Bài 3: Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Báo chí cách mạng thực hiện khát vọng vì sự nghiệp đổi mới đất nước
06:30 20/12/2023
- Diễn đàn
Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Ðảng và nhân dân Việt Nam. Dưới ngọn cờ của Đảng, Việt Nam kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn đúng đắn cả về lý luận và thực tiễn. Qua đó, cho thấy học thuyết của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam, là ngọn hải đăng soi sáng không chỉ đối với cách mạng giải phóng dân tộc, mà còn đối với công cuộc đổi mới xây dựng đất nước. Trong đó báo chí cách mạng đã trở thành lực lượng quan trọng, thực hiện sứ mệnh tiên phong của mình trên mặt trận chính trị, văn hoá - tư tưởng, góp phần thắng lợi vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại Hồ Chí Minh.
Kiên định mục tiêu độc lập - khát vọng của dân tộc Việt Nam
Chặng đường hơn 90 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng ta, gần 40 năm công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo từ Đại hội VI, năm 1986 đến nay, trở thành dấu mốc quan trọng nhất trong lịch sử phát triển và đổi mới đất nước. Đó là công trình vĩ đại bậc nhất của Đảng và nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Những thành tựu về phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước như hiện nay, là Đảng ta đã luôn kiên định mục tiêu con đường chủ nghĩa xã hội, đồng thời vận dụng, sáng tạo vào tình hình thực tế trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và công cuộc đổi mới của đất nước trong thời đại Hồ Chí Minh.
Thực tế đã chứng minh, sự nghiệp cách mạng gần một thế kỷ của Đảng và nhân dân ta đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử cả về lý luận và thực tiễn. Mục tiêu nhất quán của Đảng ta là đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hành trình của sự nghiệp cách mạng và công cuộc đổi mới phù hợp “ý Đảng, lòng dân”, đó là động lực to lớn, tạo nên những thành tựu đổi mới, với mục tiêu và lý tưởng cao cả dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sợi chỉ đỏ, kim chỉ nam, là ngọn đuốc soi đường xuyên suốt của cách mạng Việt Nam. Đảng và nhân dân ta đã từng bước nhận thức đầy đủ hơn, minh triết hơn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, song dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, đã đưa đất nước ta vượt qua khó khăn, thách thức, đề ra Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và khởi xướng đường lối đổi mới đó là mở cửa hội nhập với thế giới.
Kể từ sau Cách mạng tháng Tám thành công, cho đến nay, báo chí cách mạng Việt Nam được Đảng ta trao cho sứ mệnh là người tiên phong trong việc tuyên truyền, giáo dục, về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là cổ vũ phong trào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong công cuộc đổi với với quan điểm xuyên suốt đó là độc lập dân tộc kiên định mục tiêu với con đường đi lên CNXH. Trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập, báo chí cách mạng lại một lần nữa tiên phong trên mặt trận kinh tế, đối ngoại văn hoá, tuyên truyền quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Thực tế đã chứng minh, gần một thế kỷ báo chí cách mạng, hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 (bổ sung phát triển năm 2011) và sau gần 40 năm đổi mới đất nước: “Đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đây là niềm tự hào, là động lực, là nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ, phát triển nhanh và bền vững đất nước”.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam_Ảnh: Tư liệu
Đặc biệt, qua những năm đổi mới đất nước, cùng với đường lối lãnh đạo của Đảng, báo chí đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp to lớn vào sự nghiệp chung của cả dân tộc. Những người làm báo hôm nay tiếp tục là đội quân chủ lực, tinh nhuệ trong việc định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước được hình thành và phát triển; công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được đẩy mạnh, nhanh, sâu và rộng. Nhìn một cách tổng thể, mọi lĩnh vực trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước được cải thiện qua từng giai đoạn. Đó là toàn bộ công cuộc đổi mới gắn với mở cửa, hội nhập và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với chiến lược phát triển nhanh, bền vững, nâng tầm đất nước lên trình độ mới, tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh.
