“Sứ mệnh trời đày” - Kỳ 1: Gian nan bán trú lòng dân

23:12 10/09/2023 - Văn hóa xã hội
Trong lúc có nhiều giáo viên vì những lý do khác nhau mà nghỉ việc thì cô giáo Nguyễn Thị Thúy Phụng ở Trường Tiểu học và THCS Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị lại gắn bó với sự nghiệp trồng người như một mối lương duyên tiền định.

Cô giáo Thúy Phụng và học sinh trong ngày khai giảng năm học mới.

Ngoài giờ lên lớp, cô Phụng tận dụng thời gian đến tận nhà học sinh vận động các em đến trường, tranh thủ bán hàng online để tiết kiệm tiền mua sách vở cho học trò nghèo, tự bỏ tiền túi để khoan giếng phục vụ sinh hoạt của học sinh... Đặc biệt, cô Phụng còn là "mẹ đẻ" của chương trình bán trú từ lòng dân. Tình cảm mà cô Phụng dành cho những đứa học trò nghèo ở huyện vùng xa, vùng khó khăn Hướng Hóa đã vượt qua sự tử tế bình thường. Tình yêu trò, mến trẻ trong cô  giáo này đã kết tinh thành một “sứ mệnh trời đày” làm cho người đọc, người nghe xốn xang những cung bậc cảm xúc.

Cõng chữ lên ngàn

Tôi gặp cô giáo Phụng vào những ngày đầu tháng chín. Mùa này, những sợi nắng ở Quảng Trị vẫn cứ sóng sánh trên vai người lữ khách. Trao đổi với tôi, câu chuyện của cô Phụng vẫn còn nguyên tính thời sự và gợi mở ra bao điều mới lạ, nhất là khi năm học mới bắt đầu.

Cô giáo Thúy Phụng và chương trình Bán trú lòng dân.

Sinh ra và lớn lên ở thôn Đại Hào, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng vào năm 2006, năm 2007, cô Phụng chọn mảnh đất vùng sâu, vùng xa Hướng Hóa để lập nghiệp. Ngôi trường đầu tiên mà cô Phụng dạy học là Trường Tiểu học Hướng Phùng, với các điểm trường Cợp, Ku vơ, Cheng và Chênh Vênh từ năm 2007 đến năm 2018. Ngày đầu đến với mảnh đất vùng cao này, ấn tượng của cô là một nơi còn quá nhiều khó khăn, gian khổ. Nói như nhiều người, Hướng Phùng thời đó khó từ tư tưởng khó ra. Người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào Vân Kiều, đối với họ, việc có cơm ăn ngày ba bữa, lửa đỏ ngày ba lần đã khó huống gì nói chuyện cho con đi học. Những khó khăn nơi vùng đất này mỗi lúc mỗi rõ dần hơn nhưng dường như điều này chẳng làm cô Phụng nản lòng.

"Có khi nào cô giáo thấy hối hận khi chọn một huyện vùng sâu, vùng xa như Hướng Hóa để lập nghiệp không?" Trả lời tôi, cô Phụng bảo: "Lúc mới ra trường, em nghĩ rằng mình cứ đi và trải nghiệm, dành nghị lực và sức trẻ để dạy học sinh là được, khó khăn rồi sẽ qua". "Điều gì khiến cô lo lắng khi dạy ở một ngôi trường cách xa gia đình mình hơn 100km?  

"Địa hình nhiều đèo, dốc, việc đi lại với khoảng cách như vậy cũng khiến em hơi sợ, nhất là vào mùa mưa, đường lầy lội. Năm em mang thai, có lần bị té, động thai nhẹ, may mà không có gì nghiêm trọng. Có những hôm xe hư, dắt xe, đi bộ là chuyện thường". Cô Phụng nói về những buồn, vui trong quãng đời đi dạy học với một cảm xúc rất thật.

