
Báo chí Mỹ chao đảo vì khủng hoảng thông tin
Các vụ scandal xảy ra liên tiếp khiến báo giới Mỹ chao đảo. Một cuộc điều tra gần đây cho thấy,61% người dân không tin vào các chuyện “giật gân” của một số phương tiện truyền thông ở Mỹ.
Ngày 16/5, tuần báo Newsweek tuyên bố rút lại bài báo về việc các nhân viên điều tra quân đội Mỹ có hành động báng bổ kinh Koran thông qua những hành động hạ nhục các tù nhân bị giam giữ tại Guantanamo. Tờ báo đã xin lỗi vì gây ra những hậu quả đáng tiếc do bài báo nói trên đã gây ra một làn sóng phản đối mạnh mẽ tại nhiều quốc gia Hồi giáo.
Tổng biên tập của tờ tuần báo, ông Mark Whitaker thừa nhận: “Trên cơ sở những gì chúng tôi có ngày hôm nay chúng tôi xin rút lại bài báo xuất bản ngày 2/5 và cho rằng các binh sĩ đã có hành động báng bổ kinh Koran tại căn cứ quân sự Guantanamo”.
Cùng với việc đưa ra lời xin lỗi chính thức, tờ Newsweek cũng thừa nhận bài báo có những thông tin không đúng sự thật. Ông Whitaker giải thích: Một quan chức cao cấp chính phủ là người đã cung cấp thông tin nói trên.
Theo ông Whitaker, trước khi xuất bản, thông tin trong bài báo đã được gửi cho 2 quan chức của Bộ Quốc phòng để kiểm chứng nhưng các quan chức này đã không cải chính hay có hành động bác bỏ.
Các chuyên gia cho biết vụ việc xảy ra đúng vào thời điểm các phương tiện truyền thông Mỹ đang rơi vào tình trạng khủng hoảng nhất từ trước đến nay. Trong vòng 2 năm qua hàng loạt các vụ scandal đã liên tiếp xảy ra trong giới truyền thông Mỹ: Từ vụ đánh cắp và “tự sản xuất” thông tin của phóng viên tờ New York Times Jason Blair đến vụ scandal thông tin giả của một phóng viên của tờ USA Today.
Không chỉ báo chí gặp rắc rối, truyền hình Mỹ cũng bị “dính chưởng”. Mở đầu là kênh CBS và MC nổi tiếng Dan Rather, bị cáo buộc đã đưa ra những lời buộc tội “không có căn cứ” nhằm vào thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự của Tổng thống George W. Bush gây ra một cuộc tranh cãi vô tiền khoáng hậu trong dư luận Mỹ. Sau đó kênh truyền hình đã phải thừa nhận những lời buộc tội này dựa trên những tài liệu chưa được kiểm chứng.
Đối với các chuyên gia về thông tin đại chúng, trường hợp của tờ Newsweek khá đặc biệt. Ông Howard Kurtz, chuyên gia viết xã luận của tờ Washington Post và người dẫn chương trình “Các nguồn tin đáng tin cậy” của CNN, tờ Newsweek đã không có đủ bằng chứng để đưa ra lời buộc tội. Hơn nữa tờ báo đã không lường được hết những hậu quả của việc cho công bố thông tin dẫn tới những tác hại lâu dài.
Theo ông Robert Boynton, Giám đốc khoa “Tạp chí” thuộc trường ĐH New York, những vụ việc nói trên cũng phần nào cho thấy sự mất lòng tin của người dân đối với một số phương tiện truyền thông Mỹ.
Một cuộc thăm dò mới đây do trường ĐH Connecticut cho thấy, qua các vụ “dựng chuyện” trong thời gian gần đây của báo chí Mỹ, trong đó có vụ vũ khí hủy diệt hàng loạt tại Iraq và vụ kinh Koran, nhiều người dân đã tuyên bố không tin lắm vào các thông tin giật gân do một số tờ báo đưa ra.
Kết quả cuộc điều tra cho thấy chỉ có 39% những người được hỏi cho rằng báo chí Mỹ thông tin một cách chính xác và trung thực còn 61% cho rằng những thông tin được đưa ra chỉ đúng một phần.
Việc suy giảm lòng tin cũng được thể hiện qua việc, ngày 9/5 vừa qua, tờ New York Times phải cho công bố một danh sách 10 “lời khuyên” giúp phục hồi uy tín. Theo tờ báo cần phải “tránh” những vấn đề liên quan đến tôn giáo, hạn chế sử dụng các nguồn tin chưa được kiểm chứng…
Nguồn: Tiền Phong

Liệt sĩ Trần Kim Xuyến và sự “dấn thân” của một nhà báo cách mạng

Người phóng viên dũng cảm, nhanh nhạy của Thông tấn xã giải phóng

Một số kỷ niệm sâu sắc về Bộ trưởng Mai Chí Thọ với công tác báo chí, tuyên truyền

Kẻ sát hại Che Guevara 54 năm trước qua đời

Hai lần gặp Trịnh Công Sơn
