Bài 1: Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Hành trình ra đời báo chí cách mạng và nước Việt Nam độc lập

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ thiên tài, kính yêu của Đảng, nhân dân và dân tộc ta; Người sáng lập, rèn luyện Đảng ta; người thầy đặt nền móng và khai sinh ra nền báo chí cách mạng nước nhà. Báo chí đã trải qua gần 100 năm xây dựng và phát triển, kể từ khi Đảng ra đời và lãnh đạo đến nay, báo chí cách mạng Việt Nam đã và đang mang trong mình sứ mệnh lịch sử vẻ vang. Báo chí đã trở thành vũ khí đắc lực cho cuộc cách mạng, đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Báo chí trở thành diễn đàn tin cậy của nhân dân, báo chí tích cực tuyên truyền, cổ vũ khối đại đoàn kết toàn dân cùng kiến thiết, trở thành ngọn hải đăng soi sáng, thực hiện khát vọng xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng trong thời đại Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam_Ảnh: (Nguồn Báo Quân đội Nhân dân)

Đầu thế kỷ XX, nhân loại chứng kiến thắng lợi vang dội của cuộc cách mạng Tháng Mười Nga 1917, đã mở ra thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Trên con đường đi tìm đường cứu nước, từ năm 1911, Người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã đi qua rất nhiều nước thuộc nhiều châu lục khác nhau, từ các nước đế quốc thực dân cho đến các dân tộc thuộc địa bị áp bức trên thế giới. Đến đầu năm 1918, Nguyễn Tất Thành trở lại Pháp, Người làm nhiều nghề, học tập, rèn luyện trong cuộc đấu tranh của quần chúng lao động và giai cấp công nhân Pháp. Từ đây tên Nguyễn Ái Quốc bắt đầu cho sự nghiệp của mình và tham gia vào Đảng xã hội Pháp. Động cơ làm báo là vì sự nghiệp cách mạng của Người, là đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc mình và những người dân bị áp bức bóc lột và để tạo dựng lên một thời đại mới ngày nay - thời đại Hồ Chí Minh.

Bài báo đầu tiên của Người mà ngày nay chúng ta được biết đến như một bài luận chiến sắc sảo với nhan đề "Tâm địa thực dân", phê phán những luận điệu xuyên tạc của chủ nghĩa thực dân Pháp ở Đông Dương. Từ năm 1919, nhiều tờ báo ở Pháp, trong đó có những tờ nổi tiếng như: LHumanité, Lepopulaire, La Vie Ouvrière, Le journal purple (Báo của dân), Le cahiers du communisme (Tạp chí cộng sản), La Correspondance internationale (Thư tín quốc tế)... đã đăng nhiều bài của Nguyễn Ái Quốc. Hơn 98 năm xây dựng và phát triển, có thể nói chưa bao giờ báo chí nước ta phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, cả nội dung cũng như hình thức như hiện nay. Để có được một nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại như ngày nay, đó là công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người thầy vĩ đại đã dày công kiến tạo, xây dựng và khai sinh ra nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo tại Đại hội III, Hội Nhà báo Việt Nam, năm 1962_Ảnh: (Bảo tàng Báo chí Việt Nam)

1. Hoạt động cách mạng Hồ Chí Minh và sự ra đời báo chí cách mạng Việt Nam

Trong suốt gần 60 năm hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí minh đã đến nhiều nước trên thế giới, từ Châu Âu, Châu Á, Châu Phi, đến Châu Mỹ. Người nhận thức rõ con đường duy nhất, đúng đắn nhất, đó là con đường giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng đất nước khỏi áp bức bóc lột.

Từ năm 1911, từ Bến cảng Sài Gòn, Người thành niên 21 tuổi Nguyễn Tất Thành với tên gọi Văn Ba ra đi tìm đường cứu nước. Sau gần 10 năm bôn ba, 1918 trở lại nước Pháp. Năm 1921, Người tham gia thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa, nhằm tuyên truyền cách mạng trong nhân dân các nước thuộc địa. Người dùng công cụ chính là báo chí, viết nhiều bài đăng trên các báo“Người cùng khổ”, “Đời sống thợ thuyền”,... Đặc biệt, Người đã viết tác phẩm“Bản án chế độ thực dân Pháp”, lên án mạnh mẽ chế độ thực dân, thức tỉnh lòng yêu nước của dân tộc các nước thuộc địa, dân tộc yêu chuộng hoà bình đứng dạy đấu tranh.

