Bài 2: Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Báo chí cách mạng và tầm nhìn thời đại trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc
22:37 04/12/2023
- Diễn đàn
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ngày 7 tháng 5 năm 1954 và Đại thắng mùa Xuân ngày 30 tháng 4 năm 1975 là mốc son chói lọi nhất, hiện thực hóa được khát vọng độc lập hòa bình của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng đó đến từ sự quả cảm, anh dũng hy sinh, ý chí kiên cường, sức sống mãnh liệt của một dân tộc yêu chuộng hòa bình. Trong hai chiến thắng vĩ đại đó, sức mạnh của báo chí, truyền thông đã thực hiện sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình. Báo chí trở thành vũ khí đắc lực góp phần thắng lợi cho cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc và thống nhất nước nhà và chiến thắng đó đã viết lên bản hùng ca bất hủ trong thời đại Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp Báo chí Cách mạng Việt Nam_Ảnh (Nguồn: Bảo tàng Báo chí Việt Nam)
Chủ tịch Hồ Chí Minh và tầm nhìn thời đại
Đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam, một đất nước nhỏ bé, với bề dày lịch sử, trải qua hàng nghìn năm đô hộ giặc phương Bắc, hàng trăm năm chiến tranh xâm lược của thực dân và đế quốc. Trong lịch sử đấu tranh bảo vệ tổ quốc, nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra giành thắng lợi và giành được chính quyền, tiêu biểu như cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40-43 TCN), Bà Triệu, Lý Bí, Mai Hắc Đế, Phùng Hưng, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi và Quang Trung…để rồi những tuyên ngôn độc lập vang vọng muôn đời: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”, “Xã tắc hai phen bon ngựa đá, Non sông ngàn thuở vững âu vàng”, “Đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”…
Đến thời đại Hồ Chí Minh, một dân tộc Việt Nam máu đỏ da vàng, với truyền thống cách mạng, anh hùng, đã nhất tề đứng lên bảo vệ tổ quốc với chân lý sáng ngời với tuyên ngôn “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Bằng trí tuệ siêu phàm, tầm nhìn thời đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, trở thành chiến sĩ cộng sản quốc tế xuất sắc, kiên trung. Người đã tìm thấy con đường cứu nước duy nhất đúng đắn cho dân tộc Việt Nam. Với tầm nhìn thời đại, Người đã làm sáng rõ con đường cách mạng Việt Nam, ngọn đuốc soi đường, kim chỉ nam dẫn lối cho Đảng và dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 và Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945 là cuộc cách mạng đầu tiên giành thắng lợi ở một nước thuộc địa nửa phong kiến, mở đầu cho cao trào giải phóng ở các nước thuộc địa trên toàn thế giới.
Với tinh thần bất diệt, nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân ta đứng lên phá bỏ xiềng xích nô lệ gần một thế kỷ dưới ách thống trị của thực dân, đế quốc, phát xít và hàng nghìn năm dưới chế độ phong kiến, đã giành quyền làm chủ đất nước, làm chủ cuộc đời mới. Và từ đó mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử phát triển của đất nước, kỷ nguyên của độc lập, của tự do và chủ nghĩa xã hội.
Dưới sự ngọn cờ của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã dương cao ngọn cờ và tinh thần độc lập dân tộc “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Minh chứng cho lời tuyên ngôn độc lập đó, thắng lợi của hai cuộc chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, mà đỉnh cao là Chiến dịch Ðiện Biên Phủ năm 1954 và Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là chiến thắng của chủ nghĩa yêu nước, ý chí bất khuất, kiên cường được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử và chiến thắng đó đã trở thành bản hùng ca của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Sứ mệnh báo chí cách mạng dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh - người đặt nền móng và khai sinh ra nền báo chí cách mạng nước nhà, tư tưởng của Người về báo chí đến nay vẫn nguyên giá trị. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi báo chí là một bộ phận không thể thiếu của sự nghiệp cách mạng, là vũ khí sắc bén trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Theo Người, tuyên truyền có vai trò hết sức quan trọng đối với mỗi quốc gia dân tộc, nhất là trong cuộc kháng chiến. Người sớm nhận rõ vai trò của báo chí trong công tác tuyên truyền để làm cho nhân dân hiểu bản chất của cuộc chiến xâm lược, làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ bản chất của chủ nghĩa xâm lược và kêu gọi quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng đất nước của dân tộc Việt Nam.