Báo chí cách mạng, kiên định con đường vì sự nghiệp đổi mới
Báo chí cách mạng có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, hoạt động báo chí luôn được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhà nước. Đảng ta luôn vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng, trong đó nhấn mạnh vai trò của báo chí cách mạng trong việc xây dựng con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Trong bài phát biểu tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam ngày 16/4/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập, người thầy của báo chí cách mạng đã chỉ rõ: “Nói đến báo chí, trước hết phải nói đến những người làm báo chí”. Người nhấn mạnh đối với đội ngũ làm báo: “Nói về Hội Nhà báo. Đó là một tổ chức chính trị và nghiệp vụ. Nhiệm vụ của Hội là phải làm cho hội viên đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau để nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ. Có như thế thì Hội Nhà báo mới làm tròn nhiệm vụ của mình và những người làm báo mới phục vụ tốt nhân dân, phục vụ tốt cách mạng”. Trong tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, "báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung”, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, cho nên: “Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hoà bình thế giới”.
Ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thấy cần thiết phải có một tổ chức hoạt động báo chí, Đảng ta đã chỉ đạo thành lập Đoàn Báo chí Việt Nam, sau ngày toàn quốc kháng chiến đổi thành Đoàn Báo chí kháng chiến. Ngày 21/4/1950, tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, trong khu ATK Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Hội những người viết báo Việt Nam được thành lập trên cơ sở Đoàn Báo chí kháng chiến, một dấu mốc lịch sử trong sự phát triển đội ngũ người làm báo cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Tại Đại hội lần thứ II tháng 4/1959, Hội đổi tên là Hội Nhà báo Việt Nam. Sau ngày giải phóng miền Nam, tháng 7/1976, Hội nghị thống nhất Hội Nhà báo miền Bắc – Nam, lấy tên gọi là Hội Nhà báo Việt Nam như ngày nay.
Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ III năm 1962 xác định rõ mục tiêu: “Chúng ta phải luôn là một đội ngũ chiến đấu cách mạng. Báo chí phải ra sức tuyên truyền cho cương lĩnh xây dựng CNXH, cho nhiệm vụ công nghiệp hóa XHCN nước nhà, cho sự thống nhất Tổ quốc và góp phần vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, dân chủ, độc lập dân tộc và CNXH trên toàn thế giới”. Báo chí kiên định mục tiêu vì sự nghiệp cách mang, tại Đại hội lần thứ IV, năm 1983, Hội Nhà báo Việt Nam xác định nhiệm vụ trong tâm: “Phấn đấu đưa nền báo chí của ta phát triển ngang tầm cao cách mạng và kịp bước đi của thời đại”. Báo chí thời kỳ đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, mục tiêu của các kỳ Đại hội đã luôn bám sát nhiệm vụ cách mạng từng thời kỳ: “Đổi mới báo chí vì sự nghiệp đổi mới đất nước”. Đại hội lần thứ V, Hội Nhà báo Việt Nam, tháng 10/1989 “Báo chí vì sự nghiệp đổi mới và hiện đại hoá đất nước”. Đại hội lần thứ VI, tháng 3/1995 báo chí đã luôn bám sát mục tiêu con đường vì sự nghiệp đổi mới đất nước, cùng đất nước đi lên con đường CNXH.