"Mẹ đẻ" của chương trình bán trú lòng dân

Quảng Trị ngày không mây, nắng cứ ung dung rải đều trên phiến lá. Câu chuyện về sự nghiệp trồng người nơi vùng đất khó của cô giáo Phụng cứ thế liền mạch những cung bậc cảm xúc. Trải qua nhiều điểm trường trước đó, năm 2017, cô Phụng được phân công dạy lớp 1, tại điểm trường Cheng thuộc Trường Tiểu học Hướng Phùng, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa. Lúc đầu, học sinh ở trường này chỉ học 1 buổi từ thứ Hai đến thứ Sáu. Tuy nhiên, từ khi áp dụng chương trình sách giáo khoa mới, thời gian học tăng lên thành 7 buổi. Để kịp thời gian dạy, cô Phụng rủ học sinh của mình ở lại học buổi chiều, nâng số buổi học lên thành 9 buổi.

Học sinh mang cơm tới trường học bán trú.

Khi có một vài học sinh đồng ý ở lại trường, cô Phụng mang theo gô cơm và thức ăn nấu sẵn từ nhà để ăn trưa cùng học sinh. Vậy nhưng điều khiến cô Phụng băn khoăn là vẫn còn rất ít học sinh trở lại trường học ca chiều. Trước khó khăn này, cô Phụng đã có cách làm táo bạo: "Hôm đó, sau khi dạy xong, em chưa về nhà mà đi thẳng vào bản để vận động phụ huynh cho con mình mang cơm đến trường ăn trưa để chiều học. Hầu hết phụ huynh hưởng ứng chủ trương của em đề ra nhưng họ còn ngại vì cơm thì có mà đồ ăn thì không. Họ không biết phải kiếm đâu ra thức ăn để cho con mình mang tới lớp". Khó khăn thật sự, bởi vì sau 3 ngày đi vận động, buổi học bán trú đầu tiên chỉ có 7 học sinh được gia đình nấu cơm mang theo ăn trưa. Tín hiệu đáng mừng nhưng vẫn chưa khả quan. Cô Phụng một lần nữa lại vào bản: "Gặp phụ huynh lần này em thuyết phục rất kỹ. Em bảo, bây giờ chương trình học nhiều, mà số tiết thì ít, bố mẹ nên cho con đi học cho kịp chương trình. Cho con tới trường học thêm buổi chiều, còn việc học đã có em lo". Cô Phụng trải lòng mình với sự nhiệt tình như thế.

Qua không biết bao nhiêu lần vào bản thuyết phục, từ hy vọng rồi đến thất vọng, từ đi gần rồi đến đi xa, từ ậm ừ rồi đến đồng ý, việc thuyết phục cho học sinh ở bán trú tại trường của cô giáo Phụng dần có kết quả. Lớp 1C của cô Phụng phụ trách, cả 30 học sinh trong lớp đều được phụ huynh đồng ý cho con học bán trú. Chương trình bán trú này tạo được sự đồng thuận trong lòng dân nơi mảnh đất nghèo Hướng Hóa: Tôi thấy chương trình bán trú này hay. Học sinh được học nhiều hơn. Tôi đã cho con học bán trú. Anh Hồ Văn Nam, phụ huynh em Hồ Văn Vừng tại điểm trường Cheng thuộc Trường Tiểu học Hướng Phùng phấn khởi nhớ về chương trình bán trú mà cô Phụng đã tâm huyết gầy dựng.

Để chênh Vênh... bớt chênh vênh

Nhiều năm trước, nói đến bản Chênh Vênh, thuộc xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa là nói đến sự chênh vênh đúng nghĩa trong đó có lĩnh vực giáo dục. Ngày ấy, nơi bản nghèo này, giáo dục vẫn còn "lời ru buồn" vì nhận thức của người dân vẫn còn hạn chế. Học sinh bỏ học vẫn còn diễn ra. Trước thực trạng này, khi được thuyên chuyển công tác về dạy học ở điểm trường Chênh Vênh vào năm  cuối năm 2018, cô giáo Phụng lại nặng lòng với những phận đời nơi đây. Tiếp tục được phân công dạy lớp 1, cô Phụng một lần nữa triển khai mô hình bán trú với lớp học của mình. Với kinh nghiệm tổ chức tại điểm trường Cheng, cô Phụng đã nhanh chóng ổn định lớp học và vận động phụ huynh cho học sinh học bán trú. "Ở điểm trường Chênh Vênh khi em vận động phụ huynh cho con học bán trú thì họ đồng ý. Nỗi lo của em chính là duy trì được chương trình, huy động các mạnh thường quân cùng đồng hành với phụ huynh. Biết là sẽ khó nhưng phải cố gắng". Cô Phụng tự hứa với mình như thế.