Từ những ngày đầu hoạt động cách mạng, trên tờ báo Le Populaire ngày 4 tháng 9 năm 1919, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng báo chí, vén bức màn tội ác của chủ nghĩa thực dân. Người viết làm cho nhân dân hiểu về cảnh mất nước, lầm than nô lệ và bày tỏ nỗi đau thương với người dân bị mất nước trên các trang báo. Trên mặt trận báo chí, và các diễn đàn quốc tế, Người đều tìm cách tuyên truyền về sự bóc lột của chủ nghĩa tư bản, sự khốn cùng của nhân dân các nước thuộc địa, đồng thời kêu gọi những người dân thuộc địa phải đứng lên đoàn kết, chiến đấu với kẻ thù xâm lược.
Năm 1925, tờ Báo Thanh Niên - cơ quan ngôn luận đầu tiên hoạt động công khai. Với cương vị là chủ bút của một tờ báo cách mạng, Người đã đăng nhiều bài viết thể hiện tiếng nói mạnh mẽ của người dân bị áp bức, đồng thời kêu gọi sự ủng hộ và liên minh với các lực lượng tiến bộ chống chủ nghĩa xâm lược. Hoạt động báo chí không chỉ tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân, mà qua đó thức tỉnh nhân loại cần lao, nói lên tiếng nói của đồng bào và khích lệ nhân dân đứng lên đấu tranh, chống ách áp bức bọc lột, giành độc lập dân tộc. Những bài báo là bản án chủ nghĩa thực dân và nói lên nguyện vọng giành độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam và nhân dân các nước yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Thông qua hàng loạt các bài viết đăng tải trên báo tố cáo tội ác của thực dân với những thủ đoạn thâm độc, tội ác dã man. Những bài viết trên như một bản án cho một chế độ, lời kết tội sự tàn bạo vô nhân đạo của chiến tranh.
Trong lời kêu gọi đồng bào, ngày 22 tháng 7 năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ cũng là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ. Để giành thắng lợi, toàn thể nhân dân, quân đội và cán bộ ta từ Bắc đến Nam cần phải đoàn kết chặt chẽ, tư tưởng phải thống nhất, hành động phải nhất trí”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước sục sôi tinh thần đấu tranh cách mạng. Dưới ngọn cờ của Đảng và sự lãnh đạo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã thôi thúc lòng tin cách mạng nhất định thắng lợi, Tổ quốc sẽ thống nhất, Nam - Bắc sẽ sum họp một nhà. Đồng bào và chiến sĩ cả nước muôn người như một, quyết tâm vượt qua khó khăn, một lòng kiên trung với Đảng, với cách mạng, đoàn kết đấu tranh đến thắng lợi cuối cùng. Có thể nói lời kêu gọi đồng bào của Chủ tịch Hồ Chí Minh là mẫu mực của sự thống nhất, những lời dạy và lời động viên không chỉ là giáo lý, mà là kinh nghiệm từ hoạt động thực tiễn sinh động được tôi luyện trong hoạt động cách mạng. Người chỉ ra rằng làm báo là làm cách mạng, bằng sự say mê, nhiệt huyết của một trái tim cộng sản, cộng với tài năng thiên bẩm và bề dày văn hóa của một dân tộc.
Đánh giá về vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp báo chí Việt Nam, đồng chí Trường Chinh đã nói: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà báo cách mạng, là người thầy vĩ đại, là người sáng lập và dìu dắt nền báo chí và giới báo chí cách mạng Việt Nam. Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác đều gắn liền với công tác báo chí. Cho nên, Bác tự nhận mình là một người có nhiều duyên nợ với báo chí và những lời dạy của Bác về công tác báo chí là cả một kho tàng vô giá về lý luận báo chí cách mạng Việt Nam, thể hiện rõ đường lối báo chí vô sản của Đảng ta, khắc sâu trong tâm chí những người làm báo chúng ta”.