Đại hội V Hội Nhà báo Việt Nam, tổ chức tại hội trường Ba Đình (Hà Nội) tháng 10/1989_Ảnh: Văn Hiền/TTXVN
Trong các thời kỷ lịch sử chuyển giao thiên niên kỷ, Đại hội lần thứ VII, tháng 3/2000 đã mở ra thời kỳ mới cho báo chí Việt Nam, tiếp tục khẳng định con đường đổi mới với khẩu hiệu hành động “Vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc trong thiên niên kỷ mới”. Từ Đại hội lần VIII năm 2005 đến Đại hội X năm 2015, với quy mô phát triển mới của nền báo chí cách mạng và chất lượng đội ngũ người làm báo ngày càng nâng cao. Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục kiên định và nêu cao mục tiêu hành động trong việc tập hợp đội ngũ người làm báo dưới ngọn cờ tư tưởng của Đảng thực hiện mục tiêu: “Báo chí cách mạng Việt Nam trung thành, đoàn kết, trí tuệ, đổi mới vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Kể từ năm 1986 đến nay, trải qua gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta đã luôn kiên định mục tiêu con đường đi lên CNXH “Trong quá trình đổi mới phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”. Công cuộc đổi mới đất nước cũng đã chứng minh sinh động một chân lý sáng ngời đó là đổi mới không phải là từ bỏ hoặc xa rời những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin về CNXH. Vấn đề trước hết là phải đổi mới tư duy, nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH trên cơ sở kết hợp “cái phổ biến” với “cái đặc thù” trong điều kiện Việt Nam. Công cuộc đổi mới đất nước ta đã mở ra nhiều cơ hội và thách thức trong hoạt động báo chí. Xuất phát từ thực tiễn hoạt động báo chí, gần 40 năm đổi mới, báo chí cách mạng Việt Nam chiếm vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Thực hiện theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí cách mạng Việt Nam và đội ngũ những người làm báo Việt Nam vì lý tưởng cách mạng, vì Đảng, vì nhân dân mà nỗ lực thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ của mình. Đó cũng chính là mục đích, là điều kiện, là tiêu chuẩn đạo đức trong hoạt động báo chí; đồng thời, thể hiện là tính Đảng của báo chí cách mạng Việt Nam, biểu hiện sự trung thành của báo chí đối với Đảng, cống hiến của báo chí vào sự nghiệp vĩ đại của Đảng cộng sản.
Xuất phát từ quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí: “Làm báo là để làm cách mạng”. Theo Người, báo chí cách mạng Việt Nam chỉ có một đề tài xuyên suốt là: “Chống thực dân đế quốc, tuyên truyền cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Gần 40 năm đổi mới đất nước, báo chí cách mạng đã tiên phong trong đấu tranh không khoan nhượng với những giá trị, không đi ngược lại quy luật của lịch sử và lợi ích dân tộc. Tính chiến đấu của báo chí không chỉ lên ánh thù địch, mà còn biểu dương những tấm gương tiêu biểu trong chiến đấu, lao động sản xuất để cổ vũ dân tộc hăng hái tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên còn đường xây dựng CNXH.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí nước ta đã đang tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đồng thời phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân với Đảng, Nhà nước; góp phần tổng kết cổ vũ, động viên phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt; tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, chống “diễn biến hòa bình”, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Vậy nên, đổi mới chính là để hướng tới chủ nghĩa xã hội, để hiện thực quá độ lên chủ nghĩa xã hội ngày càng được xác lập rõ ràng hơn. “Trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Đổi mới như một dòng chảy liên tục của cả xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng, phát động, lãnh đạo, tổ chức thực hiện từ Đại hội VI của Đảng năm 1986 cho đến nay.
Trong suốt chặng đường lịch sử, báo chí cách mạng Việt Nam đã trở thành một bộ phận cấu thành của mọi biến cố, mọi sự kiện trong tiến trình vận động của cách mạng, mà giai đoạn báo chí thời kỳ đổi mới có những dấu ấn đặc biệt quan trọng. Đội ngũ nhà báo cách mạng luôn trung thành với lý tưởng của Đảng, kiên định mục tiêu, lý tưởng, vững vàng trong những biến động của lịch sử; có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp giành độc lập dân tộc, đấu tranh thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam XHCN. Ra sức phấn đấu, thực hiện sứ mệnh cao cả của báo chí cách mạng, góp phần vào việc giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường dân tộc, truyền bá văn hóa, nâng cao dân trí, nâng cao nhận thức chính trị và trách nhiệm xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào chế độ để xây dựng một nước Việt Nam độc lập và phát triển trong thời đại Hồ Chí Minh.
