
“Ai minh oan cho tôi”?
-
Một cán bộ thuế cấp huyện, kết nạp Đảng trong quân đội năm 21 tuổi nhưng năm 26 tuổi bỗng dưng bị bắt giam vì “tội giết người, cướp của”. Năm nay ông 65 tuổi, đã nhiều năm đi kêu cứu khắp nơi nhưng vẫn chưa được minh oan.
Ông Nguyễn Bá Thành và vợ kể lại vụ oan sai đeo đẳng đời ông suốt 39 năm nay.
Đó là ông Nguyễn Bá Thành, trú tại khối Bình Yên, phường Hưng Bình, TP.Vinh (Nghệ An). Ông gặp nạn khi đang làm cán bộ thu thuế của Ban Tài chính huyện Nghi Lộc thuộc tỉnh này.
Bị bắt vô cớ
Trong căn nhà cấp bốn đơn sơ giữa trung tâm TP.Vinh, ông Thành mở đầu chuyện đời bĩ cực của mình bằng câu nói chua chát: “Ở khối Bình Yên mà đời mình có được yên bình đâu”.
Câu chuyện khiến đời ông bĩ cực, oan khuất suốt 39 năm nay được tóm tắt như sau: Ngày 3/8/1979 hưởng ứng phong trào “Quản lí thu thuế” của tỉnh Nghệ-Tĩnh, cán bộ thu thuế huyện Nghi Lộc đi làm từ lúc 2h sáng để thu thuế người dân buôn hàng chuyến về các chợ đầu mối của huyện và TP.Vinh trong đêm về sáng.
Mỗi tổ công tác đi một hướng. Ông Thành cùng tổ ông Nguyễn Văn Tơn (cán bộ ủy nhiệm thu của xã Nghi Liên, huyện Nghi Lộc). Hai người phụ trách thu thuế trên cung đường thị trấn Quán Hành - Cửa Lò. Sáng hôm đó, ông Tơn đi khoảng 30 phút thì ông Thành xuất phát. Ông vừa đi vừa thu thuế dọc đường. Đến 6h, khi tới xã Nghi Thu thì trời hửng sáng, ông quay về cơ quan tắm giặt, ăn sáng để 9h vào chợ tiếp tục thu thuế như lịch làm việc thường ngày của cơ quan.
Khi ông Thành vừa ăn sáng xong, cơ quan nhận tin báo “có một cán bộ thu thuế chết dưới cầu Gãy thuộc xã Nghi Trường, trên đường thị trấn Quán Hành-Cửa Lò”. Thế là cả cơ quan đến cầu Gãy. Tại hiện trường, thi thể ông Tơn và chiếc xe đạp vừa mới được vớt dưới đầm nước lên. Cái xắc cốt vẫn trên người ông Tơn. Một lúc sau, công an đến khám nghiệm hiện trường, mổ tử thi ngay bên bờ đầm nước. Sau đó, gia đình và cơ quan đưa thi thể ông Tơn về quê để an táng vào ngày 4/8/1979.
Ngày 5/8/1979, anh Bốn cán bộ Công an huyện Nghi Lộc vào gặp lãnh đạo cơ quan đưa giấy mời ông Thành ra trụ sở công an làm việc ngay trong ngày. Ông Thành ra đến nơi thì nghe công an hỏi một câu: “Anh đi thu thuế với anh Tơn à”. Ông Thành kể lại như vừa nêu trên trong khoảng 8 phút. Kể xong thì công an đọc lệnh bắt giam ông Thành ngay. “Lệnh bắt giam tôi về tội giết người, cướp của”, ông Thành đau đớn nói.
Sau khi đọc lệnh, công an khóa còng số 8 hai tay ông Thành rồi đưa ông lên thùng xe mô tô ba bánh có ba cán bộ công an áp giải chờ sẵn, tới bàn giao cho Trại tạm giam Nghi Kim (Công an Nghệ An).
