Chuyên gia Navarro biết rất rõ phát hiện nói dối khó đến đâu: "Điều rất khó để phát hiện nói dối là tất cả chúng ta đều làm điều đó và chúng ta đều làm nó từ rất sớm. Là một sinh vật sống, chúng ta rất hay lừa dối: một đứa trẻ muốn mẹ chú ý đã biết cách giả vờ đang bị đau".
Nhưng không phải là không có cách "bắt bài" nó. Ông Navarro khẳng định rằng cách mọi người cấu trúc từng câu nói, cách thể hiện nó ra ngoài có thể ẩn đằng sau nhiều thứ để gợi ý rằng đó có thể là một câu nói dối. Hãy đi tìm những gợi ý cho thấy đối phương đang bối rối về mặt tâm lý là lời khuyên của cựu nhân viên FBI.
"Cơ thể phát trực tiếp tình trạng bối rối tâm lý. Họ có bặm môi hay không? Họ có sờ tay lên cổ hay không? Họ có hút thuốc nhiều hơn không?".
Những lời khuyên của một chuyên gia phát hiện nói dối như ông Navarro hẳn sẽ hữu ích cho người dẫn chương trình của ABC và CNN, nhưng trong trường hợp này, hút thuốc là thứ không cần phải quan tâm tới. Không chỉ ông Trump và bà Clinton không được hút thuốc khi tranh luận mà tất cả những ai có mặt trong khán phòng hôm 9.10 tới tại Đại học Washington cũng đều phải nhìn vào biển báo: "Khu vực cấm hút thuốc" mà hành xử cho phải phép.
2. Cắt thật sắc!
"Điều chúng tôi luôn cố làm là bắt đầu với một câu hỏi mở: Anh có kinh nghiệm gì về chuyện này? Anh nghĩ ra sao về chuyện kia? Và rồi chặn họ lại ở điểm mà anh biết rõ", đó là kinh nghiệm của Navarro.
Nhân vật hiện là một diễn giả này nói tiếp: "Nếu là tôi, tôi sẽ để cho họ nói bất kỳ điều gì họ muốn và khi họ còn đang thao thao bất tuyệt, hãy cắt một nhát thật sắc và nói: Không, điều đó không chính xác, nó không trùng khớp với sự thật và đây là lý do". Nhưng tại sao phải làm điều đó? Lý do của Navarro như sau: "Bằng cách cắt ngang họ đột ngột, mục tiêu chính của anh là làm cho họ bất lợi về mặt tâm lý mà họ không chuẩn bị trước để ứng phó".
3. Đừng quá bận tâm tới cái đồng hồ
Trong cuộc tranh luận sắp tới, mỗi ứng viên sẽ có 2 phút để trả lời mỗi câu hỏi giống như ở vòng một. Người dẫn chương trình sẽ có thêm một phút để "vặn" những điều ứng viên vừa nói. Một điều thú vị ở vòng 2, khác với vòng 1 là khán giả sẽ có cơ hội để tham gia đến 1/2 số câu hỏi, theo trang web Central Election của Mỹ. Nhưng cũng chính người dẫn chương trình có nhiệm vụ giữ cho mọi đề tài đi theo đúng thời lượng, kế hoạch.
Nhưng đôi khi sự tuân thủ quá nghiêm ngặt thời lượng khiến người dẫn chương trình đánh mất cơ hội tìm ra sự thật. Lời khuyên của chuyên gia Navarro với 2 nhà báo dẫn chương trình là khi đã đối mặt với một lời nói dối, hãy cứ sấn tới, dồn thúc cho ra ngô ra khoai, để cho ông, cho bà tổng thống tiềm năng thấy rõ là họ sẽ không được đổi qua đề tài khác cho tới khi mọi chuyện đã rõ ràng.
Củng cố niềm tin của cử tri vẫn cứ là một trong những nhiệm vụ hàng đầu đối với bà Hillary Clinton trên đường đua nước rút vào Nhà Trắng
4. Đừng lọt bẫy
Liệu những chính trị gia đẳng cấp cao như bà Clinton hay ông Trump có dễ nổi giận? Có đấy và trong rất nhiều trường hợp, họ có thể giả vờ nổi giận. Để làm gì? Chính trị gia, càng ở cấp cao thì càng có nhiều "chiêu". Đôi khi họ làm thế để tránh trả lời một câu hỏi mà họ "đánh hơi" được rằng có thể dồn họ vào góc tường.
Đừng nổi giận theo họ! Kết luận của ông Navarro là ai bình tĩnh nhất sẽ chiến thắng. Nhưng bình tĩnh thôi chưa đủ. Hãy đối phó với tất cả những chiêu trò, kể cả những cơn thịnh nộ, bằng các dữ liệu. Phải chuẩn bị thật kỹ càng và chuẩn bị bằng dữ liệu là lời khuyên của cựu chuyên gia thẩm vấn FBI./.
Nguồn: TNO