Báo chí thời kỳ đổi mới đồng hành với sự nghiệp cách mạng
Trong những năm qua, dưới ánh sáng của đường lối đổi mới của Đảng, báo chí cách mạng Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ và toàn diện. Báo chí nước ta trong thời gian đổi mới, đã phát triển nhanh về số lượng ấn phẩm, các loại hình báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử), phát triển cả về chất lượng và số lượng. Có thể nói, những năm qua, báo chí Việt Nam đã có bước phát triển mới, đã và đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ, sôi động, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin, giải trí của người dân và giới thiệu Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Có thể thấy, sau ngày thống nhất, báo chí ở nước ta đã phát triển một cách nhanh chóng cả về số lượng lẫn chất lượng, hình thành hệ thống thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình rộng khắp cả nước với nội dung thông tin ngày càng phong phú, hiệu quả, hình thức đẹp, sinh động và hấp dẫn. Báo chí đã đi sâu vào thực tiễn đời sống, phát hiện, giới thiệu, cổ vũ các mô hình kinh tế mới, cách làm ăn mới, nhân tố mới, người tốt, việc tốt. Hoạt động của báo chí trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong quá trình hội nhập quốc tế và cơ chế thị trường, trong thời đại bùng nổ thông tin phát triển không ngừng. Đứng trước những yêu cầu mới, báo chí cách mạng Việt Nam luôn kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện tốt chức năng báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội và cũng là diễn đàn tin cậy của nhân dân.
Quang cảnh phiên khai mạc Ðại hội lần thứ VI Hội nhà báo Việt Nam diễn ra tại Hà Nội, từ ngày 8-9/3/1995_Ảnh: Văn Hiền/TTXVN
Trong quá trình lãnh đạo nhân dân tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, trong từng giai đoạn, Đảng, Nhà nước ta đã có những bước chuyển quan trọng trong đổi mới tư duy, phong cách và phương thức lãnh đạo, quản lý đối với công tác báo chí. Chỉ thị số 63-CT/TW, ngày 25/7/1990 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác báo chí, xuất bản của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) đã cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội VI của Đảng và được coi là văn kiện quan trọng đầu tiên nêu rõ nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với báo chí. Chỉ thị xác định các công việc mà Đảng, Nhà nước cần thực hiện để lãnh đạo, quản lý báo chí; trách nhiệm của cơ quan chủ quản; trách nhiệm, quyền hạn của người phụ trách cơ quan báo chí và việc thành lập các tổ chức đảng trong các cơ quan báo chí… Ngày 17/10/1997 Bộ Chính trị (khóa VIII) ban hành Chỉ thị số 22-CT/TW về tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo, quản lý công tác báo chí, xác định các quan điểm và định hướng, tăng cường thể chế hóa đường lối, nghị quyết của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực báo chí và xuất bản.
Trong những năm qua, hệ thống văn bản pháp luật về báo chí được bổ sung và từng bước hoàn thiện, cụ thể như: Luật Báo chí năm 1989, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí năm 1999; Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26/4/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí… Chỉ thị 37 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) “Về tiếp tục nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong thời kỳ mới”. Thực hiện sự lãnh đạo của Đảng, các cơ quan tham mưu của Đảng và quản lý của Nhà nước về báo chí, các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý báo chí. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, bảo đảm cho các cơ quan báo chí, xuất bản hoạt động theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuân thủ đúng tôn chỉ, mục đích đã được xác định.
Có thể khẳng định, gần 40 năm đổi mới đất nước, nhìn lại chặng đường đổi mới, lực lượng báo chí cách mạng Việt Nam đã hoạt động đúng định hướng, hoàn thành nhiệm chính trị được Đảng, Nhà nước giao phó. Đạt được thành tựu này là do Đảng, Nhà nước đã xác định rõ vai trò lãnh đạo, quản lý đối với báo chí, xác định rõ sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với báo chí không đối lập với tự do báo chí. Tự do báo chí dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và trong khuôn khổ pháp luật, nhằm hướng việc sử dụng quyền tự do báo chí vào lợi ích của nhân dân, của dân tộc; đồng thời Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng vai trò của báo chí trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Để có giải pháp đồng bộ và hiệu quả trong thời gian tới cần phải:
Thứ nhất, Đảng phải giữ vững và phát huy vai trò lãnh đạo báo chí, coi đó là nguyên tắc hàng đầu và bất di bất dịch; bám sát thực tiễn, tránh coi nhẹ lý luận; bảo đảm cho báo chí hoạt động đúng định hướng chính trị, đồng thời bảo đảm thực hiện quyền tự do cá nhân; bảo đảm lãnh đạo, quản lý báo chí một cách khoa học, dân chủ, đúng pháp luật.
