“Đồ rừng” nhộn nhịp đón Xuân:

Bài toán của đạo đức và niềm tin rất Người!

28/01/2022, 13:46

Bài toán của đạo đức và niềm tin rất Người! - Theo vòng quay của 12 con giáp, năm Nhâm Dần 2022 này “cầm tinh” con Hổ. “Chúa sơn lâm” đẹp một cách đầy uy lực và được coi là linh vật của hầu hết người dân theo quan niệm phương Đông, các cụ vẽ tranh mãnh hổ, đắp tượng ngài hổ thờ trong đền miếu, vậy mà, giờ đây, không ít người lại đổ xô theo thị hiếu “ăn thịt” Ông Ba Mươi để… lấy may hoặc tỏ ra mình đẳng cấp.

Họ bán cả tiêu bản đầu con gấu "y như thật" với cả lô 50 cái sừng và xương sọ hoẵng rừng để trưng bày dịp Tết

Ngoài hổ, nhiều loài hoang dã khác cũng theo họng súng và “sự im lặng của những cái bẫy dây” trong tay thợ săn, theo các đường dây buôn đồ rừng tinh quái để nhộn nhịp về phố phục vụ các nhu cầu “đón Xuân sang chảnh”.

Đây là một xu hướng rất “lạ kỳ” và đáng hổ thẹn. Nhiều người thơ ngây và ích kỷ, đã tin rằng ăn uống các món “độc lạ”, “bổ béo”, “tăng cường sinh lực” theo cách nghĩ mù quáng của họ là một sự thời thượng.  Thật ra, bên cạnh việc vi phạm luật pháp về bảo tồn, họ còn đang đi ngược lại lại các giá trị nhân ái và niềm tin tâm linh mỗi dịp Tết đến Xuân về của người Việt. Nó cũng đi ngược lại với các nỗ lực tử tế của nhân loại tiến bộ. Vì sao lại như vậy và chúng ta cần phải làm gì lúc này?

Hình ảnh thú rừng được bày bán trên mạng

Làm quen “trên trời”, hẹn xuống mặt đất mua bán hàng cấm

Tổ tiên chúng ta đã dạy: Tết, khởi đầu là khí xuân ấm áp, vạn vật sinh sôi, để cầu may cầu phước, thì phải tăng cường làm điều thiện lương với người và với trời đất. Thậm chí, người ta còn “nghĩ” ra vô số cái kiêng kị, tránh cái rủi đi vào nhà. Đã có nhiều ý kiến yêu cầu bỏ tục lệ hái lộc đầu xuân theo kiểu ngắt hoa, bẻ cành, bứng cây khiêng về nhà.

Vậy mà, khối kẻ giết cả gấu, cả hổ, cả voọc, vượn (nhiều loài được bảo vệ trên toàn cầu, sắp tuyệt chủng) để nấu cao, ngâm rượu hoặc “cắt thủ cấp” treo trong nhà. Tại sao năm cầm tinh con hổ lại khiến người ta sẵn sàng giết hổ, xúi kẻ khác giết hổ để mua sản phẩm từ “Ông Ba Mươi” để ăn, uống, trưng bày, khoe mẽ hay quà cáp cho nhau?

Chúng tôi rất bất ngờ khi mà các hội nhóm, các tài khoản mạng xã hội rao bán rất nhiều hàng phi pháp, ai xem cũng choáng. Họ để thậm chí công khai, giao dịch ầm ầm, chúng tôi gặp trực tiếp họ để điều tra, ghi hình, chứ không phải mua bán “ảo”.

"Hàng rừng" về xuôi ào ào, bất kể thú rừng to như hổ hấu hay bé xíu như chú sóc lông vàng này

Chúng tôi làm một cuộc khảo sát dọc từ trung du, miền núi Tây Bắc vào dọc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, rồi Quảng Bình, Quảng Trị. Hóa ra trong đại dịch Covid-19 kéo dài, các chợ ảo trên mạng xã hội bán thú rừng nhộn nhịp kẻ bán người mua, giao dịch như “mắc cửi”. Trên không gian ảo đó, thú có nhiều hơn cả trong rừng, trong vườn thú, trong khu safari.

Hàng từ châu Phi như: sừng tê giác, ngà voi, vảy tê tê tìm sang; hàng từ các nước Đông Nam Á như Lào, Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Malaysia kéo về; đặc biệt “đặc sản thú rừng” từ các cánh rừng Việt Nam được các toán thợ săn khiêng lên “chợ trên trời” (Internet). Từ điều tra “bàn phím”, đến lúc gặp thì chúng tôi mới ngã ngửa, hóa ra toàn hàng thật, giết thú thật, buôn lậu động vật hoang dã quý hiếm thật, qua mặt cơ quan chức năng để giao dịch thu bộn tiền thật.