Báo chí tiên phong trong cuộc kháng chiến chống thục dân Pháp và đế quốc Mỹ
Thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1954 - 1975) đó là chiến thắng đến từ ý chí của một dân tộc khát vọng hòa bình. Có thể khẳng định đó là thắng lợi vĩ đại nhất trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của thời đại Hồ Chí Minh. Trải qua những năm chiến tranh khốc liệt, nhân dân Việt Nam đã chiến thắng quân xâm lược bằng ý chí và lòng dũng cảm, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị của chủ nghĩa thực dân kéo dài hơn một thế kỷ, đất nước đã hoàn toàn thống nhất. Thắng lợi đó là kết quả của sự lãnh đạo đúng đắn, tài tình và sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến tháng 12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!” Lời kêu gọi thiêng liêng đó đã vang vọng trên Đài Tiếng nói Việt Nam và đã được các tờ báo, tờ tin trong nước và các hãng thông tấn, báo chí trong nước ngoài nước đăng tải rộng rãi lời kêu gọi đóc, khẳng định và niềm tin mãnh liệt của cả dân tộc ở thời điểm khó khăn và cam go nhất, nhưng đã dũng cảm đứng lên chiến thắng quân thù.
Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc đó, đã có hàng nghìn nhà văn, nhà báo, ca sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, biên kịch và diễn viên vào chiến trường... những tác phẩm báo chí, văn học, âm nhạc hội họa, phóng sự và điện ảnh… ra đời đã khắc họa lên cuộc chiến tranh khốc liệt bằng những ngòi bút, bức họa, bản hùng ca, ca ngợi cuộc sống và sức chiến đấu quả cảm của bộ đội và nhân dân ta với tinh thần chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Chỉ tính trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, có hàng ngàn cán bộ tuyên huấn, báo chí, văn hóa, văn nghệ... đã xông pha ra mặt trận, và trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đã có hơn 400 nhà báo, nhà văn nằm lại trên các chiến trường.
Một minh chứng cho sự nghiệp báo chí cách mạng giai đoạn này là sau ngày toàn quốc kháng chiến, các cơ quan báo chí lần lượt được thành lập. Báo chí đã tập trung kêu gọi, cổ vũ toàn dân, toàn quân đoàn kết, thực hiện đường lối kháng chiến của Đảng toàn dân, toàn diện và trường kỳ. Nhiều phong trào thi đua yêu nước, kháng chiến kiến quốc được phát động, được tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện báo chí truyền thông cả nước như: “Hũ gạo kháng chiến”, “Diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm”, “May áo mùa đông chiến sỹ”, “Bình dân học vụ”, quyên góp lương thực, thuốc men, áo quần gửi bộ đội… Thời điểm này, Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân Dân, Vệ quốc quân, Quân đội nhân dân… lần lượt được ra đời cùng các phương tiện và lực lượng khác thực hiện sứ mệnh thông tin, tuyên truyền, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh và tinh thần chiến đấu cho cuộc kháng chiến của dân tộc.
Những người làm công tác tuyên truyền như báo chí, văn hóa, văn nghệ đã luôn bám sát các mặt trận, chiến đấu, để khắc họa sức lao động gian khổ, sự hào hùng của quân và dân, lập nhiều thành tích vẻ vang, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử 30/4. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, báo chí cả nước đã cổ vũ các phong trào “Đồng khởi”, “Diệt ác, phá kềm, phá ấp chiến lược”, phong trào “Thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công”, “Bám thắt lưng địch mà đánh”… Các nhà báo, chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng đã đi cùng bộ đội, dân quân, du kích thông tin, phản ảnh sinh động các trận đánh lịch sử vang dội như: Bình Giã, Ấp Bắc, Núi Thành, cuộc tổng tấn công Mậu Thân 1968, Thành cổ Quảng Trị mùa Hè rực lửa năm 1972 và Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất nước nhà.