Thứ hai, Đảng, Nhà nước phải tiếp tục đổi mới, nâng cao bản lĩnh và trí tuệ, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện quan điểm, đường lối, phương thức lãnh đạo báo chí sát hợp với đặc thù của báo chí và tình hình thực tế trong nước cũng như xu thế phát triển của báo chí thế giới.
Thứ ba, làm tốt công tác quy hoạch, sắp xếp tổ chức các cơ quan báo chí; hoàn thiện hệ thống pháp luật, sửa đổi Luật Báo chí cho phù hợp với sự phát triển của báo chí trong tình hình mới; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và năng lực lãnh đạo, quản lý báo chí cho cán bộ làm công tác lãnh đạo, quản lý báo chí các cấp và lãnh đạo các cơ quan báo chí.
Hiện nay, báo chí cách mạng Việt Nam đang đứng trước những thách thức đổi mới, xây dựng niềm tin, nuôi dưỡng khát vọng về một Việt Nam hùng cường. Báo chí cách mạng Việt Nam cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Phát triển báo chí cách mạng Việt Nam theo hướng “cách mạng, chuyên nghiệp, hiện đại” đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết tập hợp quần chúng, tạo đồng thuận trong xã hội, hướng tới mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.
*****
Có thể khẳng định, quá trình đổi mới đất nước, với sứ mệnh của mình, lực lượng báo chí nước nhà đã thể hiện vai trò là binh chủng đặc biệt, là lực lượng xung kích chủ lực trên mặt trận văn hoá tư tưởng. Báo chí, các phương tiện thông tin đại chúng đã tập trung nêu bật những mục tiêu, quan điểm, chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế đất nước. Thông qua báo chí, công tác tuyên truyền góp phần tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên, bạn đọc, nhân dân cả nước đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.
Báo chí đã, đang và sẽ góp phần tạo nên kỳ tích và nuôi dưỡng khát vọng thịnh vượng, hùng cường của dân tộc Việt Nam. Vượt qua thách thức mới để góp phần đưa dân tộc, đất nước Việt Nam đến thịnh vượng, phát triển, thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Với truyền thống bản lĩnh, trí tuệ "mắt sáng-lòng trong-bút sắc", báo chí cách mạng Việt Nam tiếp tục cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân viết tiếp câu chuyện thần kỳ của dân tộc vượt qua những khó khăn, thách thức, phát huy các thành tựu, kết quả đã đạt được, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Các nhà báo, các cơ quan báo chí tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân trong thời đại Hồ Chí Minh ./.
Hoàng Anh Tuấn
Tài liệu tham khảo:
- Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội. (2003)
- Nguyễn Huy Hiệu: “Báo chí cách mạng thời kỳ đổi mới” Báo Quân đội nhân dân. (2014)
- Nguyễn Phú Trọng: “Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới”, Tạp chí Cộng sản, số 949 (9-2020).
- Bá Dung: “Cao cả và kiên định mục tiêu vì sự nghiệp cách mạng” Báo Nhân Dân. (2020)
- Ban Chấp hành Trung ương: Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới, Hà Nội, tr.1.
- Văn Thị Thanh Mai: “Hà Sơn Thái, Báo chí cách mạng đồng hành cùng dân tộc, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, Tạp chí Tuyên giáo. (2020)
- Phạm Hồng Chưng: “Khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc và tầm nhìn thời đại của Hồ Chí Minh”, ngày 13/9/2021, lyluanchinhtri.vn
- Trần Thị Vui: “Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong cách mạng Việt Nam”, Tạp chí Lý luận chính trị. (2022).
- Phạm Đông “Sứ mệnh người làm báo trong thời đại mới dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh” 21/06/2022, laodong.vn.
- Báo Nhân Dân: Bộ sách điện tử “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình”, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật. (2022).
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Vinh danh 42 tác phẩm báo chí xuất sắc về “tam nông” năm 2024 (02:45 11/12/2024)
- Tăng cường tương tác giữa báo chí và mạng xã hội (10:56 11/12/2024)
- Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức lớp “Nâng cao kỹ năng số cho phóng viên” (09:17 27/11/2024)
- Trao Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm 2024 (11:05 17/11/2024)
- Chuyển đổi số góp phần xây dựng tính chuyên nghiệp và hiện đại của báo chí (05:20 05/11/2024)