Hoẵng và Mèo rừng được tuồn từ Lào về Việt Nam làm "hàng Tết" ở khu vực Khe Sanh, Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị)

Hổ, gấu, voọc, khỉ… bị “nuốt chửng” hoặc trưng bày đón Xuân

Chúng tôi đưa ra một bộ ảnh dưới đây, khỏi phải mô tả thêm.

Rằng, có kẻ rao bán nguyên cả một con vượn quý nhồi tiêu bản, chúng treo thêm vài cái đầu lâu lúc liểng xung quanh, cắm thêm điếu thuốc vào miệng con vật xấu số.

Có gã bán một lúc mấy cái đầu lâu con gấu hoang đã nhồi tiêu bản, hắn ta ôm cả thân xác gấu nhảy nhót trên mạng xã hội, hí hửng đòi hàng chục triệu đồng theo giá chợ đen.

Họ bẫy khỉ con, nhốt trong rừng, chờ có khách mua mới mang về, vì sợ kiểm lâm bắt. Ảnh chụp tháng 1/2022 tại Hà Tĩnh

Có gã ở Quảng Bình, khoe hộ chiếu, đi sang tận Indonesia, Malaysia, bẫy hổ, giết gấu như… Võ Tòng thời mới. Anh ta mở tủ mang ra bộ da hổ với những chiếc tay gấu đen kịt ngâm trong hũ rượu tanh lợm. Nanh, móng hổ, gấu thì vô thiên lủng.

Ở ven đường Hồ Chí Minh, thuộc địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, công phu qua nhiều mối giao dịch ngầm, chúng tôi được dẫn vào một căn nhà “đại gia” buôn hổ từ Lào về Việt Nam. Những bộ da hổ trị giá (chợ đen) gần 200 triệu đồng “đính” trên bờ tường dài tới hơn 2m. Gương mặt “Chúa Sơn Lâm” gần như nguyên bản mắt, mũi, tai, lông, râu, nanh “oai phong” ngóc ra nhìn chúng tôi.

Bà con trong vùng và cả cậu chủ nhà đều thề thốt, đem cao hổ và nhiều mặt hàng khác ra khoe: trang trại hổ của anh ta và cộng sự có hàng trăm con hổ, ở bên Lào. Hắn ta thường xuyên nấu cao hổ bán.

Các mánh khóe “vượt biên”, các vỏ bọc làm đủ thứ nghề của doanh nhân “thành đạt” để ngụy trang cho nghề buôn hổ được anh ta nói toạc móng heo sau khi chúng tôi “đọc mật khẩu” do người trung gian cung cấp. Dĩ nhiên, hàng bày trước mắt và lọt vào ống kính của chúng tôi.

“Chợ” buôn thú rừng la liệt ở vùng cao Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái; súng săn các loại được bán “chợ đen” rồi có khi vừa gặp chúng tôi tại tỉnh Phú Thọ, ông trùm đã bị công an bắt. Có khi họ vác súng săn đi bắn cả một khoang thuyền đỏ lòm toàn máu chim hoang dã với các “thi thể” rũ rượi bi thương ở miền trung du (họ bắn chim di cư trên các đầm nước).

Có khi họ vào VQG bắn khỉ hoang mấy chục ký lô về giết mổ, nấu cao rồi mời chúng tôi “mua” (dĩ nhiên chúng tôi từ chối).

Tất cả phô bày ra trước mắt.

Tháng 1 năm 2022, trước Tết Âm lịch, chúng tôi tận mắt chứng kiến các đối tượng giết voọc, bổ sọ lấy óc và bán xương, thịt ở địa bàn giáp ranh hai tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình

Tết đến, các loại thú rừng, động vật hoang dã được dồn về đô thị phục vụ các loại nhu cầu của “thượng đế”. Tại Hà Tĩnh, tại Quảng Trị, chúng tôi ghi hình nhiều ảnh oái oăm của năm 2022, phục vụ Tết Nhâm Dần: thú rừng bày ra ven đường nhựa lên Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo; cả những tủ đông đủ sơn dương, hoẵng, nai, nhím, cầy; gấu thì cần đặt hàng trước có ngay. Hàng nguyên con, hàng còn sống, có đủ.

Đối tượng giết voọc, bổ sọ lấy óc và bán xương, thịt ở địa bàn giáp ranh hai tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình

Sốc nhất là ở Hà Tĩnh (vùng cao Hương Sơn, Hương Khê), chúng tôi lạc vào những ngôi nhà mà thợ săn tụ bạ giao hàng cho “đầu nậu” thật kinh hoàng: khỉ hoang, voọc quý cùng bị bắn. Họ mổ óc ăn sống từ trong rừng, họ kể, có con chưa chết, lúc bạt đầu múc óc, chúng còn lạy như tế sao. Sọ linh trưởng khi đem bán cứ toang hoác. “Tay” lũ voọc (có khi cả thế giới chỉ Việt Nam và Lào có sự phân bố ít ỏi của loài này!) dài thượt giơ lên sau quá trình thợ săn sấy khô thú rừng, dùng dây rừng trói tay chân với thân xác bị mổ phanh của chúng vào thành từng bó cho gọn để gùi đi bán.

