Bài học thẩm định nguồn tin

22/04/2020, 23:29

Bài học thẩm định nguồn tin - Ngày 27/8/2018, Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản số 1103/CBC-BCTư gửi đến 15 cơ quan báo chí. Công văn yêu cầu các cơ quan báo chí có tên phải giải trình về việc đăng một số thông tin không đúng sự thật liên quan đến Công ty cổ phần Con Cưng...

Lực lượng Quản lý Thị trường kiểm tra hàng hóa bán tại cửa hàng Công ty CP Con Cưng. Ảnh: TL

rong khoảng thời gian 10 ngày cuối tháng 7/2018, bắt đầu từ một lá đơn tố cáo của người tiêu dùng trước đó và xuất phát từ thông tin rò rỉ trên Facebook, báo chí và người dân có đặt câu hỏi về nguồn gốc, nhãn mác trên sản phẩm bộ thun bé gái có nhãn hiệu CF cùng với một số hàng hóa khác được bán trong hệ thống cửa hàng của Công ty cổ phần Con Cưng tại TP. HCM.

Tất nhiên, trong chuyện này, có “cơ quan chức năng”, có cán bộ nghiệp vụ - vô tình hay hữu ý - đã vội vàng công bố cho báo chí những nội dung rất nhạy cảm và chưa có kết luận đầy đủ, gây tác động xấu cho doanh nghiệp. Nhưng giới báo chí cũng cần xem quy trình thẩm định thông tin, cần xem lại vì sao chúng ta dễ dàng bị dẫn dắt bởi những nguồn tin trong các vụ việc quá nhạy cảm như thế, dù sơ sót này có thể xuất phát từ động cơ tốt, động cơ phục vụ người tiêu dùng...

Sự cố truyền thông liên quan đến Công ty cổ phần Con Cưng vừa qua gợi cho chúng ta nhớ về sự cố truyền thông “nước mắm nhiễm asen” (mà có người gọi là “truyền thông bẩn”) kéo theo hàng loạt nhà báo và cơ quan báo chí bị kỷ luật năm 2016. Tất nhiên, cho đến giờ này, chưa có cơ sở để kết luận rằng trong vụ việc Công ty cổ phần Con Cưng, báo chí là tác nhân hay là nạn nhân của một âm mưu làm hại một doanh nghiệp. Và, cũng chưa ai đo đếm được thiệt hại nếu có về doanh thu hay thị phần của chuỗi siêu thị Con Cưng. Nhưng các dấu hiệu hình thức cho thấy, có vẻ như đằng sau sự việc này là một kịch bản truyền thông được sắp xếp khéo léo. Báo chí được thông tin nhỏ giọt, rồi sau đó, báo chí được cung cấp thông tin chính thức từ một cuộc họp báo lớn. Và báo chí - vô tình hay hữu ý - bị nguồn tin dẫn dắt.

Lại một lần nữa, bài học về thẩm định thông tin, bài học về khách quan, tôn trọng sự thật, công bằng, cân bằng trong thể hiện thông tin lại được đặt ra đối với người làm báo hôm nay.

Những thông tin ban đầu trên mạng xã hội cho rằng, sản phẩm Công ty cổ phần Con Cưng bị lỗi, tem nhãn bị cắt và bị thay thế bằng tem nhãn CF (Con Cưng Fashion) Made in Thailand. Chi cục Quản lý thị trường TP. HCM đã phối hợp Tổ công tác chuyên trách 334 (thuộc Bộ Công Thương) kiểm tra 3 cửa hàng của Công ty Con Cưng: địa điểm kinh doanh tại số 833 - 835 Hồng Bàng, Q.6; 424 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3; 78 Tôn Thất Tùng, Q.1. Đoàn đã kiểm tra và tạm giữ các sản phẩm nhóm hàng như: quần áo, tã, giày dép, vật dụng cho mẹ, đồ chơi trẻ em, mỹ phẩm, sữa bột...

Ngay sau đó, đại diện Chi cục Quản lý thị trường TP. HCM đã cung cấp thông tin bước đầu cho báo chí rằng, Con Cưng có dấu hiệu vi phạm như: chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh cho hàng hóa tại thời điểm kiểm tra; có dấu hiệu ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, không rõ nguồn gốc xuất xứ...

Tại cuộc họp báo chuyên đề chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả do Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tổ chức ngày 31/7, khi giới báo chí đặt câu hỏi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Nguyễn Trọng Tín đã công bố loạt hành vi vi phạm của chuỗi siêu thị mẹ và bé Con Cưng.

Theo ông Tín, Công ty cổ phần Con Cưng có 7 hành vi vi phạm bị phát hiện, bao gồm: Kinh doanh hàng hóa nhập khẩu tại thời điểm kiểm tra không có hóa đơn chứng từ; Kinh doanh hàng hóa ghi nhãn trong nước Made in Vietnam nhưng không được thể hiện bằng ngôn ngữ tiếng Việt mà bằng tiếng nước ngoài, ký tự Latin; Có giấy nhãn mác đè nhãn mác khác, nhập nhèm truy xuất nguồn gốc hàng hóa; Bán các loại sữa quảng cáo là sử dụng công nghệ Đức nhưng không phải công nghệ Đức; Bán và lưu hành mỹ phẩm có dấu hiệu trái phép; Kinh doanh hàng hóa mang nhãn không đủ quy định bắt buộc.

Sau kiến nghị của Công ty cổ phần Con Cưng, Bộ Công Thương đã thành lập Đoàn kiểm tra để kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thương mại, cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại doanh nghiệp này.

Đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ Công Thương chủ trì kết luận: Công ty cổ phần Con Cưng chỉ có ba hành vi sai phạm liên quan nhãn hàng hóa, khuyến mại và thương mại điện tử.

Cụ thể, ba lỗi chính này là 11 vi phạm như không gắn tên địa điểm kinh doanh tại địa điểm kinh doanh; không thực hiện đầy đủ, không đúng các quy định về thông tin phải thông báo công khai khi thực hiện chương trình khuyến mại; không thực hiện đúng nội dung của chương trình khuyến mại đã thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền...

Như vậy, báo chí đã bị “việt vị” trong cuộc chơi thông tin, ngay cả khi thông tin được đưa ra từ cuộc họp báo chính thức: Ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) không có thẩm quyền phát ngôn. Vì ông Tín không có thẩm quyền phát ngôn nên khi dẫn lại thông tin từ cuộc họp báo, các cơ quan báo chí phải tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, thậm chí, có thể phải đối mặt với chuyện “đáo tụng đình” ở tòa dân sự.

Và đó là lý do Cục trưởng Cục Báo chí đã yêu cầu Tổng Biên tập 15 tờ báo giải trình việc đưa tin sai sự thật về Con Cưng trong văn bản số 1103/CBC-BCTƯ nêu trên.

Sự việc rồi đây sẽ được xử lý, nhưng “câu chuyện Con Cưng” (và mới đây, vụ việc “cơm tấm Kiều Giang”) là những bài học nghiệp vụ báo chí cần được mổ xẻ để rút kinh nghiệm.

Thanh Hòa