Báo chí đấu tranh chống tin giả, bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng
Đấu tranh chống tin giả, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ trọng yếu của cả hệ thống chính trị
Đấu tranh bảo vệ nền tảng tưtưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam thực chất là bảo vệ Đảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Đảng, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị xác định rõ: Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng là một nội dung cơ bản, sống còn của công tác xây dựng Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó lực lượng tuyên giáo các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị và của từng cán bộ, đảng viên.
Ảnh minh hoạ_nguồn: tuyengiao.vn
Trước những thành quả quan trọng và không ngừng được bồi đắp của Việt Nam, các thế lực thù địch luôn tìm cách phủ nhận, chống phá, xuyên tạc đường lối lãnh đạo của Đảng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, đòi xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, đòi đa nguyên, đa đảng, lật đổ chế độ. Trong khi đó, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên “nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”; thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân. Đây là những kẽ hở cho các thế lực thù địch có cơ hội xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta.
Nền kinh tế nước ta tăng trưởng nhanh, đời sống vật chất của nhân dân ngày được nâng cao đã thúc đẩy nhu cầu sinh hoạt văn hóa, giải trí và nâng cao dân trí của người dân và sự xuất hiện của các phương tiện nghe nhìn mới, hiện đại đã thay đổi mạnh mẽ cách thức, thói quen, nhu cầu tiếp nhận thông tin của đông đảo người dân. Internet đã trở nên phổ biến và thiết yếu trong cuộc sống, và mạng xã hội là một trong các loại hình trao đổi thông tin được nhiều người ở mọi lứa tuổi, nhất là giới trẻ đặc biệt quan tâm. Bên cạnh những tiện ích, mạng xã hội đã bộc lộ những mặt trái nguy hại, đặc biệt là tin giả cùng với các luận điệu của các thế lực thù địch xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, gây mất ổn định chính trị, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, 80% trong tổng số thông tin xấu độc tập trung chủ yếu vào việc xuyên tạc, bôi nhọ công tác cán bộ. Đáng lo ngại hơn cả là những thông tin bịa đặt, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, hạ thấp uy tín cá nhân các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí Trung ương và cả các đồng chí quy hoạch Trung ương. Sự chống phá của các thế lực thù địch ngày càng trở nên tinh vi, nguy hiểm khi chúng sử dụng công nghệ cao và mạng xã hội để truyền đi những thông tin độc hại, tin giả.
Nhiều dự báo cho thấy, trong thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị sẽ gia tăng các hoạt động chống phá trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa với phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hơn, nhất là hoạt động tuyên truyền phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước trên không gian mạng và các phương tiện truyền thông khác. Do vậy, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch càng trở nên quan trọng hơn. Báo chí là người lính đi đầu trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, có vai trò đặc biệt quan trọng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII xác định báo chí là lĩnh vực thuộc nhóm công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình, việc phát huy vai trò của báo chí, cụ thể là của các cơ quan báo chí là vấn đề rất hệ trọng vì chỉ khi cơ quan báo chí phát huy tốt vai trò của mình thì sản phẩm báo chí mới được chỉ đạo, tổ chức, xuất bản vừa phù hợp với tôn chỉ, mục đích, vừa đóng góp tích cực cho xã hội.
Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu hoạt động báo chí nước ta phải hướng trọng tâm vào góp phần thực hiện mục tiêu của Đảng là giữ vững ổn định chính trị, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, từng bước xây dựng con người mới, lối sống mới, làm cho những nguyên lý cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội. Đó cũng là quá trình báo chí phải phát huy nguồn thông tin chính thống, đúng đắn, chính xác, giàu tính định hướng trở thành chủ đạo, đấu tranh quyết liệt với nạn tin giả.
Những vấn đề đặt ra đối với báo chí
Thứ nhất, bám sát mục đích, chức năng, giữ vững các giá trị cốt lõi của báo chí. Thực tiễn đặt ra yêu cầu báo chí phải giữ vững vai trò tiên phong trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Báo chí đấu tranh không khoan nhượng với những hành vi tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, lãng phí; những thói xấu hủ bại, tệ nạn xã hội...Báo chí phải cất lên tiếng nói trung thực, trách nhiệm trong việc phản biện các chính sách; đồng thời, tham gia tích cực các hoạt động giám sát và thực thi quyền làm chủ của nhân dân. Trong thời gian qua, báo chí đã phát huy vai trò quan trọng trong việc thông tin, tuyên truyền về chính trị, pháp luật, đời sống xã hội và góp phần giữ vững an ninh tư tưởng - văn hóa.