18 tháng biệt giam
Ông Thành chợt rùng mình nhớ lại những “kí ức” mà ông cho là “đau đớn và sợ hãi nhất trong đời” bởi trong suốt 18 tháng biệt giam, cả hai tay và hai chân đều bị còng 24/24. Cứ 2-3 ngày công an hỏi cung một lần. “Lần nào hỏi họ cũng ép, bắt tôi phải nhận tội giết người, cướp của. Tôi không nhận thì họ đá vào mặt, tát vào miệng”, ông Thành cay cay khóe mắt, nhớ lại.
Ông kể chi tiết: “Công an hỏi tôi giết ông Tơn như thế nào. Tôi trả lời, tôi và ông Tơn là đồng nghiệp, cán bộ thu thuế với nhau, không ai hận thù ai nên tôi không có nguyên cớ gì gây chuyện thất đức đó. Tôi dứt lời thì công an đánh ngay. Lần nào họ cũng xoay tôi câu hỏi như vậy rồi cứ ép, bắt tôi nhận tội cho bằng được. Tôi thì trước sau chỉ biết trả lời không giết, không cướp tài sản của ông Tơn. Đến lúc họ tuyên bố thẳng thừng: Mi mà không nhận tội, còn ngoan cố thế này thì cho chết luôn trong trại”.
Sau ba tháng biệt giam trong khu A (khu biệt giam những trọng án chung thân, tử hình), ông Thành chuyển sang buồng biệt giam khác cũng thuộc khu này. Đó là buồng giam chung với tướng cướp Trương Hiền (tức Toọng). “Tôi sợ hết hồn. Rất may Toọng không có biểu hiện hung dữ nào như y từng gây án. Nhưng Toọng chỉ biệt giam 5 tháng còn tôi 18 tháng.”, ông Thành nói.
Hết 18 tháng, ông Thành được công an trại gọi ra, nói “bữa ni có lệnh tạm tha”. Lúc đó, ông mừng đến lóa mắt nhưng do tay, chân bị tra còng quá lâu nên bước đi không vững. Lết ra đến cửa trại tạm giam, ông Thành được công an trao “Lệnh tạm tha” và cho về. Ông Thành nói: “Tôi là cán bộ, đảng viên đang làm việc tại cơ quan nhà nước thì các anh mời tôi đến công an huyện làm việc rồi bắt giam luôn. Trong 18 tháng biệt giam bị còng tay, còng chân giờ không thể đi nổi về cơ quan. Yêu cầu các anh tạo điều kiện cho tôi về. Công an trại tam giam nói rằng: “Có lệnh tạm giam, bọn tôi giam. Có lệnh thả, bọn tôi thả. Anh ra khỏi trại là bọn tôi hết trách nhiệm. Về hay không mặc xác anh”.
Vừa lúc, ông Thành gặp người làng đi qua. Anh em tay bắt mặt mừng rồi chở nhau về. Đó là thời điểm áp tết âm lịch năm 1981. Và, đứa con thứ hai người vợ mang bầu khi ông bị bắt nay đã biết đi lẫm chẫm.
Đùn đẩy trách nhiệm
Bà con láng giềng trong khu tập thể của Ty tài chính Nghệ-Tĩnh ở bên đường Nguyễn Thị Minh Khai, TP.Vinh thấy ông Thành về liền đến hỏi thăm. Ai cũng thốt lên: “Chú mần răng mà có thể giết người, cướp của được”; “Ai cũng nghĩ chú oan nhưng không biết kêu kiểu răng”. Riêng cán bộ Ty tài chính động viên: “Chú cứ yên tâm nghỉ dưỡng khi nào đủ sức khỏe thì báo cáo Phòng tổ chức cán bộ để bố trí công việc”.
Tháng 12/1982, ông Thành viết đơn kêu oan đi bộ sang Viện kiểm sát (VKS) nhân dân tỉnh ở sát cạnh khu tập thể để gửi. Nữ cán bộ phòng hành chính đọc đơn rồi nói: “Theo ý kiến lãnh đạo, vụ này do bên công an tỉnh xử lí”. Ông Thành phân tích: “VKS kí lệnh thì công an mới bắt giam tôi. Vậy VKS xử lí chứ”. Nữ cán bộ giải thích: “VKS kí lệnh bắt ông nhưng do công an trình VKS kí nên hỏi bên công an”.