Tại Trung Quốc, Người cộng tác với tờ báo “Cứu vong nhật báo”, Người sáng lập ra tờ báo tiếng Việt “Thanh Niên”. Ngày 21/6/1925, Người đã cho ra số báo “Thanh Niên” đầu tiên, đánh dấu cho sự ra đời của báo chí cách mạng Việt Nam. Báo chí đã chính thức và công khai trở thành phương tiên, công cụ hỗ trợ đắc lực cho con đường cách mạng của Việt Nam và hoạt động cách mạng của Người.

Tháng 2/1927, Người sáng lập tờ báo “Lính Kách Mệnh”(tiền thân báo Quân Đội Nhân Dân) dành cho đội ngũ chiến sĩ cách mạng. Trong năm 1930, Đảng ra đời, Người sáng lập ra “Tạp chí Đỏ”, xuất bản ngày 5/8/1930. Người cũng góp phần đổi tên “Báo Đồng Thanh” thành tờ báo cách mạng với tên “Thân Ái”. Năm 1941, Người về nước và sáng lập “Báo Việt Nam độc lập”, nhằm mục đích: “Kêu gọi nhân dân trẻ với già/đoàn kết một lòng như khối sắt, để cùng nhau cứu nước Nam ta”. Từ những tác phẩm báo chí đầu tiên, Người đã hình thành tư tưởng báo chí, coi báo chí là vũ khí đắc lực phục vụ cho cách mạng. Người viết trên “Báo Cứu quốc” ra ngày 9/10/1945:“Trong công cuộc kiến thiết nước nhà, có 4 vấn đề cần phải chú ý đến cùng, phải coi quan trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”. Trong thư gửi hội nghị văn hoá và trí thức Nam bộ, ngày 25/5/1947, Người căn dặn: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà”. 

Tại Đại hội lần thứ III, Hội Nhà báo Việt Nam, tháng 9/1962, Người nói: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang viết là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng”. Người nói: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Đó là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân ta, cũng là nhiệm vụ của báo chí ta”.

Có thể thấy, trong suốt thời gian hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã nhận thức rõ con đường duy nhất, đúng đắn nhất đó là con đường giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng đất nước, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội và cùng với đó là sự ra đời báo chí cách mạng Việt Nam để làm phương tiện phục vụ cho cuộc cách mạng vĩ đại đó.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng hoa nhà quay phim Phan Thế Hùng, xưởng phim vô tuyến truyền hình, nhân Ngày Quốc tế Lao động 1/5/1968 _Ảnh: (Thông tấn xã Việt Nam)

2. Lược sử chặng đường hình thành nền báo chí cách mạng Việt Nam

Chặng đường hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh không tách rời với hoạt động báo chí. Người đã sớm thấy vũ khí đắc lực cho cuộc cách mạng đó là báo chí. Người làm báo là làm cách mạng, Người sử dụng triệt để, thành thạo, sắc bén báo chí làm phương tiện chiến đấu cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.

Trải qua gần 60 năm hoạt động cách mạng, hơn 50 năm cầm bút, sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng to lớn, với hơn 2.000 bài báo các loại, gần 300 bài thơ, gần 500 tranh truyện và ký, hơn 100 bút danh. Người đã để lại nhiều bài học quý giá về nghề báo và kỹ năng làm báo cách mạng chuyên nghiệp. Người cùng sáng lập ra 9 tờ báo: Báo Người cùng khổ (Le Paria năm 1922), Báo Quốc tế Nông dân (1924), Báo Thanh Niên (1925), báo Công Nông (1925), Báo Lính Kách mệnh (1925), Báo Thân Ái (1928), Tạp chí Đỏ (1930), Báo Việt Nam Độc lập (1941), Báo Cứu quốc (1942)...

Sau Cách mạng tháng Tám, một trong những điểm đáng chú ý nhất là, Người tiếp tục cộng tác, tổ chức và cho ra đời một số tờ báo. Ngày 7/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị thành lập “Đài phát thanh Quốc gia (nay là Đài Tiếng nói Việt Nam). Ngày 19/9/1945, thành lập hãng tin Quốc gia (nay là Thông tấn xã Việt Nam). Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II tháng 2-1951, báo Sự Thật (tiền thân của Báo Nhân Dân) - tờ báo là cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam. Được xem là Cơ quan trung ương, tiếng nói của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