Tuy nhiên, có thể thấy có sự mất cân bằng trong tỉ lệ thông tin trên báo chí hiện nay. Trong khi những nếp sống đẹp, ứng xử văn hóa chuẩn mực, người tốt việc tốt được phản ánh còn ít thì nhiều tờ báo lại theo đuổi, xoáy sâu vào các hiện tượng tiêu cực như bạo lực, tình dục, những chuyện sai trái, phản cảm... Báo chí đang có xu hướng thiên về những mặt tối của xã hội, câu khách để bán được báo nhiều hơn, từ đó làm thiên lệch mặt bằng thông tin, gây hoang mang trong dư luận. Do chạy theo việc đáp ứng thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng cũng như do biểu hiện lạm quyền, báo chí có nhiều trường hợp thương mại hóa, sa đà vào tủn mủn, thông tin ko kiểm chứng, thiếu chính xác, ảnh hưởng đến danh dự cá nhân và tập thể, thậm chí làm lộ bí mật quốc gia. Có hiện tượng một số nhà báo thiếu tu dưỡng, lạm dụng quyền lực báo chí, đánh “hội đồng” các cá nhân, tổ chức với mục đích vụ lợi, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, gây tác động xấu đến dư luận xã hội, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân vào báo chí. Một số cơ quan báo chí lợi dụng quy định báo chí được mở rộng liên doanh, liên kết để cho tư nhân núp bóng chi phối hoạt động. Đã xuất hiện tình trạng một số người làm báo hiểu sai lệch về tự do báo chí, về vai trò, nhiệm vụ của nhà báo nên có những việc làm vi phạm pháp luật, kêu gọi tự do báo chí vô chính phủ. Đã xuất hiện hiện tượng cơ quan báo chí, nhà báo thiếu nhạy bén chính trị, buông lỏng chức năng tư tưởng - văn hóa của báo chí cách mạng, thậm chí có biểu hiện xa rời sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
Để báo chí làm tốt vai trò của mình, cùng với yêu cầu về trình độ nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhà báo, các cơ quan báo chí cần xác định rõ ràng, cụ thể về chức năng, vai trò, bảo đảm các sản phẩm báo chí được công bố luôn phù hợp tôn chỉ, mục đích. Báo chí phải là nơi đáp ứng nhu cầu thông tin, thỏa mãn nhu cầu thẩm mỹ, giúp công chúng học hỏi, nâng cao trình độ nhận thức mọi mặt. Người đứng đầu cơ quan báo chí cần ý thức sâu về việc nêu cao trách nhiệm của cơ quan báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, từ đó tổ chức, lãnh đạo, sản xuất, đăng tải sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội, đáp ứng một cách có hiệu quả. Báo chí cần “chủ động định hướng, cung cấp thông tin thường xuyên hoặc đột xuất; chú trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt”.
Thứ hai, báo chí định hướng thôngtin, định hướng dư luận trên mạng xã hội. Trong kỷ nguyên thông tin không biên giới, báo chí Việt Nam đang phải đối mặt những thách thức mới. Với sự phát triển mạnh mẽ và ngày càng trở nên phổ biến của mạng xã hội, sức lan tỏa thông tin ngày càng nhanh và rất khó kiểm soát. Việc ai cũng đều có thể tham gia và chia sẻ thông tin là một điều kiện để người dân tham gia tương tác xã hội rộng rãi nhưng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiễu loạn thông tin.
Thực tế này đã kéo theo rất nhiều hệ lụy, đồng thời đặt lên vai báo chí trách nhiệm nặng nề: thông tin định hướng dư luận, đặc biệt dư luận trên mạng xã hội. Định hướng dư luận đang là nhiệm vụ trọng tâm của báo chí và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong một “thế giới phẳng” về thông tin như hiện nay. Có thể thấy, cạnh tranh thông tin ngày càng nghiệt ngã, tốc độ thông tin có ý nghĩa sống còn. Thế nhưng, nếu đơn thuần chạy theo tốc độ, hoàn toàn có thể dẫn đến những sai lầm, lệch lạc, gây hệ lụy cho xã hội, thậm chí có thể vi phạm pháp luật.