Ông Thành đến Công an Nghệ An gặp cán bộ trực ban. Anh này hẹn ngày mai làm việc. Đúng hẹn, ông tới thì anh trực ban nói: “Vụ này do VKS tỉnh kí lệnh bắt. Trách nhiệm là của VKS tỉnh”. Ông Thành thất vọng quay về rồi đi tiếp mấy đợt nữa nhưng cả hai cơ quan này cứ đùn đẩy, không ai dám nhận trách nhiệm.
Từ khi bị bắt giam, các tiêu chuẩn, chế độ đều bị cắt sạch kể cả đình chỉ sinh hoạt đảng. Gia đình sống nhờ đồng lương của vợ là giáo viên Mầm non trong khu tập thể Ty tài chính. Khi ông được tạm tha về nhà, cán bộ Ty tài chính thấy tội nên thi thoảng trợ giúp ít kí gạo, mì hạt. Ông Thành nghĩ, mặc dù đi đâu cũng bị người ta dòm ngó, dị nghị mình là kẻ “giết người, cướp của” nhưng giờ phải “bấm bụng” đi làm để kiếm cơm nuôi vợ con. Nghĩ vậy, ông báo cáo Phòng tổ chức cán bộ Ty tài chính xin đi làm trở lại. Ngay sau đó (1983), thể theo nguyện vọng, ông về làm việc tại Ban tài chính huyện Quỳnh Lưu, đóng trên địa bàn quê của ông.
Năm 1984, huyện ủy Nghi Lộc (nơi ông Thành sinh hoạt đảng trước khi bị bắt oan) ra Nghị quyết phục hồi quyền lợi sinh hoạt Đảng cho ông. Năm 1986, ông được Bộ Tài chính tặng Bằng khen về thành tích quản lí thu thuế. Năm 1998, ông được chuyển về công tác tại Chi cục thuế TP.Vinh và năm 2013 ông nghỉ hưu. Kể đến đây, ông bộc bạch: “Về nghỉ hưu thì nỗi bực tức về oan sai bỗng nhiên dồn nén căng như khối mìn nặng trĩu trong đầu. VKS tỉnh và Công an tỉnh vẫn “treo” cái án “giết người, cướp của” suốt mấy chục năm trên đầu tôi khiến không thể ăn ngon ngủ yên. Tháng 9/2016 tôi quyết định kêu kiện trở lại để minh oan cho bằng được”.
Lần này, trong đơn kêu oan, ông yêu cầu VKS và Công an tỉnh làm rõ ba nội dung: “Trả lời việc bắt giam tôi sai hay đúng. Khi có kết quả phải công khai trước người dân, công luận. Trả lại quyền lợi về tinh thần và sức khỏe 18 tháng bị giam oan”.
Ông đến nộp đơn tại VKS. Cơ quan này không hồi âm. Ông nộp đơn tại Công an tỉnh. Công an tỉnh trả lời: “Trách nhiệm thuộc quyền VKS tỉnh giải quyết”. Ông lại đến VKS. Lần này nữ cán bộ Phòng tiếp dân, tên Giang nói: “Hồ sơ của ông không đủ căn cứ nên VKS không giải quyết được. VKS sẽ chuyển lại cho cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh”. Ông Thành hỏi: “Lệnh bắt giam tôi do VKS kí. Quyết định khởi tố vụ án và quyết định khởi tố bị can đối với tôi đều do VKS kí. Quyết định đình chỉ điều tra vụ án cũng do VKS kí. Riêng “Lệnh tạm tha” công an trại giam Nghi Kim đưa cho tôi thì tôi nộp lại cho Công an huyện Nghi Lộc để họ làm căn cứ khôi phục chế độ lương thực, thực phẩm cho tôi. Tại sao, VKS không tra cứu những tài liệu này trong hồ sơ lưu trữ của VKS để giải quyết mà cứ đùn đẩy trách nhiệm”. Chị Giang kết luận: “Việc ni không rõ vì đây không có hồ sơ của ông”.
