP NĂNG BÌNH,
TRƯỞNG VĂN PHÒNG LUẬT SƯ TINH THÔNG LUẬT, ĐOÀN LUẬT SƯ TP. HỒ CHÍ MINH:

Hành vi lợi dụng mạng xã hội để tung tin đồn thất thiệt nhằm câu “like” có thể xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây bất an trong dư luận. Điều này được thể hiện rõ trong Điều 8, Luật An ninh mạng nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế xã hội, khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Trường hợp tung tin đồn sai sự thật nhằm xuyên tạc, thu hút lượt tương tác hoặc phục vụ cho mục đích kinh doanh qua mạng,... người đăng tin sẽ bị xử phạt hành chính theo Khoản 3, Điều 64 Nghị định 174/2013, mức phạt tiền 20 - 30 triệu đồng đối với tổ chức, 10 - 15 triệu đối với cá nhân.

Qua quá trình điều tra xác minh, nếu cơ quan chức năng có căn cứ xác định người tung tin thất thiệt gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội có thể sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Khoản 1, Điều 288 Bộ luật Hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet với mức phạt tù lên đến 3 năm. Đối với người sử dụng mạng xã hội để chia sẻ, lan truyền tin đồn thất thiệt, cơ quan chức năng cũng cần làm rõ mục đích của việc làm này để có phương án xử lý hiệu quả.

PHÓNG VIÊN LƯU LY,
BÁO BẢO VỆ PHÁP LUẬT:

Sự lan truyền nhanh chóng của nhiều tin giả về dịch bệnh viêm phổi cấp do Covid-19 trong thời gian qua đã đẩy sự việc theo chiều hướng xấu, gây hoang mang dư luận.

Trong khi đó, sự vào cuộc của hệ thống chính trị, sự hy sinh cao cả của đội ngũ y, bác sĩ và sự thận trọng đầy trách nhiệm của tất cả mọi người trong việc tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch mới là điều đáng được quan tâm và trân trọng...

Trong bối cảnh đó, những người làm báo cần nhanh chóng cung cấp thông tin trung thực, chính xác về Covid-19 để người dân có được thông tin một cách chính xác. Từ đó, tăng thêm “sức đề kháng” cho bạn đọc khi đối diện với những tin giả, tin đồn thất thiệt về dịch bệnh.

Tin giả về virus corona khiến một số người bị hoang mang

PHÓNG VIÊN GIA LỘC,
BÁO ĐIỆN TỬ VTC NEWS:

Tin giả về Covid-19 xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội là do những kẻ cố tình trục lợi từ sự kém hiểu biết của một bộ phận người dân. Sự việc này cần phải lên án và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, một số báo vẫn chạy theo thị hiếu thấp kém của một bộ phận bạn đọc, “giật” tít, “câu” view trong thời gian xảy ra dịch bệnh, khiến người dân hoang mang, lo sợ.

Trong bối cảnh đó, các báo cần phải đưa thông tin khách quan, trung thực, theo quan điểm của Đảng và Nhà nước. Cùng với sự tích cực của báo chí, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc, xử lý mạnh tay các trang mạng không chính thống, tạo tin giả khiến dư luận hoang mang.

Đồng thời, người dân cũng cần phải chủ động phòng ngừa theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng và nắm bắt thông tin chính xác từ những kênh thông tin chính thống

SINH VIÊN TRẦN PHAN THÙY LINH,
LỚP BÁO MẠNG ĐIỆN TỬ K39, HỌC VIỆN BÁO CHÍ VÀ TUYÊN TRUYỀN:

Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 đang đe dọa đến sức khỏe toàn cầu, tôi thường xuyên cập nhật thông tin mới nhất đến từ các trang báo chính thống.

Tuy nhiên, trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, nhiều thông tin sai sự thật được đăng tải trên mạng xã hội luôn tiềm ẩn nguy cơ đánh lừa người dùng, gây hoang mang dư luận.

Là sinh viên báo chí, trong quá trình học tập và tác nghiệp, tôi luôn tuân thủ nguyên tắc cung cấp thông tin khách quan, chính xác đến bạn đọc nhằm ngăn chặn tin giả liên quan đến dịch bệnh. Mặt khác, với vai trò là bạn đọc, tôi cũng luôn đặt ra những tiêu chí đối với thông tin mình chọn lựa.

Để thông tin chính xác, tôi thường xuyên chọn các trang báo chính thống và cập nhật thường xuyên trên cổng thông tin điện tử Chính phủ. Đồng thời, để tránh phát tán tin giả gây hoang mang dư luận, tôi luôn cẩn trọng với nút “like và share” của bản thân để tránh việc tiếp tay cho tin giả.

ANH NGUYỄN SỸ HIỆP,
DU HỌC SINH TẠI NHẬT BẢN:

Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, nhiều tin giả đã xuất hiện khiến không ít người dễ dàng bị đánh lừa bởi những thông tin “có vẻ đúng” về số ca bệnh, vùng dịch hay cách chữa trị bệnh.

Ban đầu, những tin đồn này đã khiến không ít người hoang mang, lo lắng, nhất là với những người đang sinh sống và học tập tại một trong những “ổ dịch” lớn của thế giới, tin giả lại càng khiến chúng tôi và người nhà thêm bất an, lo lắng.

Tuy nhiên, qua theo dõi những chương trình thời sự của Đài truyền hình quốc gia cũng như những trang báo chính thống, tin giả nhanh chóng bị chúng tôi phát hiện và loại bỏ nhanh khỏi các trang mạng xã hội của mình.

Đồng thời, tôi cũng khuyên người thân và bạn bè không nên tin và chia sẻ những thông tin sai lệch về dịch bệnh này nói riêng và tin giả nói chung, bởi nó gây ra nhiều hệ lụy cho cộng đồng và xã hội

Ngọc Huyền