Để thông tin báo chí có sức lan tỏa mạnh mẽ, hiệu quả trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đội ngũ người làm báo phải thẩm thấu, bắt được nhịp sống chủ đạo của dòng chảy xã hội, phát hiện vấn đề nhanh nhạy, đồng thời nhanh chóng chọn lựa phương thức thông tin phù hợp đem lại hiệu quả xã hội cao nhất. “Báo chí Việt Nam hiện đứng trước 3 thách thức. Một là, đào tạo nguồn nhân lực để có những phóng viên, nhà báo thích ứng với thời đại 4.0, có kỹ năng nghiệp vụ tốt, tác nghiệp nhanh nhạy. Hai là, điều kiện về cơ sở vật chất của truyền thông, báo chí cần được đầu tư để theo kịp thời đại. Ba là, quan tâm tới việc đưa thông tin nhanh nhạy, chính xác, chân thực nhất tới bạn đọc bởi trong bối cảnh mạng xã hội phát triển nhanh chóng, có nhiều thông tin chưa được kiểm chứng hoặc viết theo ý đồ cá nhân. Vì vậy, báo chí cần phải đưa tin chính xác nhất, trung thực nhất, khách quan nhất để người dân hiểu được thực chất của vấn đề”. [3]
Thứ ba, báo chí phải trở thành trung tâm tạo lập, duy trì sự đồng thuận xã hội. Theo PGS, TS Nguyễn Văn Dững, năng lực truyền thông của các cơ quan báo chí trong bối cảnh hiện nay chủ yếu thể hiện ở năng lực thu hút sự tham gia của công chúng xã hội. Báo chí cần tạo không gian, diễn đàn để các tầng lớp người dân trong xã hội đóng góp ý kiến và tranh luận rộng rãi. Báo chí phải là nơi chia sẻ kỹ năng và trí tuệ của công chúng về các sự kiện, vấn đề xã hội, từ đó lấy ý kiến, tổ chức phản biện xã hội và hình thành dòng thông tin phản biện xã hội chính thống, đồng thời tạo sự đồng thuận xã hội. Có như vậy báo chí mới phát huy được vai trò trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Theo đó, báo chí phải phản ánh chân thật, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế, trở thành diễn đàn tin cậy của nhân dân. Nhờ vậy, mà người dân Việt Nam nâng cao nhận thức về mọi mặt, kể cả tình hình thế giới, hiểu được những khó khăn, thách thức của hệ thống chính trị để chia sẻ và ủng hộ. Để báo chí là trung tâm tạo lập, duy trì đồng thuận xã hội thì cần tuân thủ nguyên tắc Đảng lãnh đạo báo chí. Chỉ khi có sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, báo chí Việt Nam mới thực sự có quyền lực chính trị và quyền lực xã hội đúng nghĩa. Đồng thời, cần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với báo chí và xây dựng đội ngũ nhà báo có đủ phẩm chất chính trị, có tri thức, kỹ năng để thực hiện các nhiệm vụ cao cả của báo chí như lời Bác Hồ dạy: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là thứ vũ khí sắc bén của họ”. Bản lĩnh chính trị, trách nhiệm nghề nghiệp, nền tảng văn hóa là những yếu tố quan trọng để hình thành tư duy, làm nền tảng cho những tác phẩm báo chí thật sự có giá trị và để người làm báo thực hiện vai trò người lính bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
PGS, TS Đinh Thị Thu Hằng
Tài liệu tham khảo:
1. http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/38987902-vai-tro-cua-cac-co-quan-bao-chi-trong-thuc-hien-nghi-quyet.html
5. Nguyễn Văn Dững, Cơ sở lý luận báo chí, Nxb Lao động, H.2012
6. Nguyễn Thế Kỷ, Công tác lãnh đạo, quản lý báo chí trong 25 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia, H.,2012.
7. R. West & L.H Turner, Introducing Communication Theory - Analysis and Application, Fourth edition, McGraw-Hill Higher education
8. F. e. Siebert, T. Peterson, W. Schramm, (Lê Ngọc Sơn dịch) Bốn học thuyết truyền thông, Nxb Tri Thức, 2013
Tin tức liên quan
- Chuyển đổi số báo chí và đào tạo báo chí (01:28 28/10/2024)
- Một số yêu cầu về phòng ngừa, ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, trọng tâm là an ninh mạng trong nền an ninh quốc gia trong thời gian tới (03:14 27/09/2024)
- Vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí ở nước ta hiện nay (03:08 16/08/2024)
- Xuất bản điện tử và đào tạo nhân lực xuất bản điện tử trong giai đoạn hiện nay (09:38 08/07/2024)
- Phát thanh chuyên biệt về sức khỏe qua góc nhìn lý thuyết truyền thông phát triển (05:08 26/06/2024)