
10 năm liên kết vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
-
Sáng 5/5, tại TP. Huế với tư cách là Chủ tịch Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chủ trì Hội nghị kinh tế Vùng với chủ đề “Liên kết phát triển các Khu kinh tế và Khu công nghiệp trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”.
Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại Hội nghị. Ảnh PV
Tham dự Hội nghị có ông Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương; hơn 150 đại biểu đại diện các Bộ, ngành, các tỉnh trong Vùng, các Viện nghiên cứu và các chuyên gia kinh tế trong nước.
Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có các ông: Lê Trường Lưu, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Cao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (KTTĐ) được thành lập từ năm 2008, gồm 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, với diện tích tự nhiên là 27.881,7 km2, chiếm 8,45% diện tích cả nước; dân số khoảng 6,5 triệu người, chiếm trên 7,0% dân số cả nước, có điều kiện thuận lợi hình thành một hành lang kinh tế, thương mại quan trọng kết nối Bắc – Nam và là cửa ngõ ra biển của tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây, nối Myama, Lào, Campuchia với đường hàng hải quốc tế qua biển Đông và Thái Bình Dương.
Vùng KTTĐ miền Trung hiện có 4 khu kinh tế (KKT) ven biển gồm Chân Mây – Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi) và Nhơn Hội (Bình Định) và 19 khu công nghiệp (KCN) được Thủ tướng cho phép thành lập, chiếm 5,8% số KCN được cấp phép của cả nước và khoảng 45,2% số KCN của 14 tỉnh miền Trung.
Các KKT, KCN trong Vùng tính đến cuối năm 2016 đã thu hút được hơn 1.280 dự án, với tổng vốn đầu tư ký hơn 500 ngàn tỷ đồng, vốn đầu tư thực hiện hơn 210 ngàn tỷ đồng (chiếm 42% tổng vốn đầu tư đăng ký), thu ngân sách khoảng 36-40 ngàn tỷ đồng.
Trong đó, đầu tư vào các khu kinh tế có 420 dự án (chiếm 32,8%), vốn đầu tư đăng ký hơn 380 ngàn tỷ đồng (chiếm 76%), thu ngân sách khoảng 30 ngàn tỷ đồng (chiếm 70-75%).
Có thể nói, các KKT, KCN trong Vùng KTTĐ miền Trung đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giải quyết công ăn việc làm, chuyển dịch cơ cấu và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong Vùng.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh PV
Hiện nay các KKT, KCN vùng KTTĐ miền Trung có tạo thêm năng lực sản xuất mới, nhưng chưa tạo ra bước đột phá trong phát triển công nghiệp, phần lớn thu hút vào các KKT, KCN trong Vùng là các ngành thâm dụng lao động, sử dụng nhiều nhiên liệu, năng lượng, ít công nghệ cao, như: dệt may, da giày, sản xuất sản phẩm nhựa, vật liệu nung, chế biến nông - lâm - thủy sản... Cơ cấu ngành nghề này làm cho chất lượng, tốc độ phát triển các KKT, KCN của Vùng không cao.
Mặt khác, các KKT, KCN khu vực miền Trung có tiềm năng, lợi thế tương đối giống nhau, nhưng chưa có những phân tích sâu nhằm đưa ra cơ chế phân công thu hút, phát triển hợp lý, tạo nên lợi thế tổng thể của toàn vùng. Ngược lại, đang có sự thu hút đầu tư theo hướng cạnh tranh tràn lan trên tất cả các lĩnh vực, tại tất cả các địa phương, làm triệt tiêu lợi thế lẫn nhau và làm lệch lạc định hướng khai thác tiềm năng sẵn có vào phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương trong Vùng.
Đã tròn 10 năm thành lập Vùng KTTĐ miền Trung, nhưng cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời một cách rõ ràng thành công hay thất bại, theo như lời phát biểu của PGS,TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng chính phủ phát biểu tại hội nghị. Cũng theo ông Trần Đình Thiên, phải đánh giá cho được liên kết vùng này thành công hay thất bại để có cách nghĩ, cách làm khác như hiện nay.
Tâm Hành

63 tác phẩm xuất sắc đoạt Giải báo chí Thông tấn xã Việt Nam 2016

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đoàn doanh nghiệp Hong Kong (Trung Quốc)

Hoàn thiện kế hoạch giao vốn chương trình mục tiêu quốc gia

Xử lý vấn đề tồn tại của Công ty cổ phần Thể dục thể thao Việt Nam