Trong giai đoạn này, hoạt động báo chí phát triển lớn mạnh và rộng khắp trên cả nước, ra đời tờ báo lớn khu vực miền Nam như: Báo Giải phóng, Đài Phát thanh Giải phóng và một số tờ báo địa phương khác khu vực miền Nam. Cơ quan Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan báo chí miền Bắc đã tích cực tăng cường phóng viên vào chiến trường miền Nam. Từ 1965, báo Quân đội nhân dân ra hằng ngày, tăng cường mạng lưới báo chí quân đội phát hành tại các chiến trường, như: Thông tấn quân sự, chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân, các tạp chí Văn nghệ quân đội, xưởng phim Quân đội nhân dân... cùng với đó là tuyên truyền hoạt động sản xuất tại miền Bắc, phát tin chiến thắng ở chiến trường miền Nam trên Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, trên Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Lao động và Tiền Phong…
Các báo đã tích cực tham gia tuyên truyền về đời sống xã hội, về chiến thắng của quân và dân ta tại các trận chiến, góp phần nhân rộng các phong trào tăng thêm sức mạnh dân tộc như: “Gió Đại Phong”, “Sóng Duyên Hải”, “Cờ ba nhất”, “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Năm xung phong”…; là ý chí: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”, “Xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước”, “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”, “Nhằm thẳng quân thù mà bắn” và “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”...Những lời hiệu triệu đó đã tuyên truyền rộng rãi trên các mặt báo và trên đài phát thanh.
Bác Hồ đến tận xe thu thanh lưu động của Đài thăm cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên đang ghi âm lễ khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam năm 1960_(Ảnh TL)
Đánh giá những chiến công của chiến sĩ trên mặt trận văn hoá tư tưởng góp phần chiến thắng cho cuộc chiến. Tháng 9/1962, có 160 đại biểu thay mặt cho gần 1.500 nhà báo cả nước dự Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam họp tại Thủ đô Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện thân tình, nhưng mang tính định hướng cả trong tư duy lẫn nghiệp vụ đối với những người làm báo: “... Từ ngày hòa bình được lập lại trên miền Bắc, cán bộ báo chí thông tin và Đài phát thanh đã có nhiều cố gắng và tiến bộ khá. Số báo chí cũng đã tăng rất nhiều, tỉnh nào cũng có báo, nhiều ngành cũng có báo, hiện nay đã có hơn 150 tờ báo các loại. Từ nay cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng của báo chí để nó làm tròn nhiệm vụ cao cả của nó. Đó là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng, phục vụ Đảng”.
Sau miền Nam hoàn toàn giải phóng, trong báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV tháng 12/1976 khẳng định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả tổng hợp của một loạt nhân tố tạo nên sức mạnh vô địch của cách mạng Việt Nam. Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành lẽ sống của cả dân tộc, của mỗi con người Việt Nam qua các thời đại và được nâng tầm thời đại Hồ Chí Minh và trong đó có sứ mệnh vẻ vang của đội ngũ những người làm báo cách mạng Việt Nam.
Sứ mệnh người làm báo cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh
Nửa cuối thế kỷ XIX cho đến suốt 3/4 thế kỷ XX, dân tộc Việt Nam phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh xâm lược, thù trong giặc ngoài, báo chí cách mạng ra đời trong bối cảnh đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, báo chí trở thành phương tiện thông tin đại chúng đặc biệt quan trọng, xung kích trên mặt trận văn hoá tư tưởng, đưa mọi chủ trương, đường lối của Đảng đi vào đời sống xã hội và phát huy giá trị, tạo ra sức mạnh để mọi người hiểu đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, tạo sự đồng thuận trong xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng đề ra.
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng” và “cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Người luôn yêu cầu ở đội ngũ những người làm báo phải xứng đáng với danh hiệu “chiến sĩ cách mạng”, “tiên phong” với những phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, phẩm chất trung thực, thường xuyên được tu dưỡng, rèn luyện để mãi “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”.
Xuất phát điểm từ một nền báo chí được hình thành trong lòng một nước hàng ngàn năm đô hộ, hàng trăm năm bị chiến tranh, báo chí Việt Nam đã trải qua những thăng trầm, biến cố tương ứng với các giai đoạn phát triển của lịch sử dân tộc. Từ khi thuộc địa cho đến khi giành được chính quyền, hình thành nhà nước Việt Nam độc lập và trải qua hai cuộc kháng chiến cứu quốc, để rồi non sông liền một dải, tiếp đến thời kỳ khủng hoảng kinh tế xã hội trong giai đoạn đổi mới, hội nhập và phát triển. Thực tế đã chứng minh, ở bất kỳ thời đại nào, báo chí Việt Nam vẫn luôn giữ một vai trò chủ đạo, không thể thay thế trong dòng chảy của một dân tộc có bề dạy lịch sử.