Chặt đầu chim hồng hoàng, chim cao cát, lấy chiếc mỏ to điêu khắc mỹ nghệ hoặc trưng bày cả mỏ để "làm đẹp" nhà cửa trong dịp Tết. Ảnh chụp tại Hà Tĩnh

Những con chim cao cát (cùng họ với hồng hoàng, loài chim huyền thoại) bị bắt, sải cánh dài cả mét, thợ săn đã chặt đầu lấy cái mỏ to của chúng để bán cho dân làm mĩ nghệ (tại các giao dịch ngầm, chúng có giá đắt gấp đôi, gấp ba so với ngà voi), phần còn lại đem đi bán như bán gà bán vịt. Các quán nhậu, giết khỉ lên mâm, “con cháu Lão Tôn” nhe răng, trợn mắt, cứ như thây người…

Vài kẻ bán rùa biển cả con, với lời dọa người mua, bị bắt một cá thể là em đi tù 4 năm đấy, mua thì mua nhanh lên. Về mà trưng bày dịp Tết. Mua cao hổ đi, công dụng của nó cho người già hợp lắm (?), mua mà báo hiếu đầu xuân. Những lời rao bán, những cái “tút” trên mạng xã hội đánh rất trúng tâm lý đón năm mới của nhiều người.

Chim sâm cầm và chim cao cát bị săn bắt theo lối tận diệt, bán với giá chợ đen hơn 1 triệu đồng/cá thể để phục vụ thú vui ăn, ngâm rượu "chim Tiến Vua" tại Phú Thọ

“Phát tài phát lộc ngày xuân” nhờ giết hại động vật quý hiếm? Hoang đường!

Không ít kẻ chặt “chân, tay” hổ, nhồi tiêu bản, bán riêng cái chân toàn móng vuốt lông lá với các mảng da vằn vện. Bán riêng cái đuôi hổ cho người ta treo lên trưng bày dịp Tết. Có kẻ nấu cao da tê giác, bán cả cụm dương vật hổ và sư tử to đoành để lên cái đĩa tây. Họ bảo, khách thích hàng độc để ăn uống và “trưng diện” nhà cửa với bàn tiệc ngày Xuân cho “phát tài phát lộc”.

Thật hết chỗ nói.

Các đối tượng rao bán rùa biển giá siêu đắt, để trưng bày "làm cảnh dịp Tết", với lời nhắn chúng tôi: mua bán cẩn thận, bị bắt là vài năm tù đấy

Ở đây, bên cạnh sự vi phạm pháp luật, bắt bẫy, buôn bán một sản phẩm liên quan đến hổ, gấu, voọc, tê tê, kỳ đà… (như mô tả ở trên) thậm chí có thể khởi tố hình sự rồi; thì yếu tố quan trọng là sự nhẫn tâm của con người ta trong niềm vui xuân mới. Không một văn hóa, một tôn giáo nào có quan niệm về ngày xuân thì giết hoang thú để “thụ hưởng”, bất chấp luật pháp nước mình, bất chấp các công ước quốc tế và các nỗ lực bảo tồn mà cả nhân loại tiến bộ đang dốc cả nhân tài vật lực ra để thực hiện.

Nhất là ở nước ta, đến lễ đâm trâu, lễ chém lợn có truyền thống từ hàng trăm trước còn bị hạn chế, tiến tới để có thể hành lễ và vui hội trong xúc cảm nhân ái, tránh các hình ảnh “đẫm máu” sinh linh được trưng ra một cách phản cảm trước công chúng và truyền thông. Nhất là, trong ngày Tết, chúng ta thường đi chùa lễ Phật, lễ Chúa, lễ Thánh, cầu bình an, tươi tốt, sinh sôi cho muôn loài, đến giết một con gà để cúng cụ, dân gian cũng có lời phân trần, động viên “ta hóa kiếp cho ngươi” để ngươi chuyển sang một số phận sung sướng hơn.

Vậy nên, giết chóc các loài hoang dã trong mùa buôn tàu bán bè, sắm sanh lễ vật, trưng diện nhà cửa công sở trong dịp Tết là một thói quen xấu, một sự vi phạm pháp luật cần lên án. Cần một sự thay đổi nhận thức và đề cao hành vi “tự nguyện tự giác” trong chính mỗi chúng ta, nhất là trong đại dịch Covid-19, khi mà ai cũng biết, động vật hoang dã là vật chủ trung gian gây dịch bệnh đáng sợ bậc nhất này.

Đó là bài toán của đạo đức và niềm tin rất Người.

Phóng sự của tác giả đã đăng trên Báo Dân Việt:

Bài và bộ ảnh: Lãng Quân