Ông Thành đến cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Nghệ An hỏi “VKS đã gửi đơn của ông ra đây và yêu cầu giải quyết”. Hai cán bộ là anh Long, anh Triều cho biết “đơn của bác đã chuyển cho Công an huyện Nghi Lộc xử lí”. Ông Thành bảo “đâm lao thì phải theo lao” nên ông ra Công an Nghi Lộc. Tại đây, ông nói với anh Cương (đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tổng hợp): “Theo Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong quá trình giải quyết vụ việc, cơ quan, tổ chức, cá nhân nào để xảy ra oan sai thì cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân phải trực tiếp giải quyết vụ việc oan sai đó. Công an Nghi Lộc không thể giải quyết được vụ oan sai này”. Anh Cương nói: “Biết thế nhưng đây là việc cấp trên giao nên phải làm”. Nói xong, anh Cương hỏi y chang chị Giang ở VKS: Bác có lệnh bắt, quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can và bản án hỏi cung ở trại tạm giam không. “Đây là lí do để Công an Nghi Lộc trả lời tôi bằng văn bản là không có hồ sơ thì không giải quyết được”, ông Thành buồn rầu nói.
Mới đây, ngày 29/5/2018 cơ quan CSĐT Công an Nghệ An mời ông Thành đến giải quyết vụ việc. Tại đây, sau hai giờ tranh luận giữa công an, VKS với ông Thành, kết luận của buổi làm việc lại tái diễn yêu cẩu “phải có các quyết định của các cơ quan có thẩm quyền và bản án thì mới giải quyết vụ án được”.
Ông Thành kể thêm, sau cuộc đó mấy chú công an đến động viên tôi: “Thôi đừng kêu oan nữa bác ạ. Bác nhiều tuổi rồi, nghỉ cho khỏe. Bác kiện bọn cháu đau đầu lắm”. Nói đoạn, ông lại lộ vẻ chua chát: “Không hiểu ai sẽ minh oan cho tôi”.
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An yêu cầu rà soát lại hồ sơ Chiều ngày 24/7/2018, chúng tôi có cuộc tiếp xúc với Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh, đại tá Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Giám đốc, Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Nghệ An và ông Tôn Thiện Phương - Viện trưởng VKS nhân dân tỉnh Nghệ An. Theo đại tá Hùng, muốn minh oan và bồi thường thì ông Thành phải có hồ sơ chứng minh bị bắt oan sai. Trong lúc đó, ông Phương cho biết “hiện hồ sơ lưu trữ tại VKS không có tài liệu liên quan đến ông Nguyễn Bá Thành”. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh kết luận: “Việc tạm tha, đình chỉ điều tra vụ án và khôi phục sinh hoạt Đảng cho ông Thành chứng tỏ ông bị bắt oan sai. Nhưng để minh oan và bồi thường thì cơ quan chức năng phải thực hiện theo quy định pháp luật. Vì vậy hai cơ quan VKS và công an phải rà soát, kiểm tra hồ sơ lần cuối. Trước mắt cần động viên và có cách (thông báo) để ông Thành và gia đình yên tâm, khong mặc cảm với vụ việc”.; |
Vũ Toàn
(Ghi chú:
-Mình biết, thường PS đi hết một trang thì chỉ 1.700 từ + ảnh. Nhưng vụ này có vấn đề (nỗi oan sai 39 năm) nên viết hết những chi tiết quan trọng. Mình gửi như vậy, nếu dùng do TS xử lí)

63 tác phẩm xuất sắc đoạt Giải báo chí Thông tấn xã Việt Nam 2016

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn doanh nghiệp Hong Kong (Trung Quốc)

Hoàn thiện kế hoạch giao vốn chương trình mục tiêu quốc gia

Xử lý vấn đề tồn tại của Công ty cổ phần Thể dục thể thao Việt Nam