Một nền báo chí đa dạng, phong phú, đi từ thô sơ đến hiện đại; từ ít đến nhiều, từ tính chất nghiệp dư đến chuyên nghiệp; từ những hoạt động đơn lẻ, riêng rẽ trong từng giới xã hội cho đến các hoạt động chính trị, báo chí nước ta vẫn luôn hiện diện, đồng hành với mọi bước tiến của dân tộc, trở thành một trong những kênh thông tin thiết yếu, có giá trị và nguồn cung tri thức dồi dào nhất tới mọi tầng lớp nhân dân, góp phần định hướng những chuẩn mực đạo đức tốt đẹp cho dân tộc, khai mở tư duy tiến bộ, sáng tạo và tạo bệ phóng cho mọi ý tưởng dựng xây, kiến thiết và phát triển đất nước đi đến phồn vinh hạnh phúc.
Kinh nghiệm làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ trở thành những nguyên tắc “khuôn vàng, thước ngọc” không thể thiếu đối với những người cầm bút mọi thế hệ. Hơn 60 năm qua, kể từ bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội III Hội Nhà báo Việt Nam năm 1962, lực lượng báo chí cách mạng Việt Nam đã đang ngày càng phát triển và lớn mạnh cùng dân tộc và đất nước, đi theo con đường chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công xây dựng. Với tầm nhìn thời đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo cách mạng, vừa hoạt động cách mạng, vừa làm báo, làm báo để phục vụ cách mạng. Sau ngày giải phóng, báo chí cách mạng đã luôn thực hiện nhiệm vụ phản ảnh tích cực các nỗ lực phát triển kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam với các nước và hội nhập quốc tế.
***
Thời gian càng lùi xa, những vết thương đã dần được hàn gắn, nhưng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí càng tỏ rõ giá trị, tính thời sự, và được hun đúc trong những năm tháng chiến tranh, tiếp tục định hướng, soi chiếu cho đội ngũ những người làm báo hôm nay, các cơ quan thông tấn báo chí Việt Nam từ trung ương đến địa phương trên con đường đi đến một nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại. Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam kêu gọi đội ngũ người làm báo cả nước phát huy truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, nhà nước, sự tin yêu của quần chúng nhân dân.
Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí và phong cách làm báo năng động, chuyên nghiệp, sâu sát đời sống của Người đã trở thành hành trang quý giá cho các thế hệ nhà báo hôm nay học tập. Những cơ sở lý luận về báo chí đã trở thành tài sản vô giá, cơ sở và phương pháp luận cho hoạt động báo chí nước ta không chỉ trong những năm kháng chiến ác liệt, mà còn là “ngọn đuốc soi đường” đối với công cuộc xây dựng Tổ quốc đổi mới, hội nhập và phát triển./.
Hoàng Anh Tuấn
Tài liệu tham khảo:
- Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng: “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử”. Tập1. NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2016, tr.125.
- Võ Nguyên Giáp: “Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng”, Nxb CTQG, 2000, tr.364 – 365.
- Nguyễn Thành: “Sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, NXB Lý luận chính trị, 2005, tr.94.
- PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ: “Sức mạnh của báo chí trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ”, 21/06/2016, vov.vn
- Phạm Đông: “Sứ mệnh người làm báo trong thời đại mới dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh” 21/06/2022, laodong.vn
- Phạm Hồng Chưng: “Khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc và tầm nhìn thời đại của Hồ Chí Minh”, ngày 13/9/2021, lyluanchinhtri.vn
- Thu Hằng: “Hồ Chí Minh - Tầm nhìn thời đại” ngày 3/6/2016, tuyengiao.vn
- Việt Cường: “Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam”, media.qdnd.vn
- Báo Nhân dân: Bộ sách điện tử “Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình”, 2022, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Trao Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm 2024 (11:05 17/11/2024)
- Chuyển đổi số góp phần xây dựng tính chuyên nghiệp và hiện đại của báo chí (05:20 05/11/2024)
- Nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu: Một tấm lòng son sắt (02:05 01/11/2024)
- Nâng cao năng lực báo chí về năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (09:41 30/10/2024)
- Nghĩa tình và lẽ sống (04:15 27/10/2024)