Trong hoạt động báo chí của Người, Người đã sử dụng hơn 100 bút danh khác nhau, viết nên những tác phẩm báo chí xuất sắc. Người viết báo bằng nhiều thứ tiếng như: Anh, Pháp, Nga, Hán, Việt…, đăng trên nhiều báo, tạp chí ở trong nước và ngoài nước. Từ những bước đầu tập viết những tin ngắn 4 - 5 dòng lúc đầu, Người đã sử dụng thuần thục ngòi bút của mình giữa làng báo Paris, tạo nên những tác phẩm báo chí, cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Nếu kể từ bài báo đầu tiên “Vấn đề dân bản xứ” đăng trên tờ Nhân đạo “L.Humanite” ngày 2/8/1919. Hồ Chí Minh là người sáng lập, tổ chức, điều hành hoạt động, biên tập hàng chục tờ báo cách mạng trong những thời kỳ khác nhau. Kể từ tờ báo Thanh niên đầu tiên xuất bản ngày 21/6/1925, qua mỗi thời kỳ cách mạng 1925-1930, 1930-1945, 1945-1954, 1954-1975, 1975-1986, 1986 - đến nay, đều có sự phát triển mạnh mẽ. Cuộc đời hoạt động cách mạng và hoạt động báo chí của Hồ Chí Minh, có thể chia thành 4 thời kỳ, tương ứng với 4 giai đoạn phát triển của công cuộc cách mạng Việt Nam như sau:

Thời kỳ đầu tiên, từ năm 1919 đến năm 1930: Đây là thời kỳ người thanh niên Nguyễn Ái Quốc đang bôn ba bốn biển. Trong thời kỳ này hoạt động báo chí của người tập trung vào hai chủ đề chính là tố cáo, lên án sự bất công vô nhân đạo của chủ nghĩa thực dân và chế độ thống trị của chúng đối với các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam. Người đã viết "Bản yêu sách của nhân dân Việt Nam" đăng trên tờ báo Nhân Đạo (L’Humanite). Năm 1921, Người tổ chức ra "Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa" và sáng lập ra tờ báo "Người cùng khổ" (Le Paria). Năm 1924, Người viết bài "Hành hình kiểu Lin-sơ", một hiện tượng hiếm có của nền "văn minh Mỹ" (viết bằng tiếng Đức) đăng trên báo Diễn đàn thế giới, cơ quan trung ương của Đảng cộng sản Đức. Đây là giai đoạn thai nghén cho sự ra đời của Báo Thanh Niên.

Năm 1924, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người sáng lập "Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông". Cuối năm 1924 đầu năm 1925, Người tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội, hạt nhân là Cộng sản Đoàn, đồng thời thai nghén ra tờ Báo Thanh Niên. "Bản án chế độ thực dân Pháp" xuất bản năm 1925 là tác phẩm lớn tố cáo đanh thép chế độ thực dân dựa trên những tư liệu đầy sức thuyết phục, có giá trị cao không những về chính trị - lý luận, mà còn cả về báo chí và văn học. Ngày 21/6/1925, Người cho xuất bản số đầu tiên của Báo Thanh Niên, cơ quan trung ương của Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội, đây cũng đánh dấu mốc son, viên gạch đầu tiên sáng lập ra nền báo chí cách mạng Việt Nam.

Thời kỳ thứ hai, từ năm 1930 đến 1945: Đây là thời kỳ Đảng Cộng sản Việt Nam dưới sự tổ chức của Đảng và chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người trực tiếp tổ chức vận động cách mạng trong nước, dương cao ngọn cờ cách mạng vô sản, lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc đấu tranh, giành độc lập, tự do và chủ quyền đất nước. Trong thời kỳ này, hoạt động báo chí của Người đi vào bí mật để thực hiện nhiệm vụ lớn, thực hiện sứ mệnh cao cả cho dân tộc và đất nước.

Những bài báo của Người được lấy nhiều bút danh khác nhau, tháng 8/1941, Người sáng lập ra tờ “Việt Nam độc lập” gọi tắt là “Việt Lập” để tuyên truyền, cổ động và tổ chức nhân dân các tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn và các đoàn thể cứu quốc của Mặt trận Việt Minh. Giai đoạn này, đánh dấu một mốc son quan trọng nhất cho sự ra đời một quốc gia độc lập. Năm 1945, trong không khí chiến thắng của cách mạng Tháng Tám (19/8/1945), ngày 2/9/1945, Người đã viết và đọc bản "Tuyên ngôn Độc lập" khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và được công bô toàn thế giới về một nước Việt Nam, một quốc gia độc lập toàn vẹn lãnh thổ.

Thời kỳ thứ ba, từ năm 1945 đến 1954: Đây là thời kỳ mà hoạt động báo chí của Hồ Chí Minh gắn liền với cuộc kháng chiến trường kỳ và thần thánh của dân tộc ta chống thực dân và đế quốc từ 1946 – 1954. Trong thời kỳ này, tác phẩm của Người nhiều về số lượng, đa dạng về thể loại khác nhau. Người đã viết tập sách như: “Sửa đổi lề lối làm việc” (1947), “Cần kiệm liêm chính” (1949). Người viết nhiều bài trên báo Sự thật, Cứu Quốc, Nhân dân và nhiều báo khác. 