Bữa cơm của học sinh nghèo tại chương trình bán trú lòng dân.

Như vậy ở điểm trường Chênh Vênh từ hôm cô Phụng tổ chức chương bán trú thì học sinh đã bớt khổ, bớt đi sự chênh vênh, lo âu của phụ huynh cũng như học sinh nơi đây. Dù mới thí điểm nhưng việc học bán trú ngày hai buổi đã nhận được sự đồng tình, ưng cái bụng của đồng bào Vân Kiều. 11 em học sinh trong lớp cô Phụng dạy đã yên tâm ở lại ăn trưa tại trường, học ngày 2 buổi tại lớp. Đồng hành cùng cô giáo Phụng là những học sinh mang cơm từ nhà tới trường. Thức ăn là vài ba con cá suối, ít đọt măng rừng, nhà khá giả hơn một chút thì cho con vài miếng thịt, chút đậu khuôn kho vội trước lúc lên nương. Đơn giản vậy thôi mà tình cảm cô và trò vẫn cứ đượm, cứ nồng như ngọn lửa trong nhà sàn cháy mãi không thôi.

Thương vô cùng khi thấy học trò dùng túi ni - lông để đựng thức ăn, cô Phụng liên hệ với nhà hảo tâm xin đồ đựng cơm, đồ ăn cho các cháu. Ngậm ngùi khi học trò của mình mới có cơm, có đồ ăn mặn mà chưa có canh, cô Phụng lại tất bật xin tài trợ thêm mì tôm để làm canh. Giờ nghỉ trưa, các cháu chưa có chỗ nghỉ ngơi, cô Phụng nghĩ ra cách ghép những chiếc bàn lại để làm giường ngủ... Tất cả những gì cô Phụng làm cũng là vì sự nghiệp trồng người, để cho những đứa trẻ vùng cao không vì cái khó, cái nghèo mà bị teo đi con chữ. Những ân tình mà cô giáo Phụng gieo xuống vùng đất khó ở xã Hướng Phùng đã khiến các em học sinh, các bậc phụ huynh và thầy, cô giáo nơi đây phải thổn thức, đồng cảm và chia sẻ: “Cô Phụng là người tiên phong, tâm huyết với chương trình bán trú. Cô là người kết nối, kêu gọi mạnh thường quân ủng hộ cho học sinh. Là người trực tiếp đứng lớp, chấp nhận dạy thêm giờ để học sinh được học tập tốt hơn". Thầy giáo Nguyễn Mai Trọng, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị nói về sự cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của cô Phụng như thế

Tháng 9 đầu thu, trời xanh và lộng gió. Dòng sông Sê Băng Hiêng vẫn hiền hòa chở nặng phù sa. Mãi nghe chuyện của cô giáo Phụng mà chúng tôi quên đi hoàng hôn đã xuống lúc nào không biết. Xa xa những mái nhà của bà con Vân Kiều đã đỏ lửa, những đứa trẻ Vân Kiều chuẩn bị hành trang cho một năm học mới bắt đầu. Tuy nhiên, nơi đây vẫn còn những nhọc nhằn và âu lo, những phận đời kém may mắn cần lắm sự chung tay giúp đỡ của cô Phụng. Hành trình gieo chữ nơi đại ngàn sẽ được cô Phụng viết tiếp, đó là một câu chuyện dài còn dang dở khi cô giáo này vẫn  luôn yêu thương và còn nặng nợ với người dưng…

Thành Nam

(Còn nữa)

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top