90% số nạn nhân bị mua bán là phụ nữ, trẻ em

22/04/2020, 23:29

90% số nạn nhân bị mua bán là phụ nữ, trẻ em - Theo báo cáo của cơ quan chức năng từ năm 2012 - 2017 số nạn nhân bị mua bán và nghi vấn mua bán là 3.090 người, 2.571 người đã trở về, trong đó tự trở về là 1.237 người, 519 người chưa trở về. 90% số nạn nhân bị mua bán là phụ nữ, trẻ em.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga điều hành phiên giải trình.

Sáng 23/8, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người giai đoạn từ năm 2012 - 2017. 

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, thời gian qua tình hình mua bán người đã có chiều hướng phức tạp, trải rộng trên phạm vi cả nước. Luật phòng chống mua bán người đã được Quốc hội thông qua từ 2012, trong quá trình triển khai thực hiện bên cạnh kết quả đạt được có không ít những hạn chế, bất cập.

Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em

Theo các báo cáo của các cơ quan chức năng, thời gian qua tội phạm mua bán người đã xảy ra và có dấu hiệu xảy ra ở 63 tỉnh, thành. Chủ yếu là mua bán người ra nước ngoài (chiếm trên 85% số vụ), tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với Trung Quốc, Campuchia, Lào, trong đó Trung Quốc chiếm trên 75%.

Từ năm 2012 - 2017, số nạn nhân bị mua bán và nghi vấn mua bán là 3.090 người; 2.571 người đã trở về, trong đó tự trở về là 1.237 người và còn 519 người chưa trở về. Hơn 90% số nạn nhân bị mua bán là phụ nữ, trẻ em và đa số thuộc các dân tộc ít người, thường tập trung ở vùng nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa.

Đa số nạn nhân là phụ nữ khi bị lừa bán ra nước ngoài bị cưỡng ép kết hôn làm vợ người dân bản địa và bị bóc lột tình dục (chiếm gần 80%), cưỡng bức lao động. Đối tượng phạm tội chủ yếu là đối tượng lưu manh chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về tội mua bán người (chiếm 22%); người nước ngoài thông qua công ty môi giới vào Việt Nam dưới dạng tham quan, du lịch, hoạt động kinh doanh rồi móc nối, câu kết với các đối tượng người Việt Nam, hình thành những đường dây mua bán người xuyên quốc gia.

Một số nơi xuất hiện hiện tượng các đối tượng phạm tội giả danh lực lượng chức năng để lừa gạt, cưỡng ép nạn nhân. Đối tượng người Việt Nam dùng tên, hình ảnh đại diện giả trên Facebook mặc lễ phục bộ đội biên phòng làm quen, kết bạn và lừa bán nạn nhân. Đối tượng người Trung Quốc giả danh công an, biên phòng Trung Quốc trà trộn kiểm tra, kiểm soát, theo dõi người qua lại biên giới để phạm tội.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, giải đáp các câu hỏi tại phiên giải trình. Ảnh báo Thanh Niên

Mua bán người là loại tội phạm có độ ẩn cao

Phát biểu tại Phiên giải trình, Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, tội phạm mua bán người là loại tội phạm có độ ẩn cao, tồn tại nhiều dưới dạng nguy cơ và có khả năng xảy ra trên các địa bàn như khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; trên các lĩnh vực như cho nhận con nuôi, kết hôn có yếu tố nước ngoài, đẻ thuê, hiến tạng, xuất khẩu lao động.

Trên thực tế, tội phạm mua bán người đã có dấu hiệu xảy ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Nước ta không những là nơi xuất phát tội phạm nguồn mà còn là địa bàn trung chuyển mua bán người từ một số nước trong khu vực đi nước thứ ba.

Đáng chú ý, Luật Phòng chống mua bán người có hiệu lực đã hơn 6 năm nhưng đến nay các bộ ngành chức năng chưa tham mưu Chính phủ ban hành nghị định trên cơ sở đó ban hành thông tư hướng dẫn chi tiết thi hành luật.

Theo Thứ trưởng, tội phạm mua bán người trong nước còn tiềm ẩn và chưa được khảo sát, đánh giá. Công tác điều tra, nắm tình hình quản lý đối tượng còn hạn chế, thậm chí chủ quan cho rằng không có tội phạm mua bán người nên chưa đánh giá đúng thực trạng cũng như xu hướng hoạt động của tội phạm.

Sự quan tâm chưa đúng mức đến công tác phòng ngừa tội phạm mua bán người cũng được coi là một trong những nguyên nhân dẫn đến hạn chế của công tác này.

Tăng cường tuyên truyền pháp luật về phòng, chống mua bán người

Tại phiên họp, các đại biểu chỉ rõ: Tội phạm mua bán người chủ yếu tồn tại dưới dạng ẩn, nên ngay từ khâu phát hiện, tố giác tội phạm đã rất khó khăn. Kể cả khi đã tố giác, báo tin tội phạm thì việc xác minh, điều tra cũng không dễ dàng. Đa phần các vụ việc, vụ án mua bán người ra nước ngoài xảy ra đã lâu mới được phát hiện, khi đó đối tượng và nhất là nạn nhân ở nước ngoài nên không thể xác minh, xác định; chứng cứ ít, chủ yếu căn cứ vào lời khai, tố giác của người bị hại hoặc người nhà nạn nhân.

Một số ý kiến cho rằng, việc xử lý tội phạm mua bán người còn nhiều bất cập, nhận thức của nạn nhân hạn chế nên bị đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi mua bán người. Đồng thời, công tác tuyên truyền, hỗ trợ của địa phương chưa hiệu quả. Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Hồ Văn Năm cho rằng, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống tội phạm mua bán người đối với người dân vùng sâu, vùng xa còn hạn chế.

Trên cơ sở những tồn tại trên, các ý kiến thảo luận tại phiên giải trình đề nghị Bộ Công an tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật phòng, chống mua bán người; Thông tư quy định chi tiết các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân bị mua bán và thân thích của họ.

Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành văn bản và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi mua bán người theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015. Đồng thời đề nghị Bộ Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nghiên cứu, xây dựng, ký kết các văn bản, hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ tội phạm, chuyển giao người bị kết án về tội phạm mua bán người với các quốc gia, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc thực hiện Luật phòng, chống mua bán người và các quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự.

Để nâng cao hiệu quả phòng, chống mua bán người, tại phiên giải trình, một số ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương có chính sách khuyến khích, tạo công ăn việc làm thu hút lao động tại địa phương để hạn chế tình trạng người dân, trong đó có phụ nữ đi lao động trái phép sang các nước láng giềng. Các bộ, ngành liên quan rà soát văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người để đề xuất sửa đổi, bổ sung, trong đó chú trọng sửa đổi, bổ sung những quy định về hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán trở về.

TH