Trong giai đoạn này, Người đã viết khoảng hơn 135 bài cho báo Cứu Quốc cơ quan tuyên truyền cổ động của tổng bộ Việt Minh. Từ năm 1947 đến 1950, Người đã viết khoảng 24 bài cho báo Sự thật (nay là Báo Nhân Dân), cơ quan trung ương của Đảng và một số bài cho tạp chí Sinh hoạt nội bộ của Đảng.

Thời kỳ thứ tư, từ năm 1954 đến 1969; đây là thời kỳ đất nước ta có nhiều thử thách. Trong thời kỳ này, Người viết hàng trăm bài báo đăng trên các báo và tạp chí trong và ngoài nước, chủ yếu là Báo Nhân Dân (với bút danh là Trần Lực, Chiến Sỹ...). Cũng trong giai đoạn này Người đã viết một số tác phẩm cho các báo của Liên Xô như “Tình hữu nghị vô sản thắng lợi”, “Ba mươi năm hoạt động của Đảng”, “Lênin người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam” và nhiều tác phẩm khác. 

Giai đoạn này, Người đã viết cho Báo Nhân Dân khoảng 1205 bài, với 23 bút danh khác nhau, Người đã viết một số bài như: "Bọn đế quốc cướp nước không bao giờ có thể nô dịch dân tộc Việt Nam anh hùng" (số tháng 1/1952). Những bài như: "Lênin và công cuộc giải phóng các dân tộc bị áp bức” (số ra ngày 18/4/1955), bài "Quốc khánh lần thứ mười của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" (số tháng 9/1955), "Củng cố và phát triển sự thống nhất tư tưởng của các Đảng Mac-xít-Lê-nin-nít" (số ra ngày 3/8/1956), "Lê-nin, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam" (Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 92 Ngày thành sinh Lênin tháng 2/1952), "Cách mạng Tháng Mười vĩ đại mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc" (nhân dịp kỷ niệm lần thứ 58 Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1957). Năm 1960, Người viết bài "Ba mươi năm hoạt động của Đảng" đăng trên tạp chí nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng. Thời kỳ này, Người còn viết nhiều bài xuất bản trong nức và cho các báo xuất bản ở Liên Xô và một số quốc gia khác.

Hồ Chí Minh đã gắn bó cả cuộc đời và sự nghiệp với báo chí cách mạng Việt Nam. Trong bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ II, Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 16/4/1959, Hồ Chí Minh coi mình là người có duyên nợ với báo chí, duyên nợ ấy chính là làm báo nhằm mục đích là “Chống thực dân đế quốc, chống phong kiến, địa chủ, truyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. 

Cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại hệ thống quan điểm, tư tưởng về con người, cách mạng, thời đại, nhân dân, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, và di sản báo chí cũng không nằm ngoài tư tưởng đó của Người. Di sản đó cũng thể hiện bản lĩnh tuyệt vời của một nhà báo cách mạng vĩ đại, đó chính là “Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng Việt Nam”. Người thầy, nhà báo, nhà lãnh đạo cách mạng thiên tài, sự nghiệp báo chí của Người gắn liền với sự nghiệp hoạt động cách mạng vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp của báo chí Cách mạng, nêu cao trách nhiệm của báo chí, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định lấy ngày 21/6 hàng năm là Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, theo Quyết định số 52-QĐ/TW ngày 5/2/1985.

3. Báo chí cách mạng Việt Nam với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí cách mạng Việt Nam từ tờ báo đầu tiên - báo Thanh niên xuất bản ngày 21/6/1925 đến nay đã trải qua hơn 98 năm phát triển cùng với cách mạng nước nhà. Theo con số thống kê chưa đầy đủ của Bộ Thông tin và Truyền thông, số liệu về các cơ quan báo chí Việt Nam năm 2022, cả nước có 127 cơ quan báo; 670 cơ quan tạp chí (có 327 tạp chí lý luận chính trị và khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật); 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng trên 41.000 người, trong đó khối phát thanh, truyền hình gần 16.500 người, có thể thấy đội ngũ người làm báo vô cùng hùng hậu, có vị trị vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Chưa bao giờ, báo chí cách mạng Việt Nam phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Với sự phát triển đó, báo chí đã đang và sẽ đóng góp phần to lớn vào sự phát triển của đất nước. Theo đó, báo chí luôn thực hiện sứ mệnh cao cả đồng hành cùng dân tộc, vì lợi ích quốc gia dân tộc, vì lẽ sống cao cả, với mong muốn trường tồn, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế để xây dựng một nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, Nhà nước, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, các tổ chức, chính trị, xã hội, nghề nghiệp, là diễn đàn của nhân dân; báo chí đã tích cực tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới. Báo chí mang trong mình sứ mệnh cao cả, đây thực sự là nền báo chí của dân, vì lợi ích của dân mà hoạt động và chịu sự giám sát của nhân dân. Tự hào trước những trưởng thành và cống hiến to lớn trong lịch sử báo chí gần 100 năm qua, hơn 40.000 người lao động trong lĩnh vực báo chí Việt Nam tiếp tục giữ vững và phát huy truyền thống bút sắc, lòng trong tâm sáng, ra sức phấn đấu xây dựng nền báo chí Việt Nam cách mạng, chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, hiệu quả, viết tiếp trang sử người tuyên truyền, cổ động, tổ chức chung góp phần hiện thực hóa thắng lợi khát vọng 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện phát vọng đó, báo chí cách mạng Việt Nam đã đang và sẽ phát triển song hành với sự phát triển và trưởng thành của Đảng và của dân tộc. Mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử cách mạng nước nhà, báo chí cách mạng Việt Nam đều có những bước chuyển mình đáng tự hào mang hơi thở của thời đại - thời đại Hồ Chí Minh.

Hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, đây sẽ là sự kiện chính trị nghề nghiệp có ý nghĩa quan trọng của báo chí cách mạng nước ta. Thực hiện mong muốn cũng như di nguyện của Người, đó là "Báo chí là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa", "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ"; thiết thực xây dựng một nền báo chí truyền thông ngày càng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại như tinh thần văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Trong kỷ nguyên mới và hội nhập quốc tế, dưới ánh sáng tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, báo chí cách mạng Việt Nam đã, đang và sẽ phát huy vai trò là diễn đàn của nhân dân, tiếng nói của Đảng và Nhà nước, góp phần tạo sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa thực hiện sứ mệnh cao cả viết tiếp bản hùng ca mang tên con đường thời đại Hồ Chí Minh./.

Hoàng Anh Tuấn

Tài liệu tham khảo:

-----------------------

1 - Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 9, 11, 1996, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2 - Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, NXB Chính trị quốc gia, H, 1995

3 - Tập thể tác giả: Theo chân Bác – hồ sơ hành trình Bác Hồ tìm đường cứu nước 1911 – 2011, NXB Lao động, H, 2011

4 - Huỳnh Văn Tòng: Báo chí Việt Nam từ khởi thuỷ đến năm 1945, NXB Tp. Hồ Chí Minh, 2000

5 - Nguyễn Thành: Báo chí cách mạng Việt Nam 1925 – 1945, NXB Khoa học xã hội, H, 1984

6 - Lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam (1925-2010) NXB chính trị quốc gia. Hà Nội 2013. Trang 46

7 - Đào Duy Quát, Đỗ Quang Hưng, Vũ Duy Thông: Tổng quan lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam (1925 - 2010), NXB Chính trị quốc gia, H, 2010, tr.32, 227.

8 - Văn kiện Đảng toàn tập. NXB chính trị quốc gia. Hà Nội 2002. Tập 2. Trang 12,13

9 - Nguyễn Thị Trường Giang - Nguyễn Ái Quốc và sự ra đời của báo chí cách mạng Việt Nam.

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.
Bình luận, cũng như phỏng vấn, có thể vừa là phương pháp vừa là thể loại báo chí. Theo Từ điển bách khoa Việt Nam (Trung tâm Từ điển bách khoa Việt Nam, 1995) thì: “Bình luận (thông tin) là sự phân tích, đánh giá một vấn đề (chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, kỹ thuật...) trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, phổ biến, thuyết phục người nghe, người đọc... Bình luận chủ yếu vận dụng trí tuệ và tư duy logic để phân tích, đánh giá. Bình luận là vũ khí của báo chí nói riêng và các phương tiện thông tin đại chúng khác khi thực hiện các chức năng thông tin, tuyên truyền”.
Bộ Công thương đánh giá cao sự phối hợp và vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí, góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách đồng thời phổ biến kịp thời kiến thức, điển hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến người dân, doanh nghiệp, cơ quan, công sở trên khắp cả nước.
Phải “công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”. Thông điệp trong bài phát biểu quan trọng "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng ta mới đây thu hút sự quan tâm, đồng tình của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top